Nông dân Sìn Hồ (Lai Châu) có thu nhập cao nhờ được đào tạo nghề
VOV.VN -Từ các lớp đào tạo nghề gắn với chính sách hỗ trợ của nhà nước, các mô hình chăn nuôi, trồng trọt trên địa bàn huyện biên giới Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu đã phát huy hiệu quả. Nông dân các dân tộc thiểu số ở địa phương đã có nguồn thu nhập đáng kể, tạo đà cho công tác xóa đói giảm nghèo ở địa phương.
Nhiều năm trước đây, bản vùng cao Thà Giàng Chải, xã Tả Ngảo, huyện Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu vốn được biết đến là vùng trồng cây thuốc phiện lớn nhất khu vực Tây Bắc. Cũng do nghiện hút thuốc phiện, lười lao động, sau khi nhà nước cấm trồng thuốc phiện, người dân vẫn quanh quẩn với các cây trồng truyền thống hiệu quả kinh tế thấp như lúa, ngô nên đói nghèo bủa vây bản làng, với tỷ lệ trên 60%. Đói nghèo kéo theo nhiều tập tục lạc hậu và con em trong bản được đến trường học chữ chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Chị Giàng Thị Hoa, bản Thà Giàng Chải tâm sự: Bản có hơn 50 hộ, gần 300 nhân khẩu. Chỉ cách đây vài năm thôi, trong bản vẫn có người nghiện và một số hộ vẫn lén lút trồng cây thuốc phiện. Phải đến khi cán bộ về cắm bản, đưa lớp đào tạo nghề về xã và hỗ trợ bà con trồng cây đương quy, nhận thức bà con mới thay đổi. Do cây trồng mới thuộc các loài thuốc bắc, nên khi thu hoạch, các tư thương tìm về tận bản để mua, lại được giá, nên thu nhập của bà con cũng ổn định: "Quá trình học tôi đã nắm được kỹ thuật và cách chăm sóc cây đương quy và đã áp dụng trồng tại gia đình. Trồng cây đương quy năng suất cao hơn trồng lúa ngô từ 5 đến 7 lần. Từ việc nắm bắt được kỹ thuật trồng cây đương quy, tôi đã hướng dẫn bà con cách trồng và chăm sóc cây đương quy, nên đã giúp nhiều hộ xóa được đói nghèo".
Lớp học đào tạo nghề cho lao động nông thôn tại xã Tà Ngảo có hơn 50 học viên chủ yếu là đồng bào Mông. Các học viên được tham quan thực tế mô hình, tự lập kế hoạch trồng cây gì, thời gian bao lâu, lợi nhuận ra sao, đến kỹ thuật làm đất, cách trồng, chăm sóc và thu hoạch... Sau tiếp thu lý thuyết, giảng viên và chủ mô hình cầm tay chỉ việc, nên học viên rất hào hứng.
Anh Sình A Sài, ở bản Thà Giàng Chải, xã Tả Ngảo, huyện Sìn Hồ nói: "Tôi mong muốn sau khi học nghề xong sẽ mở rộng thêm nhiều khu để trồng lê. Tôi sẽ áp dụng các phương pháp được học để trồng lê cho nó đạt kết quả cao hơn, để phát triển kinh tế gia đình".
Đào tạo nghề cho lao động nông thôn trước đây thường chạy theo chỉ tiêu số lượng và phong trào, người học được hỗ trợ kinh phí, nên bà con thường đăng ký ồ ạt, rồi khi về thường không biết làm gì.
Ông Đồng Văn Liệt, Chủ tịch UBND huyện Sìn Hồ cho biết, dựa vào các thế mạnh đặc thù của địa phương, huyện đã đào tạo nghề gắn với việc vận dụng các chính sách hỗ trợ cây, con giống. Đến nay, địa phương đã hình thành nhiều vùng chuyên canh sản xuất nông nghiệp hàng hóa, gắn với bao tiêu sản phẩm. Chính những điều này đã tạo động lực giúp người dân vươn lên phát triển kinh tế, giảm tỷ lệ hộ nghèo của huyện bình quân hàng năm gần 6% và đến hết năm nay, ước tính còn dưới 24%.
Trung bình mỗi năm, huyện biên giới Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu có gần 1.000 lao động nông thôn được đào tạo nghề. Do công tác đào tạo nghề phù hợp với đặc điểm phát triển kinh tế - xã hội và điều kiện của địa phương, nên cơ bản học viên sau đào tạo đều biết áp dụng vào việc làm sẵn có của gia đình. Người nông dân có việc làm, tăng thu nhập, đang góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động và cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn ở địa phương./.