Đại hạn trên miền đất khát

Tôi nhớ mãi câu nói của một người bạn mới quen ở thị trấn Xuân Hòa – trung tâm của huyện Hà Quảng, Cao Bằng: “Lên Lục Khu thời điểm này, tặng ai chai nước, người ta quý anh như người trong bản”.

Nhìn từ xa, con đường rải nhựa dang dở từ thị trấn Xuân Hòa lên trung tâm Lục Khu như một sợi chỉ trắng mỏng manh ai đó vô tình vắt ngang qua những vách núi. Sợi chỉ ấy lại được bao phủ bởi sương chiều làm cho con đường càng trở nên mờ ảo, sâu hun hút. Chiếc xe máy của anh tài xế nơi phố huyện luôn ở trạng thái cài số 1 để leo lên những con dốc thẳng đứng. Thỉnh thoảng, chiếc xe rồ máy gầm lên khùng khục cố trườn qua một dốc núi nguy hiểm, từng cuộn khói xả ra bốc mùi khét lẹt. Leo dốc là vậy, nhưng khi xuống dốc, chúng tôi phải đi bộ vì sợ không kìm nổi tay lái trước những đoạn đường trơn tuột đến rùng rợn. Bánh xe nghiền lên đá nghe lạo xạo. Từng viên đá như những lưỡi rìu đang trừng mắt hung tợn chém thẳng vào bánh xe một cách ngấu nghiến.

Theo lời tài xế vùng cao, năm nay không lạnh bằng năm ngoái, nhưng như thế cũng đủ khiến chúng tôi phải co người lại. Cái lạnh của vùng cao thật lạ, không đến một cách đột ngột nhưng thấm dần qua từng khe áo. Khi những ngón tay tê cứng do buốt giá, người ta mới có thể cảm nhận hết cái “sắc” của mùa đông vùng cao. Cơ thể chúng tôi cứ run lên bần bật bởi cái lạnh và sự nguy hiểm trên con đường leo núi.

Sau hơn 1 giờ rưỡi đồng hồ vật lộn với hơn 20 cây số đường đèo, chúng tôi cũng đến được xã Thượng Thôn – trung tâm của Lục Khu, vùng khát nước của huyện Hà Quảng, Cao Bằng.

“4 tháng rồi, trời không mưa”

Câu nói của ông Hoàng Văn Long – Chủ tịch UBND xã Thượng Thôn làm chúng tôi không khỏi xót xa. Ông Long tâm sự: “Ở đây, đồng bào có hai việc chính: làm nương và đi lấy nước. Làm nương chiếm thời gian cả ngày, bởi vậy việc lấy nước phải làm từ lúc nửa đêm”.

Để có nước sinh hoạt, người dân Lục Khu phải vượt qua nhiều km đường rừng

Trước đây, để có nước sinh hoạt, bà con 14 xóm của xã Thượng Thôn như: Lũng Giểng, Lũng Mủm, Lũng Hóng… lại kéo xuống tận Lũng Nặm cách xa 5 - 7km. Dậy từ 2h sáng tính đến khi đi làm cũng chỉ lấy được 2 gánh nước.

Có lẽ, không nơi nào giọt nước lại được người dân tận dụng triệt để như ở nơi đây. Từ gáo nước dùng đánh răng, đến những chậu nước dành để tắm giặt, rửa rau xong lại được đổ xuống máng cho trâu bò, lợn uống. Không hạt nước nào bị bỏ phí. “Không làm như vậy thì nước đâu mà đủ”, anh Đàm Văn Huynh, Trưởng Công an xã giải thích.

Trước sự khó khăn của đồng bào ở Lục Khu, năm 1982, Nhà nước hỗ trợ để xây các bể lu, bể vuông để dự trữ nước mưa để dùng dần. Trung bình mỗi người dân có từ 3 – 5 lu đựng nước, có nhà hàng chục chiếc. Dùng hết nước trong lu thì đi ra mỏ nước để lấy.

Là trung tâm của Lục Khu, xã Thượng Thôn được Nhà nước đầu tư xây dựng cho một bể công cộng ở xóm Lũng Táy với dung tích nước lên đến 3000 m3. “Dùng tiết kiệm lắm thì cũng không đủ cho nước sinh hoạt”, ông Long than thở.

Lu chứa nước ở Lục Khu không còn gọt nước nào

Vừa dẫn đường chúng tôi ra thăm bể nước Lũng Táy, ông Dương Văn Chủng – Cán bộ xã Thượng Thôn kể: 4 tháng nay không có một hạt mưa, 14 xóm trong xã không ai còn nước dự trữ, tất cả đều trông chờ vào lượng nước dự trữ ở bể Lũng Táy. Ông Chủng ngập ngừng nói tiếp, bể Lũng Táy mới được bàn giao vào tháng 9/2009, chưa kịp xả nước khử mùi thì phải dùng luôn vì biết năm nay đại hạn, xả nước đi cả xã chết khát. Mà không chỉ 12 xóm của Thượng Thôn đến đây lấy nước mà cả 3 xóm ở Nội Thôn là Lũng Rú, Lũng Mao, Tiểng Lầm cũng đã sang đây rồi.

Dẫn chúng tôi lên thành bể quan sát, ông Chủng tặc lưỡi: “Chỉ còn khoảng 1/6 trữ lượng như thế này, không biết có đủ dùng đến Tết được không”.

Trời đã về trưa nhưng ở bể nước vẫn đông đúc, người ra tranh thủ giặt giũ quần áo, người tranh thủ lấy thêm ít nước. Ông Hoàng Trung Quảng (55 tuổi) – xóm Lũng Mủm cho biết, nhà ông cách bể nước Lũng Táy 4km, mỗi ngày tranh thủ đi ba chuyến, mang về mỗi chuyến 50 lít nước để dùng mỗi ngày cho 5 nhân khẩu và số gia súc trâu, bò, lợn, chó, mèo lên đến 11 con. Ông Quảng chỉ vào từng bình nước: “Bình 20 lít nước này tiết kiệm chỉ đủ nuôi 2 con trâu mỗi ngày thôi, tốn lắm”.

Tranh thủ giờ buổi sáng không lên lớp, cô giáo Lưu Bích Ngọc trường THPT Lục Khu đi xe máy mang can nhựa ra hồ Lũng Táy chở nước. Cô tâm sự, điều ngại nhất của cán bộ, giáo viên lên đây nhận công tác đó là tình trạng thiếu nước sinh hoạt. Mỗi người dùng tiết kiệm trung bình cũng phải 20 lít/ngày. Đi lấy nước xa nhiều người chỉ còn cách thay áo quần rồi gói lại chờ ngày nghỉ đi về thăm nhà giặt luôn thể.

Bể Lũng Táy chỉ còn khoảng 600 m3 nước

Hoàng Văn Phùng – học sinh lớp 10A2, trường THPT Lục Khu tranh thủ sáng không đi học, em đi gánh nước về cho gia đình sử dụng. “Buổi sáng em cũng đi được hai lượt, như vậy cũng được 40 lít nước. Bốn người trong gia đình dùng xong thì cũng đủ dùng cho cả 3 con trâu nữa. Thế cũng tạm ổn rồi. Chiều, bố lại thay em đi lấy nước”, Phùng cho biết.

So với Thượng Thôn, xã Tổng Cọt vẫn may mắn hơn nhiều vì có hai mỏ nước. Nhưng tình trạng khô hạn kéo dài đang làm cho người dân xã ven biên giới lo lắng.

Chị Đặng Thị Hèn ở xóm Lũng Tao, xã Tổng Cọt, huyện Hà Quảng cho biết, từ tháng 8 đến nay, trời vẫn chưa có một hạt mưa. Những lu nước đã cạn được 3 tháng. Người dân trong xóm Lũng Tao đã phải đi xuống hốc đá lấy nước, giờ hốc đá cũng cạn nên phải đi xa hơn.

Để có nước sinh hoạt, bà con ở Tổng Cọt phải vào trong những hốc đá để lấy

“Chưa bao giờ ở Tổng Cọt xảy ra tình trạng khan nước như hiện nay. Trước đây, cứ hết nước ở hốc đá là trời đổ mưa, nhưng năm nay nước ở hốc đá đã cạn được 1 tháng nhưng trời chưa đổ giọt mưa nào”, chị Sầm Thị Bay lo lắng.

Chính sự khan hiếm nước trong năm nay đã đẩy giá nước ở Lục Khu vào loại cao kỷ lục. Anh Trần Xuân Đắc, Cán bộ quản lý Công ty Xây dựng Cao Hà (Cao Bằng) lắc đầu: “Để có nước nhào vữa xây dựng cũng như sinh hoạt cho công nhân chúng tôi phải mua 1m3 nước giá 130.000 đồng. Sắp tới, nước ở Lũng Nhũng không còn đủ, để lấy nước xây dựng cho kịp công trình phải xuống tận Nà Giàng cách xa 20km. Khi đó, giá còn đội lên nhiều”.

Lục Khu sẽ mất vụ Đông – Xuân?

Thiếu thốn nước sinh hoạt là vậy, nhưng nỗi lo lớn nhất của người dân Lục Khu chính là nước sản xuất. Trên cái xứ chỉ có đá và đá, chăn nuôi gia súc và trồng ngô, đậu tương là hữu hiệu nhất. Nhưng khổ một nỗi, việc sản xuất dựa hẳn vào ông trời. Ông trời làm mưa thì mới làm đủ 2 vụ, ông trời giận dỗi, người dân lâm vào cảnh đói rét.

Nương rẫy ở xóm Lũng Tao, xã Tổng Cọt  trở nên khô hạn do không có nước

Anh Vi Văn Đạo – xóm Lũng Tao, xã Tổng Cọt kể, đa số ruộng nương ở đây nằm trên đá, bà con nông dân phải cày xen đá mới có đất trồng. “Đá thì có thể dùng sức bật lên, nhưng nếu không có nước tưới thì chịu hoàn toàn”. Chỉ tay vào đám rẫy ven sườn núi với những cây dại héo queo quắt, anh Đạo lắc đầu: “Đến cây dại còn không sống nổi thì làm sao có thể cày cấy”.

Anh Đạo cũng cho biết thêm: “Thời điểm này năm ngoái, tất cả ruộng nương của bà con đã được cấy xong, chỉ chờ mưa nữa là gieo hạt cho vụ Đông – Xuân, nhưng năm nay, do trời không mưa nên cả Lục Khu, bà con nông dân mới chỉ cày được có 10% - 20% mà thôi".

Gia súc ở Lục Khu thiếu thức ăn nghiêm trọng

Thiếu nước, những ngọn núi đá càng trở nên cằn cỗi, cỏ để chăm đàn gia súc cũng không đủ sức mọc. Muốn có cỏ cho gia súc, dân Lục Khu phải trèo lên tận đỉnh núi cao, nếu không phải dùng cả lá rừng cho trâu, bò ăn thay cỏ.

>> Khi tôi vừa hoàn thành bài viết này thì nhận được điện thoại của ông Hoàng Văn Long – Chủ tịch UBND xã Thượng Thôn, giọng  mừng rỡ: “Hai hôm vừa rồi, trời đổ mưa, mưa to lắm nhà báo ạ. Mỗi nhà cũng chứa được thêm 8 m3 nước. Trời lạnh, nhưng bà con vẫn rất vui mừng bắt đầu lên nương, làm rẫy để chuẩn bị cho mùa vụ mới”./.

Chị Lý Thị Thì ở xóm Nậm Dật nói chuyện với chúng tôi giọng buồn buồn, hôm trước chị thả trâu, lên núi. Do dưới chân núi không có cỏ, trâu trèo lên trên và sẩy chân chết mất. Chị Thì nói: “Giờ nếu cày nương chắc phải thuê trâu”.

Ông Bế Văn Thiện – Phó Phòng NN&PTNT huyện Hà Quảng cho biết, huyện đã lập phương án để trình lên UBND tỉnh hỗ trợ xe nước để cung ứng sinh hoạt cho bà con một cách cấp thiết nhất. Còn đối với tình hình sản xuất thì phức tạp hơn nhiều. Huyện không thể chuyên chở nước sản xuất lên Lục Khu để phục vụ cho 3.150 ha đất canh tác. Bởi vậy sản xuất nông nghiệp của bà con buộc phải dừng lại chờ mưa.

Hiện nay, tất cả giống đã được chuẩn bị nhưng phải chờ mưa để cày ải. Với tình trạng thời tiết hạn hán kéo dài, sản xuất của bà con không thể tiến hành được thì chắc chắn tình trạng thiếu đói sẽ xảy ra./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên