Phạt xe không chính chủ: CSGT xác minh bằng cách nào?
VOV.VN - Khi có sự việc liên quan, CSGT có thể yêu cầu người đứng tên “chủ xe” đến làm việc để xác minh xe có "chính chủ" hay không.
Theo quy định, bắt đầu từ ngày 1/1/2017, cảnh sát giao thông (CSGT) sẽ tiến hành xử phạt với chủ phương tiện có mô tô, xe máy đã chuyển nhượng, xe được cho, tặng, thừa kế... không sang tên đổi chủ theo quy định tại Nghị định 46.
Tuy nhiên, CSGT sẽ không được tự ý dừng xe để kiểm tra việc này mà chỉ xử lý kèm khi phạt vi phạm giao thông hay qua công tác quản lý hồ sơ. Trường hợp mượn xe của người khác không nằm trong diện bị phạt.
Ngay sau khi có quy định nói trên, nhiều người đặt câu hỏi "vậy nếu khi bị bắt lỗi vi phạm, ai cũng nói là xe đi mượn" thì cảnh sát căn cứ vào đâu xác định xe đi mượn thực sự, đâu là xe mua bán trao tay không chịu sang tên đổi chủ.
CSGT kiểm tra, xác minh nguồn gốc xe của người vi phạm Luật giao thông |
Ông Dương Văn Mạnh ở phường Mai Động, Hai Bà Trưng, Hà Nội cho rằng quy định về đăng ký xe phải chính chủ là chủ trương tốt, làm được thì việc quản lý phương tiện sẽ hiệu quả.
“Khi tham gia giao thông không may gặp tai nạn, cơ quan điều tra sẽ có ngay căn cứ để làm việc với chủ xe. Bây giờ nhiều khi xe mua bán qua nhiều đời chủ, có việc gì liên quan đến pháp luật không biết tìm chủ xe thực sự ở đâu. Tôi thấy đây là việc làm cần thiết..”, ông Dương Văn Mạnh bày tỏ quan điểm.
Tuy nhiên, ông Mạnh cũng băn khoăn là chủ trương đúng nhưng thực hiện thế nào, hay lại “đánh trống bỏ dùi”, làm một thời gian lại thôi thì sẽ không mang lại hiệu quả.
Giải đáp điều này, thiếu tướng Trần Thế Quân-Cục phó Cục cục Pháp chế và Cải cách thủ tục Hành chính, Tư pháp - Bộ Công an cho biết: với lỗi thông thường CSGT sẽ không truy tận cùng việc chính chủ hay không.
"Với lỗi nghiêm trọng, khi người gây tai nạn giao thông, cảnh sát sẽ hỏi xe này của ai, giấy tờ đâu, sao lại tên người khác, lúc đó bạn phải gọi điện thoại cho người đứng tên trong đăng ký tới giải quyết", tướng Quân lấy ví dụ. Trong trường hợp này, nếu chủ xe xác nhận đang cho mượn thì cảnh sát không xử phạt.
Còn trường hợp xe mua mà nói dối "đi mượn", chủ xe không tới làm việc hoặc nói đã bán lâu rồi thì việc che giấu sẽ bị lộ. "Nói chung có nhiều cách để xác minh, nếu bạn cố tình vi phạm thì cuối cùng sẽ bị phát hiện", Tướng Quân nhấn mạnh.
Cục phó Cục cục Pháp chế và Cải cách thủ tục Hành chính, Tư pháp - Bộ Công an cũng khuyến cáo người dân, vì xe máy là tài sản có giá trị của nhiều gia đình, người dân khi chuyển nhượng, được tặng, cho... nên chuyển quyền sở hữu. Điều này sẽ tránh được phiền phức khi xảy ra tranh chấp tài sản, mất cắp, truy tìm xe tai nạn hoặc mất trộm.../.
Theo Thông tư 15/2014 của Bộ Công an, nếu không thực hiện sang tên đổi chủ, người đứng tên đăng ký xe phải tiếp tục chịu trách nhiệm trước pháp luật về chiếc xe đã bán, cho, tặng.
Điều 30 Nghị định 46, cảnh sát giao thông sẽ phạt từ 100.000 đến 200.000 đồng đối với cá nhân, từ 200.000 đến 400.000 đồng với tổ chức là chủ xe môtô, xe gắn máy và các loại xe tương tự không làm thủ tục đăng ký sang tên (chuyển tên chủ xe trong Giấy đăng ký xe sang tên mình).
Việc này áp dụng cả với diện "được cho, được tặng, được phân bổ, được điều chuyển, được thừa kế tài sản".
Điều này đồng nghĩa nếu có tranh chấp, điều tra, khởi tố vụ việc có liên quan đến chiếc xe đã bán, cho, tặng thì chủ xe phải chịu trách nhiệm liên đới.