"Chiến dịch Điện Biên Phủ trên không":

Nơi chiếc B52 đầu tiên bị bắn rơi

(VOV) -Đúng 20 giờ 13 phút tối 18/12 năm đó, cả một vùng trời Sóc Sơn sáng rực như ban ngày.

Ký ức12 ngày đêm anh dũng quật cường chống trả cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc của đế quốc Mỹ năm 1972 dù trải qua 40 năm nhưng vẫn không hề phai nhạt đối với nhiều người dân Thủ đô Hà Nội.

Lần theo những trang sử, chúng tôi tìm về thôn Đường Hai, xã Phù Lỗ, huyện Sóc Sơn, Hà Nội. Nơi đây, vào lúc 20 giờ 13 phút đêm 18/12/1972, Tiểu đoàn 59, Trung đoàn tên lửa 261 (Đoàn Thành Loa), Sư đoàn 361, Quân chủng Phòng không - Không quân ở trận địa Cổ Loa, Đông Anh, Hà Nội đã bắn rơi tại chỗ một máy bay chiến lược B52G của Mỹ, lập chiến công đầu tiên ngay trong ngày đầu của chiến dịch 12 ngày đêm lịch sử cuối năm 1972, góp phần cùng quân và dân Thủ đô Hà Nội lập nên chiến thắng "Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không". 

Tượng đài bắn rơi chiếc B52 đầu tiên trong chiến thắng Điện Biên phủ trên không tại Phủ Lỗ, Sóc Sơn, Hà Nội (ảnh: Hà Nội mới)

“Các anh cứ đến đầu thôn Đường Hai, hỏi ông Dục bắt phi công Mỹ ai cũng biết”. Đó là lời khẳng định xen lẫn tự hào của ông Ngô Điểm - Phó Bí thư Đảng uỷ xã Phù Lỗ, Sóc Sơn, Hà Nội khi chúng tôi hỏi về những người dân quân bắt sống giặc lái chiếc B52 đầu tiên bị hạ trong chiến dịch Điện Biên Phủ trên không cuối năm 1972.

Không phải mất nhiều thời gian dò hỏi, chúng tôi đã tìm được đến nhà ông Phan Đình Dục - Trung đội trưởng dân quân, một trong 5 dân quân ngày ấy đã có chiến công bắt sống phi công lái chiếc B52G bị Tiểu đoàn 59, Trung đoàn tên lửa 261 (Đoàn Thành Loa), Sư đoàn 361, Quân Chủng Phòng không – Không quân ở trận địa Cổ Loa, Đông Anh, Hà Nội bắn rơi.

Nghe chúng tôi gợi chuyện quá khứ, ký ức về cái đêm huyền thoại ấy của ông Dục lại tràn về nguyên vẹn. Ông kể: Tối đó, như thường lệ, đội dân quân gồm những thanh niên trai tráng trong thôn lại cùng nhau đi tuần tra dưới sự chỉ huy của xã đội trưởng Đoàn Tấn. Đang đi, bỗng ông nghe thấy tiếng máy bay rất lạ, tiếng ì như chở rất nặng, vốn là một cựu chiến binh ở chiến trường Tây Nguyên, ông biết ngay đó là tiếng B52. Lập tức, ông Dục hét to để báo hiệu cho mọi người biết có máy bay B52. Khẳng định đêm nay địch sẽ dùng B52 bắn phá Thủ đô, ông cùng đội dân quân nhanh chóng triển khai lực lượng, thông báo cho bà con tìm nơi trú ẩn.

Đúng 20 giờ 13 phút tối 18/12 năm đó, cả một vùng trời Sóc Sơn sáng rực như ban ngày. Người dân thôn Đường Hai cứ ngỡ như cả bầu trời cháy rụi và đổ ập ngang trên đầu, ai nấy vội vã trốn xuống hầm tránh bom. Bằng kinh nghiệm chiến trường, ông Dục lại hô to một lần nữa: Máy bay giặc cháy rồi, bị hạ rồi anh em ơi! Tiếng reo vui lan tỏa khắp làng, già trẻ gái trai quên hết nguy hiểm, kéo nhau ra xem pháo đài bay phơi xác trên cánh đồng Chuôm ven làng.

Thấp thoáng thấy trên bầu trời có 2 bóng dù lơ lửng, Trung đội trưởng Phan Đình Dục và xã đội trưởng Đoàn Tấn vội vàng chỉ huy anh em dân quân xã chạy về phía máy bay rơi tìm bắt phi công nhảy dù. Ngay lập tức, họ phát hiện ra 1 tên bị mắc trên cây nhãn, cả đội hò nhau trèo lên bắt xuống thì phát hiện phi công này đã chết do bị thương nặng.

"Tối hôm trước vào khoảng gần 9 giờ thôi, thì chúng tôi phát hiện ra tiếng máy bay lạ, vì tôi ở chiến trường tôi biết, tiếng B52 là tôi biết, y như rằng một lúc có máy bay vào luôn, sau khi phát hiện thì thấy nó ném bom ở Hà Nội… Thế rồi sau đó chúng tôi thấy dù rơi, bắt đầu chúng tôi mới truy lùng suốt cả đêm đó, đến 8 giờ sáng hôm sau mới phát hiện ra nó. Nó phát hiện ra chúng tôi trước, lúc đó nó đang nằm nấp ở trong đám ruộng cày vỡ, nó phát hiện ra chúng tôi và giơ tay hàng luôn, “thằng” này là người da trắng…"  - Ông Dục cho biết.

Trong đội dân quân gồm 5 người tham gia trực tiếp bắt sống 2 phi công lái B52 ngày ấy, ngoài ông Dục, giờ chỉ còn một người nữa còn sống, đó là ông Đoàn Tấn – Xã đội trưởng – người trực tiếp chỉ huy lực lượng dân quân làm nhiệm vụ. Cũng giống như ông Dục, ông Tấn, hiện đã 80 tuổi vẫn còn nhớ như in những kỷ niệm bắt sống phi công giặc năm đó. "Ngay đêm hôm ấy được tin báo có dù rơi ở giữa làng, lực lượng dân quân tại chỗ chúng tôi phát hiện nó ở trên cây và kéo xuống thì tên phi công đã chết rồi. Sau đó 4 giờ sáng anh em chúng tôi đi tìm tiếp, chúng tôi tìm theo vết dù thì phát hiện ra tên còn lại đang trốn ở bên đống phân bón ngoài ruộng, tôi nổ súng để uy hiếp tinh thần nó, sau đó xung phong lên, tôi giơ tay làm mẫu cho nó giơ tay hàng. Sau đó đồng chí Dục vào trói luôn".

Mặc dù không biết tiếng của tên giặc lái, nhưng ông Tấn cũng biết phải thẩm tra ngay lập tức để tìm vũ khí của hắn. Chỉ sau vài động tác ra dấu, tên phi công đành phải khai ra hắn đã giấu khẩu súng lục ở bờ ruộng gần chỗ ẩn nấp. Thế là cả đoàn 5 dân quân, trong đó có 1 nữ dân quân là bà Ngô Thị Thuần được giao trực tiếp áp giải tù binh về làng hân hoan với chiến công bắt sống được giặc lái B52 và vũ khí của hắn.

Tiếp theo chiến công đầu nức lòng quân dân cả nước đó, giữa cánh đồng Trầm, thôn Yên Sào, xã Xuân Quang, huyện Sóc Sơn, Hà Nội vào 05 giờ 19 phút ngày 21/12/1972, Tiểu đoàn 57, Trung đoàn tên lửa 261 (Đoàn Thành Loa), Sư đoàn 361, Quân chủng Phòng không - Không quân ở trận địa Đại Đồng, Đông Anh, Hà Nội đã một lần nữa bắn rơi tại chỗ một máy bay chiến lược B52 của Mỹ, góp phần cùng quân và dân Thủ đô Hà Nội lập nên chiến thắng "Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không" tháng 12 năm 1972...

Ghi nhớ chiến công oanh liệt của cha ông, ý thức được việc phải giáo dục cho các thế hệ con em Phù Lỗ niềm tự hào trên mảnh đất Thánh Gióng anh hùng, chính quyền địa phương luôn có những chương trình, hoạt động giáo dục truyền thống cho con em mình. Ông Ngô Điểm - Phó Bí thư Đảng uỷ xã Phù Lỗ, Sóc Sơn, Đông Anh, Hà Nội cho biết: "Ý thức được rằng mình là địa bàn B52 rơi đầu tiên, Đảng bộ có chủ trương rất sớm phối hợp với Sở văn hoá, phòng văn hoá tiến hành tu sửa điểm di tích. Đồng thời có kế hoạch giao cho đoàn thanh niên, cựu chiến binh phối hợp với các nhà trường mời các nhân chứng lịch sử trực tiếp tham gia khắc phục hậu quả và bắt sống giặc lái nói chuyện với các em nhằm khơi dậy truyền thống hào hùng của quê hương, động viên phong trào của thanh niên, từ đó xác định được trách nhiệm của thanh niên trong việc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay".

Ngay ngày hôm sau, 19/12/1972, đồng chí Phùng Thế Tài - Phó tư lệnh Quân chủng phòng không không quân đã về thăm, ghi nhận và biểu dương nhân dân xã Phù Lỗ đã bắt được giặc lái và làm tốt công tác bảo vệ chiến lợi phẩm. Xác chiếc máy bay B52G sau đó được giao cho Bộ Quốc phòng. Hiện những mảnh còn lại của pháo đài bay này đang được trưng bày tại Bảo tàng chiến thắng B52... và vẫn mãi là niềm tự hào của người dân Phù Lỗ, Sóc Sơn…/.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

 “Đánh bồi, đánh nhồi” hạ gục “siêu pháo đài bay” của Mỹ
“Đánh bồi, đánh nhồi” hạ gục “siêu pháo đài bay” của Mỹ

(VOV) - Tiểu đoàn 93 Trung đoàn tên lửa 261 bắn rơi chiếc máy bay B52 đầu tiên trong trận chiến 12 ngày đêm có ý nghĩa hết sức quan trọng.

 “Đánh bồi, đánh nhồi” hạ gục “siêu pháo đài bay” của Mỹ

“Đánh bồi, đánh nhồi” hạ gục “siêu pháo đài bay” của Mỹ

(VOV) - Tiểu đoàn 93 Trung đoàn tên lửa 261 bắn rơi chiếc máy bay B52 đầu tiên trong trận chiến 12 ngày đêm có ý nghĩa hết sức quan trọng.