Những người nước ngoài được yêu thích ở Hà Nội

Hà Nội giờ không chỉ là niềm tự hào của người Kẻ Chợ  nói riêng, Việt Nam nói chung mà còn là niềm say mê khám phá và quan tâm sâu sắc trong lòng những người nước ngoài “trót” yêu mảnh đất nghìn năm tuổi này

Họ là những người đến với Hà Nội trong nhiều hoàn cảnh khác nhau, thời điểm khác nhau, cương vị khác nhau, nhưng đều có một điểm chung: Mảnh đất địa linh, nhân kiệt, nơi hội tụ tinh hoa ngàn đời này đã quyến rũ họ không chỉ bằng vẻ đẹp bề ngoài, mà còn bởi sự hấp dẫn tinh thần ẩn chứa bên trong.

Cuộc sống ở Hà Nội đã mang đến cho họ một sự trải nghiệm mới lạ, khiến họ cảm thấy tâm hồn của mình giàu có hơn. Theo một cách riêng, họ đã đền đáp lại, góp phần làm đẹp thêm mảnh đất rồng bay.

Bà Tây di sản

Bà Catherine Muller Martin trao danh hiệu Di sản tư liệu Thế giới cho Mộc bản Triều Nguyễn

Đến Việt Nam làm việc chưa đầy 1 năm, bà Catherine Martin Muller, Trưởng Đại diện Văn phòng UNESCO Hà Nội đã được nhiều người Hà Nội biết đến như một “bà Tây di sản” - người có nhiều tư vấn và đóng góp cho thành phố Hà Nội trong việc gìn giữ cũng như quảng bá các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể tiêu biểu của Thủ đô.

Ở Hà Nội một thời gian ngắn mà cuộc sống của bà đã có rất nhiều thay đổi. Đầu tiên là sở thích ăn mặc. Trong tủ của bà, những bộ quần áo phương Tây nhường chỗ cho những chiếc áo dài truyền thống mềm mại mà sang trọng, làm từ chất liệu lụa tơ tằm Hà Đông.

Bà Catherine chắc cũng không ngờ rằng, mình sẽ có một nhiệm kỳ sôi động ở Hà Nội đến vậy. Chưa đầy nửa năm, bà Catherine đã thay mặt UNESCO trao cho Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung 3 Bằng công nhận danh hiệu Di sản. Đó là Bằng Di sản tư liệu thế giới cho Tài liệu Mộc bản triều Nguyễn; Bằng ghi danh Dân ca Quan họ Bắc Ninh và Hát Ca trù là Di sản văn hoá phi vật thể. Sắp tới là Bằng của UNESCO công nhận Hoàng thành Thăng Long là Di sản thế giới.

Trong một lần nói chuyện với tôi, bà Catherine có nói rằng, bà đặc biệt ấn tượng cách người Hà Nội tận hưởng, sáng tạo âm nhạc, thơ ca và các loại hình văn hóa nghệ thuật khác. Bà cũng bày tỏ sự khâm phục trước sự năng động của người Hà Nội trong việc giới thiệu và chia sẻ với thế giới những đặc điểm văn hoá tiêu biểu nhất của mình. Không chỉ là người tư vấn đắc lực cho thành phố Hà Nội trong việc phát huy giá trị di sản, bà Catherine còn cùng người dân Thủ đô tham gia vào việc giữ gìn môi trường.

“Tôi nghĩ Hà Nội đã đi đúng hướng, tích cực trong việc tìm kiếm và gửi hồ sơ cho UNESCO. Việc đề cử này giúp cộng đồng có ý thức trong việc giữ gìn di sản bởi việc giữ gìn môi trường để di sản này tồn tại cũng rất quan trọng. Tôi cũng muốn kêu gọi toàn thể nhân dân Hà Nội cùng nắm tay nhau làm cho Hà Nội trở thành thành phố sạch nhất châu Á - Thái Bình Dương. Trong môi trường đó, di sản sẽ được bảo vệ tốt hơn. Đây cũng là một đóng góp rất lớn cho Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội”, bà Catherine nói.

Hà Nội là nguồn cảm hứng bất tận của tôi

Nhiếp ảnh gia Douglas Jardine
Đây là tâm sự của ông Douglas Jardine, nhiếp ảnh gia người Mỹ. Gần 3 năm nay, tuần nào ông cũng có mặt trên cầu Long Biên để săn những những bức ảnh đẹp về cây cầu này. Ông Tây của những ký ức cầu Long Biên” đã đi bộ hàng ngàn lần trên cây cầu lịch sử này. Hai cuộc triển lãm tranh về cầu Long Biên chỉ là một phần nhỏ trong gia tài ảnh về cầu Long Biên của ông.

Yêu quý cây cầu, ông Jardine đã tổ chức lễ cưới của mình với một cô gái Việt Nam ngay trên cây cầu, trong Festival cầu Long Biên lần đầu tiên diễn ra vào tháng 10/2009. Một trong những điều mê hoặc ông là dường như mỗi thời khắc lịch sử của Việt Nam, của Hà Nội đều gọi tên cây cầu: “Mỗi giai đoạn, cây cầu có một ý nghĩa khác nhau. Đầu tiên, nó như một sự khai hoá văn minh của Pháp ở Đông Dương. Sau đó, khi chiến tranh chống Pháp diễn ra, nó lại mang một ý nghĩa khác. Sau chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ năm 1954, Việt Minh trở lại Hà Nội qua chiếc cầu này để tiếp quản thủ đô. Chiếc cầu trở thành biểu tượng của chiến thắng khi quân Pháp buộc phải rời khỏi Hà Nội mãi mãi qua cây cầu. Trong chiến tranh chống Mỹ, người Mỹ đã nhiều lần đánh bom phá huỷ cây cầu nhằm cắt đứt đường viện trợ cho Hà Nội, nhưng cứ mỗi lần cầu bị đánh bom, ngay sau đó, người dân Việt Nam lại nối lại tức thì”.

Không gian xung quanh cầu Long Biên cũng thực sự hấp dẫn ông. Không ít lần, giữa đêm, ông lang thang ra chợ Long Biên để ghi lại cuộc sồng đầy màu sắc ở đây. “Ngày nay, cuộc sống trên và xung quanh cầu Long Biên thật nhộn nhịp, đầy màu sắc. Ngoài chụp cây cầu, tôi vẫn đang cố ghi lại những bức ảnh xung quanh nó, nhất là ghi lại những ảnh hưởng, tác động của cây cầu đối với cuộc sống hàng ngày của người dân”, ông Jardine cho biết.

Hà Nội, ngôi làng lớn của Việt Nam

Nữ nhà văn Lady Borton
Cây cầu Long Biên trong ngòi bút của nữ nhà văn Mỹ Lady Borton hiện ra cong cong như những đường viền ren mềm mại bắc qua sông Hồng. Dưới chân cầu là dòng nước sông Hồng cuộn đỏ phù sa, quặn mình tìm đường ra biển lớn, hai bên bờ sông dưới cầu Long Biên xanh rờn bắp cải và rau, những người đàn bà lúi húi bên sông hái rau, gánh đất, xa xa là cánh đồng lúa trải màu xanh đến chân trời…

Trong cuốn sách “Tiếp sau nỗi buồn” nổi tiếng của mình, người được coi là “Người phụ nữ Mỹ duy nhất hiểu Việt Nam một cách cặn kẽ” đã dành trọn tập III để viết về Hà Nội cuối những năm 80, đầu những năm 90 với tiêu đề “Hà Nội, ngôi làng lớn nhất Việt Nam”.

Để viết cuốn sách này, bà Lady Borton đã lắng nghe những âm thanh của ngày thường; tiếng bánh xe của chị bán phở gõ "lọc cà, lọc cọc" trên mặt đường, lúc Hà Nội mờ sương hay trong bóng tối nhập nhoạng đêm về; tiếng "bình bịch" của quả cầu lông các ông già, bà lão đánh qua đánh lại trong công viên Thống Nhất mỗi sớm mai, tiếng nhảy dây "xoạch, xoạch" của trẻ con vang lên ngoài phố, tiếng còi tầu "rền rĩ, trầm trầm" đang ì ạch kéo đoàn tàu lên dốc; tiếng "soành, soành, soạch" của vài chiếc xe đạp lúc chiều tối trên cầu Long Biên; tiếng ông nông dân gọi trâu "vắt, vắt" dưới bãi gầm cầu và những tiếng thầm thì kể chuyện gia đình thương đau vì chiến tranh cùng tiếng nói sẻ chia, lời chào tạm biệt lúc chia tay nhẹ nhàng như lá rụng mùa thu…

Có mặt ở Hà Nội ngay từ đầu năm 1975, chứng kiến những đổi thay nhanh chóng ở thành phố, có lẽ vì thế, Lady Borton có cái lẽ riêng khi yêu mến sự ồn ào, náo nhiệt và đông đúc đến tắc đường của Hà Nội trong thời kỳ phát triển. “Buổi sáng đi làm tắc đường, xe đạp nhanh hơn ô tô, nhanh hơn taxi, nhanh bằng xe máy. Lúc nào tắc đường quá thì xe đạp có thể đi lên vỉa hè - điều mà xe máy và ô tô ít làm được. Mang gì cũng bằng xe đạp, vừa khỏe mà không cần tập thể dục. Khi tôi đạp xe có thể thong dong vừa suy nghĩ lúc đó thấy mình rất vui vẻ. Hà Nội tiến bộ sẽ trở lại đi bằng xe đạp”, bà Lady Borton chia sẻ.

“Tôi đã bị Việt Nam hoá rồi”

Joe Ruelle và các cô gái Hà Nội
Còn trong mắt anh chàng “blogger” người Canada nổi tiếng với biệt danh “ông Tây nói tiếng Việt hay kinh điển” Joe Ruelle, biệt danh là Dâu Tây, Hà Nội trước đây là phim hoạt hình nhìn “hay” nhưng nhân vật chưa thực sự phát triển. Còn bây giờ đã thành phim nghệ thuật, hình rõ nét, nhân vật rất phát triển, phảng phất chút nỗi buồn nhưng là nỗi buồn đẹp, lãng mạn.

Đến Hà Nội lần đầu năm 2002, kế hoạch của Joe là sẽ nghỉ ở Việt Nam một tháng và sử dụng tiếng Anh. Nhưng thật kỳ lạ, đã gần 8 năm trôi qua, anh vẫn chưa thể rời khỏi đất nước này, còn vốn tiếng Việt của anh thì đến dân nghiền bún đậu mắm tôm vỉa hè khi nghe anh nói cũng phải giật mình thán phục.

Joe bảo: “Em bị Việt Nam hóa, Hà Nội hóa rồi!”. Họ của Joe là Ruelle - nghĩa là phố nhỏ. Như lời một bài hát về Hà Nội "Ngõ nhỏ, phố nhỏ/Nhà tôi ở đó", Joe “phải lòng” Hà Nội bởi ngay từ lần đầu tiên đến mà cứ như trở về nhà. Joe “cảm” Hà Nội cứ như tình cảm trai gái vậy.

Trong blog của mình, Joe đã mang đến cho người Việt Nam cơ hội được thấy đất nước mình qua lăng kính của một người nước ngoài bằng chính tiếng mẹ đẻ. Nếu như trong blog, Joe thể hiện tình yêu Hà Nội qua những câu chữ, thì ngoài đời, Joe tham gia rất nhiều hoạt động xã hội thiết thực như nhiều năm làm Đại sứ Thiện chí cho chương trình nhân đạo đi bộ quyên góp vì bệnh nhi ung thư ở Hà Nội. Không chỉ kêu gọi người Việt Nam tham gia, Joe còn kêu gọi bạn bè nước ngoài, cộng đồng quốc tế cùng chung tay với mình vì những số phận bé bỏng không may mắn.

Có thể thấy rằng, tình yêu Hà Nội đã giúp những người bạn của chúng ta thành đạt trên nhiều phương diện. Nếu như bà Catherine Muller Martin thành công trong việc giúp người Hà Nội trân trọng di sản cha ông thì nhiếp ảnh gia Douglas Jardine không chỉ tìm thấy cảm hứng sáng tác mà còn tìm thấy hạnh phúc riêng khi được làm rể Hà Nội.

Nếu như bà Lady Borton đã trút bỏ được “nỗi buồn chiến tranh” để có cảm hứng với một Hà Nội hiện đại, thì anh chàng sinh viên Joe Ruelle trở thành người của công chúng được yêu mến tại Việt Nam. Những tình cảm (nói không quá lời) là tình yêu Hà Nội, những gì họ đã và đang cống hiến cho Hà Nội càng khẳng định một nét đặc trưng của nền văn hiến Thăng Long-Hà Nội là hội tụ và tỏa sáng, một điểm đến thân thiện, bình yên với bạn bè bốn phương./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên