Thách thức lớn với Ukraine khi vượt qua tuyến phòng thủ nhiều lớp của Nga
VOV.VN - Việc xuyên thủng phòng tuyến đối phương sẽ rất khó thực hiện bởi điều đó yêu cầu tất cả các đơn vị quân sự của Ukraine, từ pháo binh, xe tăng cho tới tình báo và kỹ thuật phải phối hợp cùng lúc.
Thách thức của Ukraine
Để chia cắt các lực lượng của Nga, Ukraine sẽ đối mặt với trở ngại to lớn giữa bối cảnh Moscow đã bố trí các bãi mìn cũng như hào chiến chống tăng để ngăn cản cuộc tấn công của Kiev.
Ukraine hiện đang cố gắng xuyên thủng các phòng tuyến kiên cố của Nga. Gần 14 tháng kể từ khi Tổng thống Vladimir Putin phát động chiến dịch quân sự đặc biệt, những rủi ro trong giai đoạn đầu của cuộc tấn công mùa xuân của Ukraine chưa bao giờ cao tới vậy. Thành công hoặc thất bại của cuộc tấn công này sẽ định hình chiến trường và quyết định vị thế của Kiev trong bất kỳ cuộc đàm phán cuối cùng nào với Moscow nhằm giải quyết xung đột.
“Để có được vị thế mạnh trong bất kỳ cuộc trao đổi nào, Ukraine phải mạnh trên chiến trường. Hãy giải phóng tối đa các vùng lãnh thổ mà chúng ta có thể”, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nhận định hồi đầu năm nay.
Các quan chức quân sự và các nhà phân tích cảnh báo, giao tranh trong giai đoạn tới sẽ là thời gian vô cùng khó khăn với Ukraine. Thứ nhất, chiến dịch xuyên thủng phòng tuyến đối phương sẽ rất khó thực hiện bởi điều đó yêu cầu tất cả các đơn vị quân sự từ pháo binh, xe tăng cho tới tình báo và kỹ thuật phải phối hợp cùng lúc.
"Điều này sẽ cần sự tổ chức trên quy mô cực kỳ lớn các vũ khí khác nhau. Mỗi người đều đóng vai trò nhất định và rủi ro rất cao", Nick Gunnell, mọt cựu sĩ quan trong Hội Kỹ thuật Hoàng gia Anh cho hay.
Một trong những khó khăn nữa là việc Ukraine thiếu ưu thế trên không. Cuộc giao tranh lớn gần đây nhất liên quan đến xe tăng phương Tây là vào năm 2003 khi liên minh do Mỹ dẫn đầu chiến đấu với các lực lượng của Iraq được trang bị xe tăng T-72 thời Liên Xô. Tuy nhiên, liên minh của Mỹ khi đó được hỗ trợ bởi các máy bay tấn công mặt đất và trực thăng Apache.
Trên chiến trường, các lực lượng của Ukraine sở hữu các xe tăng hạng nặng của phương Tây như Challenger của Anh, Leopard của Đức, phương tiện chiến đấu Bradley của Mỹ và pháo tự hành Archer.
Dù vậy, quân đội Ukraine thiếu sự bảo vệ trên không để ngăn chặn cuộc tấn công của các chiến đấu cơ Nga mà như ông Gunnell miêu tả thì chúng có khả năng "nghiền nát các phương tiện kỹ thuật của Ukraine" nếu các phương tiện này tìm cách phá vỡ các công sự của Nga. Cho tới nay, phương Tây vẫn từ chối cung cấp cho Ukraine tiêm kích F-16 tiên tiến.
"Hướng tiếp cận cơ bản trong một cuộc tấn công mặt đất là phá vỡ phòng tuyến phía sau của đối phương tại một hoặc một vài khu vực và đánh mạnh vào tọa độ trung tâm của đối phương", Ben Barry, cựu chỉ huy một lữ đoàn bộ binh bọc thép của Anh cho hay.
"Những minh chứng cho các cuộc tấn công thành công mà không có sự yểm hộ trên không thực sự rất hiếm", chuyên gia này đánh giá.
Vòng vây phòng thủ đa tầng nhiều lớp của Nga
Cuộc phản công của Ukraine sắp diễn ra không còn là điều bí mật. Bộ Quốc phòng Ukraine gần đây đã chia sẻ một video cho thấy các binh lính đang học cách sử dụng vũ khí của Anh với dòng miêu tả: "Để làm gì? Rồi bạn sẽ thấy. Mùa xuân đang đến".
Đến tháng 5, mặt đất sẽ bắt đầu đủ cứng để các xe tăng chiến đấu hạng nặng có thể di chuyển cũng như các đợt vận chuyển vũ khí của phương Tây sẽ đến tay Ukraine.
Chính xác cuộc tấn công của Ukraine sẽ diễn ra ở đâu vẫn là một bí mật. Một khu vực được coi là có tầm quan trọng chiến lược với Nga là quanh Melitopol, gần Biển Azov. Nếu phản công thành công, Ukraine có thể chia cắt các lực lượng của Nga làm đôi, với một bên ở Crimea và phía Nam trong khi bên còn lại ở phía Đông. Tuy nhiên, nhận thức rõ rủi ro này, quân đội Nga đã chuẩn bị các tuyến phòng thủ kiên cố nhiều lớp trong thời gian qua.
Hệ thống phòng thủ của Nga bao gồm một bãi mìn, sau đó là các hàng cột bê tông hình chóp được gọi là "răng rồng" giúp làm chậm đà tiến công của các đơn vị cơ giới hóa. Một bãi mìn khác tiếp tục được bố trí phía sau chúng, cách đó 400 mét là hệ thống các hào chiến và một hào chiến chống tăng nữa nằm ở phía sau 500 mét.
"Bạn cần lựa chọn điểm thuận lợi nhất dù đây là một câu hỏi để ngỏ. Đó có thể là nơi Ukraine có tuyến hậu cần thuận lợi gần đó hoặc tại điểm yếu nhất của Nga - dù có lẽ đó cũng là điểm yếu nhất của Ukraine”, chuyên gia Gunnell nhận định
Tuy nhiên, bước đầu tiên bước đầu tiên có lẽ là Kiev cần phải dọn dẹp hành lang đầy mìn rộng 5 mét để mở đường cho xe tăng và các phương tiện bọc thép.
Bước tiếp theo, Ukraine phải giải quyết đến tuyến phòng thủ răng rồng, có thể là sử dụng xe tăng được trang bị máy xúc. Bước cuối cùng là xuyên qua các hào chiến bằng thiết bị cầu dẫn xe tăng chuyên dụng.
"Mọi thứ luôn có thể đi chệch hướng vì thế cần phải chuẩn bị kỹ. Nếu một máy xúc được trang bị cho xe tăng bị hỏng, nó phải được khôi phục hoặc làn đường thứ hai phải được chuẩn bị", ông Gunnell cho hay.
Phần khó khăn nhất trong cuộc tấn công của Kiev có lẽ là phối hợp các phương tiện và lực lượng khác nhau, trong khi quân đội Ukraine - mặc dù đã thực hiện một số cuộc tấn công, nhưng có kinh nghiệm tương đối hạn chế trong chiến dịch phối hợp ở quy mô này, các nhà phân tích đánh giá.
Ngoài ra, Ukraine cũng đã tổn thất số lượng lớn binh lính có kinh nghiệm, ước tính khoảng 120.000 người. Tài liệu mật bị rò rỉ gần đây của Lầu Năm Góc cho thấy điều này có thể khiến Ukraine không thể đạt được đầy đủ mục tiêu trong cuộc phản công sắp tới.
Mục tiêu của Ukraine trong cuộc xung đột hiện cũng đã thay đổi. Ban đầu, mục tiêu duy nhất của Kiev là không thua, tức là duy trì khả năng chiến đấu và ngăn cản Nga giành chiến thắng nhanh chóng. Bây giờ, các lực lượng của Ukraine đang chiến đấu để giành lại các vùng lãnh thổ do Nga kiểm soát. Đây là nhiệm vụ vô cùng thách thức. Chính điều đó đã khiến cho cuộc giao tranh ở Bakhmut có ý nghĩa vượt ngoài tầm quan trọng về quân sự với Ukraine. Xét về sự chênh lệch nguồn lực dự trữ giữa Nga và Ukraine, tình hình đang có lợi cho Nga.
Ukraine ban đầu tin rằng họ sẽ giành được thắng lợi chiến lược ở Bakhmut khi làm hao hụt các lực lượng vũ trang của Nga. Dù vậy, giới phương Tây cho rằng việc Kiev gắn tầm quan trọng quá lớn cho Bakhmut có thể khiến nước này đối mặt với thất bại nghiêm trọng.
Thực tế là không có đội quân nào không thay đổi trong suốt quá trình giao tranh. Tổn thất về binh lính và đạn dược buộc họ phải thay đổi và thích nghi liên tục. Khả năng thích nghi với những thay đổi đó sẽ đóng vai trò quan trọng với bất kỳ chiến dịch nào./.