Nơi người sống chen chân cùng… người chết

Có nhiều ngôi mộ cách cửa sổ phòng ngủ của nhà dân chưa tới 70cm, mở cửa ra là bia đá đập ngay vào mắt, còn ban đêm không dám mở cửa vì sợ.

Người sống lấn "nhà" người chết

Chúng tôi theo ông Bùi Văn Dương, Phó Chủ tịch UBND xã kiêm Phó Ban chỉ đạo phong trào “Toán dân đăng ký xây dựng đời sống văn hóa” xã Tam Hòa, Núi Thành, Quảng Nam để mục sở thị vấn đề này. Ông Dương cho biết: “Mặc dù lãnh đạo xã đã nỗ lực rất lớn trong việc thực hiện chủ trương di dời mồ mả người chết ra khỏi các khu dân cư sinh sống, tuy nhiên, do nhiều vướng mắc liên quan đến việc quy hoạch "tái định cư" đất cho người âm, đang thực sự gây lúng túng cho người dân và cấp chính quyền cơ sở. Số lượng mồ mả trong các khu dân cư trên địa bàn xã vẫn đang ở mức cao. Việc tồn tại những khu mộ trong khu dân cư, đang gây ra không ít phiền toái cho người dân sống bên cạnh các khu mồ mả như thế này”.

Tại thôn 3 xã Tam Hòa, rác thải sinh hoạt của người dân đổ vương vãi vào khu mộ, quần áo người sống cũng được giăng mắc lên khu "nhà" của người chết. Anh Trần Công Phú (37 tuổi, trú thôn 3) phân trần: “Cũng biết là không nên vì có thờ có thiêng, có kiêng có lành. Nhưng nhà tôi cách mấy ngôi mộ này chỉ có 3m, nên không còn cách nào khác. Đã nhiều lần kiến nghị lên xã, xã không đủ thẩm quyền giải quyết, chuyển lên huyện. Rồi nghe đâu huyện cũng chưa tìm được cách nào giải quyết ổn thỏa nên thực trạng "sống cùng người chết" như thế này vẫn tồn tại nhức nhối như vậy”.

Những ngôi mộ nằm sát nhà dân, có mộ chỉ cách nhà chưa đầy 3m

Anh Phú cũng cho biết, trên địa bàn các thôn 1, 2, và 3 của xã Tam Hòa cho đến nay vẫn còn rất nhiều ngôi mộ nằm tập trung trong khu dân cư. Theo anh cho biết, khu vực này trước đây nguyên là một nghĩa địa rộng lớn có nhiều mộ. Qua thời gian, nhiều người dân đã dần lấn đất người chết để xây dựng nhà cửa, có nhiều dòng họ cũng đã cải táng mộ về các nghĩa trang tộc họ nên đã giảm dần số lượng mồ mả. Tuy nhiên hiện vẫn còn rất nhiều ngôi mộ nằm sát nhà dân. Có nhiều ngôi mộ cách cửa sổ phòng ngủ của nhà dân chưa tới 70cm, cứ mở cửa ra là bia đá đập ngay vào mắt, còn ban đêm không dám mở cửa vì sợ.

Tại thôn 2, nơi có trường mẫu giáo Ánh Dương của xã, phía sau cũng là những ngôi mộ nằm sát chân tường. Ngày ngày giáo viên và học sinh của trường không dám ra gần đó vui chơi vì sợ ảnh hưởng.

Những hệ lụy

Việc "sống chung với người chết" bấy lâu đang thực sự gây ra nhiều hệ lụy cho người dân trong các khu dân cư xã Tam Hòa. Trong khi người dân ở trong xã hiện nay nhiều gia đình vẫn phải sử dụng nguồn nước bơm tự nhiên từ các giếng đào, giếng khoan sâu chỉ chừng 3-5m. Chỉ nhà nào có đủ khả năng mới dám dùng nước máy, hay nước mua từ các xe bồn chở tới để nấu ăn.

Vốn là vùng ven biển, chỉ toàn cát tráng nên nước sinh hoạt là vấn đề lớn với người dân

Chị Phan Thị Chút (34 tuổi) cho biết: Tam Hòa là xã ven biển, toàn cát trắng nên nguồn nước sạch khan hiếm. Những giếng nước nơi đây khi múc lên toàn nước vàng, cặn lắng và có mùi tanh. Chúng tôi chỉ dùng để tắm rửa, chứ không dám dùng nấu ăn.

“Điểm xuyết” trong khu dân cư là hàng trăm ngôi mộ cũ, mới nằm san sát nhau. Từ trước đến nay, người dân sống nơi đây vẫn có thói quen khoan giếng lấy nước ăn, mà không hề nghĩ đến chuyện nguồn nước ngầm ấy đã bị ô nhiễm. Mặc dù nhiều hộ gia đình đã "xử lý" nguồn nước giếng khoan tạm thời bằng hệ thống bể lắng-lọc cặn, nhưng sau khi đun sôi và rót ra cốc, nước vẫn có mùi tanh, cặn vẫn nổi lờ lờ vì được hút lên từ lỗ khoan nằm cách khu mộ chỉ vài mét đến vài chục mét...

Bà Thắm, một người dân sống chỉ một khu mộ hơn chục bước chân nói: "Mấy chục năm nay chúng tôi vẫn dùng nước giếng khoan để ăn mà có thấy bị làm sao đâu? Trước còn chưa có các loại bể lọc, nước ngầm bơm lên đổ thẳng vào bể cho lắng bớt cặn rồi dùng luôn".

Một người dân khác cũng cho biết: "Có cơ quan hay chính quyền nào lấy mẫu nước để xét nghiệm độc hại đâu mà chúng tôi biết nước giếng khoan có ăn được hay không? Không có nước máy để dùng thì chúng tôi đành phải ăn nước giếng khoan, chứ đâu thể làm khác được. Nhà ít tiền thì xây bể lọc và đánh phèn nước, nhà nhiều tiền thì ngoài việc xây bể thì mua thêm bình lọc cho yên tâm".

Tuy nhiên, cách đó không xa, xã Tam Nghĩa của huyện Núi Thành cũng đã có rất nhiều người bị mắc các bệnh do liên quan tới nguồn nước dùng trực tiếp, được lấy từ mạch nước ngầm nơi nghĩa trang như thế này.

Việc "sống chung với người chết" bấy lâu đang thực sự gây ra nhiều hệ lụy cho người dân trong các khu dân cư. Vấn đề này rất cần được các cấp ngành chức năng quan tâm./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên