Hoàn lương trên đảo

Giữa biển khơi muôn trùng sóng vỗ, ở đảo Hòn Cò (Vân Đồn, Quảng Ninh), có những con người lạc lối đang tìm đường trở về với cuộc sống.

Ma túy đã khiến cuộc đời họ trở nên bế tắc, “thân tàn ma dại” bởi AIDS, bởi đói nghèo nặng nợ. Những tưởng cuộc đời sẽ mãi tàn theo đêm tối, nhưng sự sống lại bắt đầu, tình yêu thương vẫn dâng trào giữa biển khơi dậy sóng…

Đã cạn rồi, nước mắt

Bãi biển Vân Đồn, Quảng Ninh vào một trưa nắng hè dịu dàng, im vắng, chỉ có lác đác những con thuyền gỗ chênh chao bé nhỏ. Từ bến, chúng tôi lên thuyền xuất phát ra khơi, tới “an toàn khu” Hòn Cò - nơi đã nhen lên cuộc sống của những người trở về từ cuộc đời lầm lạc bởi ma túy và không ít người trong số họ nhiễm AIDS.

Chỉ cách chừng mươi phút đi tàu, chỉ có chênh vênh sóng biển, nhưng tới Hòn Cò, một thế giới khác như được mở ra. Câu chuyện về “cơn bão trắng”, nơi hiên nhà bà Nguyễn Thị Yên là điều để chúng ta suy ngẫm. Khi biết con trai vướng vào ma túy, vợ chồng bà thấy như mình chẳng còn nỗi đau nào hơn thế. Đau đớn, đắn đo nhiều, ông bà quyết định đưa con… ra đảo, làm một căn nhà nhỏ bằng tre nứa, giúp con cai nghiện. Thương con hết mực, nhưng đã từng là người lính, ông Kiếm - chồng bà, dặn vợ quyết tâm đưa con vào khuôn khổ, giúp con trai và con dâu thoát được ma túy.

Trải qua biết bao biến cố, nước mắt đã cạn khô theo những lầm lạc của đứa con, nhưng vợ chồng bà vẫn bàng hoàng với biết bao đắng cay, mừng tủi. Khi kể cho chúng tôi nghe tin cháu nội của ông bà - Trần Huy Khánh không bị nhiễm căn bệnh thế kỷ như bố mẹ chúng, bà Yên đã trào nước mắt. Giờ đây, Khánh đã 5 tuổi, được đi học, được tới trường như bao bạn bè khác. Ông bà Yên cũng ra Hòn Cò để giúp con trai, con dâu làm kinh tế. Nhìn bóng dáng người mẹ, người cha khắc khổ, ai cũng hiểu rằng, đằng sau sự lầm lũi với những tấm áo bạc thếch màu thời gian kia, là tình yêu thương con vô bờ bến, ngay cả khi chúng đã mắc tội tình.

Các thành viên trong gia đình anh Châu Ngọc Long miệt mài làm việc

Ở Hòn Cò, không ai là không biết tới câu chuyện lầm đường và hoàn lương của vợ chồng anh Long, chị Năng. Hơn chục năm ròng, chị Năng phải đắng lòng chịu đựng những “cơn khát thuốc” của chồng. Hai đứa con trai của anh chị lần lượt sinh ra và lớn lên trong khi anh Long vẫn ngày ngày u mê với ma túy. Chị Năng khi ấy như hòn đá cuội bị ném giữa biển khơi dập dềnh không lối thoát.

Vùi thân trong nghiện ngập mấy năm trời, anh Long bị bắt. Mẹ con chị Năng ở nhà rau cháo nuôi nhau, cuộc sống bần hàn, nhưng chị vẫn mong đợi ngày anh trở về, để giúp anh làm lại cuộc đời, nuôi dạy con cái. Hơn chục năm dài đằng đẵng tù tội của chồng cũng trở thành mây bay khi chị và các con nhìn anh bước ra khỏi cổng trại. Sợ rằng anh Long sẽ lại vấp vào nghiện ngập, chị Năng như người đứng trên đống lửa, ngày đêm suy nghĩ cách giúp chồng thoát khỏi bóng tối. Rồi chị vận động chồng ra Hòn Cò lập nghiệp nuôi cấy tu hài trên diện tích 7ha giữa biển.

Chị kể, từ 2 triệu đồng trong tay, vợ chồng chị đã chạy vạy khắp nơi, cuối cùng cũng vay được số vốn chừng 100 triệu đồng. Nhưng vay vốn cũng cực nhọc vô cùng. Bởi người ta nghĩ rằng cho kẻ nghiện ngập, tù tội vay, khác nào ném tiền giữa biển. Ngay đến mẹ chồng chị, sợ các con làm không nên, rồi “chết mất xác” giữa biển khơi nên cũng ngăn cản quyết liệt. Năm đầu tiên, do chưa có kinh nghiệm, tu hài bị mất mùa, vợ chồng chị lỗ gần hết số vốn đã bỏ ra. Nhẫn nại khởi nghiệp từ đầu và chịu khó học hỏi, đến vụ thứ 2 trở đi, anh chị đã có những vụ tu hài bội thu. Các gia đình ở đây bầu anh chị là “già làng” vì là những người đầu tiên gắn bó với nơi này.

Sau cơn mơ, trời lại sáng

Tới tận bây giờ, chị Nguyễn Thị Yến mới dám tin rằng hạnh phúc vẫn còn mỉm cười với cuộc đời mình. Hơn hai chục năm chị về nhà chồng, cũng chừng ấy thời gian anh Bùi Huy Đông - chồng chị vướng vào ma túy. Nhắc tới “đảo hoàn lương” này, người ta cũng nhắc nhiều tới gia đình anh chị, bởi với những gì anh đã trải qua, tưởng như “con ngựa bất kham” ấy sẽ không bao giờ dừng lại. “Cơn lốc” ma túy khiến anh u mê cho tới ngày bị đưa vào trại. Hơn chục năm trời trả nợ cho những tháng ngày lầm lạc, anh trở về với đôi bàn tay trắng.

Cấy hàu giữa biển khơi

Kể lại với chúng tôi về những tháng ngày nghiện ngập, tù tội đã qua, anh Đông trầm xuống. Anh bảo, hồi trước chẳng bao giờ anh nghĩ đến chăm lo cho vợ con, chỉ lo có ma túy để “đã” cơn thèm thôi đã đủ mệt rồi. Nếu không có vợ con ở bên, anh Đông biết chắc mình không bao giờ có thể bắt đầu lại cuộc sống có ăn có mặc giữa quê hương mình như thế này.

Không chỉ gia đình bà Yên, anh Long, anh Đông, có những gia đình cả 4 thế hệ cùng nhau tập trung trên đảo để động viên người thân của mình vượt qua lầm lạc, cùng góp sức vun đắp cho cuộc sống mới. Những buổi chiều, khi hoàng hôn chưa tắt, bóng dáng những cụ bà đã ở tuổi “cổ lai hy” lặng lẽ ngồi trông cháu nhỏ lon ton cho bố mẹ chúng miệt mài làm những giàn tre nuôi hàu, tu hài, đã trở thành hình ảnh quen thuộc trên đảo Hòn Cò.

Gắn bó với Hòn Cò từ những ngày đầu tiên, không ai trong số những người ở đây quên được những buổi đầu gian khó. Đi xa đất liền tưởng đã thoát khỏi những dị nghị của người đời, nhưng vì là những gia đình có người nghiện, tù tội, nhiễm HIV/AIDS nên thuyền cứ thả neo ở đâu để khởi đầu cuộc sống mới thì lại bị những người dân chài ở đó buông những lời mắng nhiếc, xua đuổi.

Giữa biển khơi không có chợ, các gia đình phải cử người thỉnh thoảng về đất liền mua bán những vật dụng cần thiết. Khi chưa có tàu về đất liền, họ phải mất chừng 2 giờ chèo mủng trên biển. Cuộc sống dập dềnh trên sóng nước với bao gian truân vất vả như giúp họ gột rửa những cát bụi lỗi lầm. Từ khát khao xa đất liền để cứu người thân của mình khỏi ma túy, trong cái khó ló cái khôn, họ đã tìm ra hướng làm kinh tế, nuôi hải sản trên biển. Biển cả bao la luôn rộng lòng bao dung đối với những đứa con khát khao hướng về cái thiện.

Cuộc sống của các gia đình giờ đây khá hơn rất nhiều. Ông Hoàng Văn Liên, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Vạn Hoa - nơi giúp đỡ các đối tượng sau khi cai nghiện ma tuý ra khu đảo Hòn Cò - chia sẻ: “Việc hỗ trợ các đối tượng làm ăn để tự nuôi sống mình chỉ là một phần trong hoạt động của Câu lạc bộ kết hợp với Trung tâm y tế huyện Vân Đồn. Khó khăn vẫn còn nhiều, vì đa phần các thành viên đều là những người không tiền bạc, không nghề nghiệp, thậm chí không nhà cửa, không vợ con... nên rất khó tạo điều kiện cho họ vay vốn ngân hàng để phát triển kinh tế. Con đường hoàn lương mặc dù còn nhiều chông gai, nhưng cuộc đời họ mỗi ngày một sáng hơn, bóng tối cũng đã không còn”./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên