Phân tầng, xếp hạng đại học: Cần cơ chế phối hợp đồng bộ

VOV.VN - Hiện các cơ sở giáo dục ở Việt Nam vẫn chưa thực hiện phân tầng và xếp hạng do nhiều yếu tố

Theo Nghị định 73 của Chính phủ, cơ sở giáo dục đại học được phân thành 3 tầng gồm: cơ sở giáo dục đại học định hướng nghiên cứu, cơ sở giáo dục đại học định hướng ứng dụng và cơ sở giáo dục đại học định hướng thực hành. Các cơ sở giáo dục đại học trong mỗi tầng được sắp xếp vào 3 hạng của khung xếp hạng theo thứ tự từ cao xuống thấp: hạng 1, hạng 2, hạng 3. Tuy vậy, hiện các cơ sở giáo dục ở Việt Nam vẫn chưa thực hiện phân tầng và xếp hạng do nhiều yếu tố khách quan của trường và cơ quan quản lý.

Một buổi lên lớp của sinh viên.

Theo Nghị định 73 của Chính phủ, việc phân tầng, xếp hạng cơ sở giáo dục đại học nhằm xác định rõ mục tiêu, đường hướng phát triển của các trường. Phân tầng cũng đồng nghĩa với việc phân định chức năng của trường đại học theo định hướng nghiên cứu, định hướng ứng dụng hay định hướng thực hành. Khi các trường đại học thực hiện phân tầng sẽ giúp cho trường và cả hệ thống giáo dục đại học phát triển đúng hướng, cung cấp nguồn nhân lực phù hợp với nhu cầu phát triển kinh tế- xã hội; đồng thời cung cấp thông tin cho xã hội, cho người học để chọn ngành, chọn trường phù hợp. Tuy nhiên, hiện các trường đại học đang bối rối khi thực hiện việc phân tầng. Lý do là hầu hết các trường đại học của Việt Nam đều đào tạo đa ngành nghề, chưa có định hướng rõ ràng về chức năng đào tạo theo hướng nghiên cứu hay ứng dụng, hoặc thực hành. Một số trường còn đảm nhiệm cả 3 chức năng gồm: đào tạo theo định hướng nghiên cứu, đào tạo theo định hướng ứng dụng và thực hành.

Ông Cao Văn, Hiệu trưởng Trường Đại học Hùng Vương nêu thực tế: “Trường chúng tôi mức độ nghiên cứu vừa phải, mức ứng dụng là nhiều. Tất nhiên là chúng tôi vẫn đào tạo theo hình chóp, bên trên là nghiên cứu, bên dưới là ứng dụng chứ không phải chỉ ứng dụng. Vì vẫn có nhiều em điểm 24, 25, 26 điểm thì những em ấy sẽ là nghiên cứu, còn những em điểm sàn trở lên có thể là ứng dụng để ra làm việc. Thế nhưng bảo ứng dụng không thì không bao giờ các em giỏi vào, lại đi chỗ khác hết”.

Trong khi các trường còn lúng túng khi xác định lại chức năng, nhiệm vụ đào tạo của mình về phía cơ quan quản lý nhà nước cũng chưa có hướng dẫn chi tiết để thực hiện Nghị định về phân tầng, xếp hạng đại học, chưa đưa ra định hướng đào tạo cụ thể, chính sách đầu tư tài chính cho từng tầng... Do vậy, theo các chuyên gia và lãnh đạo các trường, để thực hiện phân tầng và xếp hạng cơ sở giáo dục đại học, ngoài sự chủ động của các trường thì cơ quan quản lý nhà nước cần nhanh chóng hoàn thiện các cơ chế chính sách cụ thể.

Về phía các trường đại học, trước tiên cần rà soát và xây dựng, hoặc hoàn thiện lại mục tiêu phát triển của trường, xác định trường nằm trong phạm vi nào trong giáo dục đại học.

Ông Trương Tiến Tùng, Phó Viện trưởng Viện Đại học Mở Hà Nội cho biết, đây là bước đi đầu tiên và quan trọng để các trường điều chỉnh lại chức năng, nhiệm vụ của mình trước khi tham gia phân tầng: “Tôi nghĩ mỗi trường phải xác định cho mình một hướng đi lâu dài, để chuẩn bị về đội ngũ, để chuẩn bị về cơ sở vật chất. Không phải trường nào cũng có được cơ sở vật chất tương đồng như nhau, không thể có điều kiện đầu tư như nhau và cũng không thể có được nguồn nhân lực giống nhau. Vậy trước tiên mình phải xác định có gì trong tay, đấy là cái trước mắt để tham gia cuộc chơi phân tầng. Sau đó phải định hướng được tương lai đi của mình. Bởi vì hiện nay công tác tự chủ đang được phát triển thì anh có bao nhiêu nguồn kinh phí để đầu tư cho tương lai. Hay nói cách khác là từ thực tế hiện tại, năng lực hiện tại, dự báo được thị trường lao động tương lai và chọn hướng đi”.

Khi các trường đã xác định thuộc tầng nào nên xây dựng chiến lược tiếp cận thị trường trên quan điểm mới, coi trường đại học là đơn vị cung cấp dịch vụ, ở đây là dịch vụ giáo dục đào tạo và một số dịch vụ khác lân cận. Khi đã xây dựng được đường hướng phát triển thì công tác tổ chức quản lý trường đại học, quản lý đào tạo, vận hành nhà trường cũng phải phù hợp với quá trình xác định tầng đào tạo là định hướng nghiên cứu, định hướng ứng dụng hay định hướng thực hành.

Về phía cơ quan quản lý nhà nước, mà trực tiếp là Bộ GD-ĐT cần xây dựng các cơ chế chính sách về đầu tư, định hướng phát triển cụ thể cho hệ thống các trường, xây dựng quy trình kiểm định, đánh giá... để các đơn vị đào tạo dựa vào đó thực hiện nhiệm vụ chiến lược của mình, đào tạo đúng lực lượng lao động mà xã hội mong muốn.

Ông Phạm Quang Trung, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế quốc dân Hà Nội cho biết: “Trước mắt, cần làm thật rõ, xây dựng thật rõ định hướng phát triển và quy hoạch hệ thống giáo dục- đào tạo của Việt Nam. Có bao nhiêu trường đại học định hướng nghiên cứu, bao nhiêu trường đại học định hướng ứng dụng và định hướng thực hành. Cơ quan quản lý nhà nước cần hướng dẫn và cùng với các trường xây dựng một hệ thống các tiêu chí, hệ thống chỉ báo định hướng và những chỉ báo kiểm tra giúp cho quá trình chuyển dần từ những trường đại học chung chung như hiện nay thành một trường đại học rõ ràng định hướng nghiên cứu hay định hướng ứng dụng và định hướng thực hành”.

Cùng với xây dựng chính sách, Bộ GD-ĐT cũng cần đẩy mạnh công tác truyền thông để các trường và xã hội hiểu rõ ý nghĩa thật sự của việc phân tầng, xếp hạng các cơ sở giáo dục đại học. Trên cơ sở đó, xã hội nói chung và người học nói riêng sẽ có định hướng rõ ràng hơn trong việc chọn ngành, chọn trường. Chỉ khi có sự phối hợp đồng bộ giữa cơ quan quản lý và các trường thì việc phân tầng, xếp hạng cơ sở giáo dục mới đạt hiệu quả như mong muống là phân định chức năng của từng trường, đào tạo đáp ứng nhu cầu nhân lực của xã hội./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Các trường đại học sẽ được phân tầng, xếp hạng
Các trường đại học sẽ được phân tầng, xếp hạng

VOV.VN -Chính phủ vừa ban hành Nghị định quy định tiêu chuẩn phân tầng, khung xếp hạng và tiêu chuẩn xếp hạng cơ sở giáo dục đại học.

Các trường đại học sẽ được phân tầng, xếp hạng

Các trường đại học sẽ được phân tầng, xếp hạng

VOV.VN -Chính phủ vừa ban hành Nghị định quy định tiêu chuẩn phân tầng, khung xếp hạng và tiêu chuẩn xếp hạng cơ sở giáo dục đại học.

Phân tầng, xếp hạng trường đại học: Đâu là tiêu chí?
Phân tầng, xếp hạng trường đại học: Đâu là tiêu chí?

VOV.VN -Theo các chuyên gia, việc thực hiện phân tầng, xếp hạng trường đại học cần có tiêu chí đảm bảo sự khách quan, khoa học.

Phân tầng, xếp hạng trường đại học: Đâu là tiêu chí?

Phân tầng, xếp hạng trường đại học: Đâu là tiêu chí?

VOV.VN -Theo các chuyên gia, việc thực hiện phân tầng, xếp hạng trường đại học cần có tiêu chí đảm bảo sự khách quan, khoa học.

Phân tầng xếp hạng đại học: Vẫn băn khoăn về tiêu chuẩn đánh giá
Phân tầng xếp hạng đại học: Vẫn băn khoăn về tiêu chuẩn đánh giá

VOV.VN - Các trường đều băn khoăn về tính khả thi của Nghị định bởi những tiêu chuẩn để phân tầng và xếp hạng các cơ sở giáo dục đại học chưa rõ ràng

Phân tầng xếp hạng đại học: Vẫn băn khoăn về tiêu chuẩn đánh giá

Phân tầng xếp hạng đại học: Vẫn băn khoăn về tiêu chuẩn đánh giá

VOV.VN - Các trường đều băn khoăn về tính khả thi của Nghị định bởi những tiêu chuẩn để phân tầng và xếp hạng các cơ sở giáo dục đại học chưa rõ ràng