Nơi én dệt mùa xuân

Không chỉ mùa xuân, mà quanh năm ở Ea Kar đều tung bay những đàn én. Trên đầu hồi trụ sở Huyện ủy Ea Kar, bầy én đã làm tổ suốt mười mấy năm, như khẳng định: Ea Kar là vùng đất lành chim đậu.

Là một trong những huyện sinh sau đẻ muộn, điều kiện đất đai, khí hậu đứng gần chót ở cao nguyên Đắk Lắk, nhưng huyện Ea Kar vẫn vươn lên nhanh chóng, dẫn đầu các huyện của tỉnh trong rất nhiều lĩnh vực. Lúc mới giải phóng, cả vùng đất là huyện Ea Kar bây giờ chỉ có non ngàn hộ dân tộc Ê-Đê, nay Ea Kar trở thành vùng đất lành, với hơn 100.000 dân, của hơn 20 dân tộc.

Gặp một gương mặt rạng rỡ

Lần này là lần thứ 3 trong 10 năm, ông Nguyễn Văn Long, nguyên Trung tá, Trung đoàn trưởng Trung đoàn 718, Sư đoàn 333, Quân khu V, trở lại Ea Kar, vùng đất ngày xưa ông và các đồng đội từng đóng quân, rồi gắn bó mãi đến năm 2001. Dù vẫn thường xuyên trò chuyện với các đồng đội đang sống tại địa phương, nhưng ông vẫn không khỏi ngỡ ngàng trước sự phát triển nhanh chóng của vùng đất này. 7km bán kính quanh sư đoàn bộ năm xưa, giờ là nơi tập trung của hàng chục nhà máy, 1 cụm công nghiệp hơn 70ha và 2 thị trấn với hơn 25.000n dân. Các trung đoàn của Sư đoàn 333 ngày xưa, giờ đều trở thành những công ty nông nghiệp, đóng góp lớn vào sự phát triển của địa phương.

Ea Kar nhìn từ đồi cảnh quan Chư Cúc

Ông Long bồi hồi: “Sau giải phóng, nơi này làm gì có đường. Chúng tôi người nọ nối bước người kia mà thành đường thôi. Giờ thì đi đâu cũng đường nhựa hết!... Hơn chục năm trước, nơi đây cũng còn sơ sài lắm, nhưng nay không ngờ lại có cụm công nghiệp hiện đại thế, và các thị trấn của huyện lại đẹp đến vậy”.

Thương hiệu “made in Ea Kar”

Năm đầu thành lập, cả huyện Ea Kar không có nổi một điểm bán xăng dầu. Huyện hơn 20.000 người, nhưng chỉ lơ thơ dăm bảy chiếc xe máy. Muốn có xăng để chạy, chủ xe phải lên xã Ea Phê (huyện Krông Pách), cách đó gần 20km.

Giờ thì không một xã nào của Ea Kar không có cây xăng. Giờ cũng chẳng còn mấy ai ở Ea Kar mơ đến xe máy, họ thích xe hơi hơn, nhất là những dòng xe hạng trung và hạng sang của Honda, Toyota, Mercedes. Tỷ phú của Ea Kar giờ đã lên con số hàng trăm và tất thảy đều lập nghiệp từ những đồng xu đầu tiên kiếm được trên chính vùng đất này. Mỗi doanh nhân ở Ea Kar đều có một câu chuyện thú vị về việc liệu cơm gắp mắm, về triết lý kinh doanh của mình. Đúng là triết lý. Họ có quyền dùng khái niệm ấy, vì mạng lưới cửa hàng, công ty của bà con người Ea Kar đã lên đến hàng trăm, mở rộng khắp Tây Nguyên. Phía đông, rộng tới Phú Yên. Phía nam, tới tận Bình Phước, Bình Dương, Tây Ninh.

Việt Thắng và cơ nghiệp chất dẻo

Dép nhựa, ủng nhựa thương hiệu Việt Thắng đang giữ vị thế “vô đối” trên thị trường Tây Nguyên và một số tỉnh miền Trung, bởi giá cực rẻ, màu sắc tươi đẹp, đi lâu không bẹp, ít  mòn. Ngay cả các loại dép nhập từ Trung Quốc, quốc gia sở trường về giá rẻ, cũng bị Việt Thắng đánh dạt. Làm được điều ấy là một nữ công dân của Ea Kar ngay từ những ngày đầu: Bà Nguyễn Thị Dung, ở khối 3A, thị trấn Ea Kar.

“Tôi khởi nghiệp bằng buôn bán nhỏ trong chợ”- Bà Dung cho biết. “Rồi sau đó tôi mở được một cửa hàng dép kha khá. Mấy năm kinh doanh giày dép, tôi nhận thấy ở Ea Kar là một thị trường tiềm năng, một vị trí tốt để xâm nhập thị trường các huyện khác, nên đã bán toàn bộ cửa hàng và hàng hóa, dốc vốn mở một xưởng sản xuất dép nhựa” - bà tiếp tục câu chuyện của mình. “Ở đây cách quá xa các trung tâm sản xuất đồ nhựa, nên tôi cũng tốn nhiều công sức lắm. Tôi nghĩ cái gì muốn thành công cũng phải đi đến tận gốc rễ của nó. Vậy nên, để nắm được bí quyết, tôi phải sang tận Trung Quốc để học hỏi. Mỗi lần trang bị thêm một dây chuyền mới, tôi ở bên đó cả tháng để học việc. Có khi tôi ở đó cả nửa năm”…

Bây giờ thì bà Dung đã có nhà máy riêng tại Cụm Công nghiệp Ea Đar, huyện Ea Kar, với 6 dây chuyền sản xuất. Người phụ nữ nhỏ bé này đang chuẩn bị tung ra thị trường gần chục sản phẩm nhựa mới, hướng tới những ngư dân vùng biển, những người làm lúa đồng bằng…, và đang tính việc mở các điểm phân phối sản phẩm trong cả nước và xuất khẩu ra nước ngoài.

Chuỗi tự lặp mở rộng khắp Tây Nguyên

Ea Kar bây giờ không còn là xã vùng sâu. Điều đó không chỉ vì đường nhựa đã tới trung tâm tất cả các xã, mà còn vì mỗi xã đều phát triển mạnh về thương mại. Và điều đặc biệt được tìm thấy ở các xã, các cụm dân cư xa trung tâm huyện, là hầu như những cửa hàng bài bản nhất, to nhất, là của những nông dân quê gốc ở làng Thọ Đức, xã Tam Đa, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh, một vùng quê thuần nông đã hàng trăm đời. Ngoài hàng hóa ngồn ngộn, các cửa hàng này đều giống nhau ở chỗ: rộng ít nhất 100m2, cửa cao ít nhất 3,5m, đúng với đặc tính của các nông dân thích “cửa cao nhà rộng”.

Ea Kar – vùng đất lành chim đậu

Tác giả của chuỗi cửa hàng tự lặp này là một người lính của Sư đoàn 333, có mặt trong đoàn quân tiếp quản vùng đất Ea Kar ngay sau ngày giải phóng, rồi trở lại sinh sống tại vùng đất này đúng vào năm thành lập huyện. Dự định ban đầu là làm rẫy, nhưng ông không đủ tiền. 3ha đất bên bờ sông Krông Năng, đã tốn hơn năm trời khai phá, đành bỏ hoang. Số vốn không đủ làm rẫy, học theo bà hàng xén ở quê, ông mở một cửa hàng quần áo bé tí tẹo. Doanh thu có ngày chỉ được 7 nghìn đồng - vừa đủ để nộp phí vệ sinh chợ…

“Thế rồi thành công đến từ sự thật thà. Huyện bảo đóng tiền xây chợ. Ai nộp trước thì được lô đẹp. Hầu hết mọi người đều e ngại, tính đủ mọi nhẽ. Tôi thì dân quê, chính quyền nói là tôi tin ngay. Có bao nhiêu tiền vác lên đóng hết. Thế là được một lô ở vị trí hom giỏ, bán đắt hàng nhất chợ. Có năm, riêng chăn bông tôi bán lẻ được hơn vạn chiếc” - ông cho biết.

Từ một cửa hàng, ông cố mở thêm cái thứ 2, rồi thứ 3… Không chỉ anh em, họ hàng, người ở quê ông cũng được giúp tìm nơi kinh doanh, giúp mở cửa hàng và bảo lãnh kinh doanh tại Đắk Lắk. Điều lạ là tất cả những người đó đều được ông bố trí ở những vùng sâu hoang sơ và thiếu thốn, những nơi không mấy ai nghĩ rằng có thể buôn bán được. “Nếu tôi đến Ea Kar sớm một năm thì sẽ làm rẫy. Chậm một năm thì không có chỗ mà chen chân. Nên kinh nghiệm rút ra là: Nếu ít tiền, hãy tới những nơi chưa có chợ mà lập chợ, chưa có cửa hàng mà mở cửa hàng, thì sẽ thành công. Nếu đợi có chợ rồi mới chen chân vào thì phải bỏ tiền núi”.

Bây giờ chuỗi cửa hàng vùng sâu, công ty cấp huyện của người Thọ Đức ở Ea Kar đã lên đến hơn 300, tổng doanh thu trên dưới 500 tỷ đồng mỗi năm.

Đi mở thêm những vùng đất mới bây giờ là sở thích của các doanh nhân huyện này. Các cửa hàng, công ty khởi phát từ Ea Kar, đã lan ra khắp 5 tỉnh Tây Nguyên, Phú Yên, Bình Phước, Bình Dương và Tây Ninh.

Đất sỏi đẻ nhiều vàng

Mùa này những vạt cỏ trên khắp các vùng đất của Tây Nguyên đã tàn úa bởi nắng gió mùa khô. Những con bò cũng trơ dần bộ khung xương bởi thiếu cỏ.

Thế nhưng ở Ea Kar thì ngược lại. Hơn 35 nghìn con bò trong toàn huyện luôn béo tốt trong mọi hoàn cảnh. Những bò gầy mua về từ các tỉnh khác, dưới bàn tay chuyên nghiệp của nông dân Ea Kar, chậm nhất là 2 tháng sẽ mang một diện mạo khác và một giá trị vượt trội. Đấy là sản phẩm của “nghề vỗ béo bò”, một nghề đúng nghĩa của Ea Kar, khác biệt hẳn so với nghề chăn nuôi đại gia súc ở các địa phương khác vùng Tây Nguyên, góp phần giúp Ea Kar bù lại những mất mát do thiên tai, hạn hán năm nào cũng xảy ra. Đặc biệt nghề này không kén sức lao động. Như ông Nguyễn Đổng (thương binh, 75 tuổi, ở thôn Chư Cúc, xã Ea Kmút), cũng có thể kiếm được 8 triệu đồng mỗi tháng từ vỗ béo bò, đủ tiền để trang trải cho 5 người con ăn học đại học. Rồi AMa Nhoen (ở Buôn Gà, xã Ea Kmút), quanh năm thiếu ăn nhưng bây giờ đã khá lên nhờ nuôi bò…

Bước xa hơn trên con đường chuyên nghiệp hóa, cuối năm 2009, huyện Ea Kar đã thành lập Hiệp hội Bò Ea Kar. Hiện ở mỗi xã, hiệp hội có một cụm trưởng theo dõi sự phát triển đàn bò của các hội viên. Trong hiệp hội còn có một người phụ trách kỹ thuật và một người chuyên giết mổ bò cho thương lái đem đi tiêu thụ ở Nha Trang, Đà Lạt và TP. Hồ Chí Minh.

Bò thịt Ea Kar bây giờ đã trở thành một thương hiệu hàng đầu ở Tây Nguyên và tương lai còn rất rộng mở. Ea Kar đã phát triển được gần 1.000ha cỏ cao sản, xây dựng được trại bò giống gốc, đã hoàn thành việc cải tạo đàn bò với những giống tốt nhất. Huyện cũng đã gửi hồ sơ đề nghị Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH-CN) cấp đăng kí nhãn hiệu “Bò thịt Ea Kar”. Chỉ còn thu hút được nhà đầu tư, xây dựng một cơ sở giết mổ quy mô công nghiệp, thì thịt bò thương hiệu Ea Kar sẽ được bán đi khắp cả nước…

Những con én dệt mùa xuân

Năm 2009, nhà báo Phạm Thúy Ngọc (Đài TNVN) đã dành cả tháng trời công tác, đi sâu tìm hiểu về những dự án nông nghiệp thất bại ở Đắk Lắk. Đến khi cần những mô hình thành công để làm đối chứng, chị được Sở NN&PTNT tỉnh Đắk Lắk giới thiệu về Ea Kar. Chuyến công tác 1 ngày rưỡi ở huyện này đã khiến chị “choáng”: Không báo trước, nhưng tất cả cán bộ, kỹ sư ở huyện này đều không dùng đến sổ sách, tài liệu khi làm việc với báo chí. Vậy mà người nào, việc gì, ở đâu, thực trạng như thế nào… vẫn được cung cấp nhanh chóng, đầy đủ. “Mình có cảm giác một kỹ sư ở cơ sở và một lãnh đạo huyện ở Ea Kar, đều nắm rõ vấn đề của huyện như nhau”- chị Ngọc nói. Rồi chị kết luận xanh rờn: “Nếu huyện nào ở Đắk Lắk cũng có nhiều cán bộ giỏi như vậy thì tỉnh này giàu to rồi”.

Rất có thể đúng như nhận xét của nhà báo Phạm Thúy Ngọc. Ea Kar là vùng đất đứng thứ 12 trong 15 huyện - thành phố - thị xã của Đắk Lắk về điều kiện tự nhiên, nhưng lại làm được rất nhiều việc lớn lao. Trong khi công nghiệp cấp huyện của tỉnh Đắk Lắk gần như không đáng kể, thì chỉ trong 5 năm (2004-2009), Ea Kar đã lấp đầy cụm công nghiệp hơn 70ha. Các doanh nghiệp chế biến nông sản - thực phẩm như Vinamit, CP, cũng bỏ kế hoạch lập nhà máy ở các huyện khác để về với Ea Kar.

Là huyện trẻ, nhưng giáo dục, y tế, truyền thông của Ea Kar vẫn thuộc hàng đầu bảng. Ea Kar là huyện duy nhất ở Tây Nguyên có hai bệnh viện đa khoa khá lớn và hiện đại. Học sinh phổ thông thi đỗ đại học (hơn 40%), học sinh giỏi cấp quốc gia của Ea Kar cũng chỉ đứng sau thành phố Buôn Ma Thuột. Năm 2009 - lần đầu tiên Đắk Lắk tổ chức một cuộc thi thể dục nhịp điệu dành cho học sinh tiểu học, Ea Kar đã giành trọn cả 3 vị trí dẫn đầu… Còn Đài Truyền thanh - Truyền hình huyện, dù chỉ có 4 phóng viên, nhưng vẫn có thể truyền hình trực tiếp tất cả các sự kiện chính trị - văn hóa lớn của địa phương, phối hợp với Mặt trận Tổ quốc huyện tổ chức những show truyền hình nhân đạo trực tiếp, quyên góp được hàng tỷ đồng… Những thành công như vậy là sự khẳng định chắc nịch về năng lực của đội ngũ cán bộ ở Ea Kar.

Không chỉ mùa xuân, mà quanh năm ở Ea Kar đều tung bay những đàn én. Trên đầu hồi trụ sở Huyện ủy, bầy én đã làm tổ suốt mười mấy năm, như một lời khẳng định: Ea Kar là vùng đất lành chim đậu. Đảng bộ, chính quyền, nhân dân và các doanh nhân ở Ea Kar sẽ còn đưa vùng đất này phát triển hơn nữa, trở thành một trung tâm kinh tế - văn hóa thứ hai của tỉnh Đắk Lắk./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên