Quy hoạch giao thông: Vấn đề nằm ở quỹ đất

Ùn tắc giao thông là nỗi khổ của người dân sống ở đô thị lớn. Có nhiều lý do dẫn đến ùn tắc giao thông nhưng cái “gốc” của vấn đề nằm ở việc thiếu diện tích đất phục vụ cho mục đích này.

Giao thông thiếu quỹ đất để phát triển

Theo thống kê, tại 2 thành phố Hà Nội và TP HCM, chỉ riêng 6 tháng đầu năm 2010, đã có 101 vụ ùn tắc giao thông nghiêm trọng. Dù đã có nhiều chuyển biến nhưng thủ đô Hà Nội hiện nay vẫn có hơn 60 điểm ùn tắc giao thông. Đó chủ yếu là tuyến đường hẹp nhưng lưu lượng giao thông đi lại luôn ở mật độ cao như: Thái Hà, Trường Chinh, Phạm Văn Đồng…

Rất nhiều nguyên nhân giải thích cho vấn đề này như: Các ngã ba ngã tư có nhiều khúc cắt, xe buýt quá khổ hoạt động trên những tuyến đường hẹp, các trường đại học nằm trên những tuyến đường nhỏ, nhiều chung cư mới xây dựng nhưng không có bãi đỗ xe… nhưng mấu chốt của vấn đề là quỹ đất dành cho giao thông quá ít. Với Thủ đô Hà Nội, quỹ đất dành cho giao thông chỉ chiếm khoảng gần 7% diện tích đô thị. Mỗi năm con số này chỉ tăng khoảng 1% trong khi phương tiện giao thông tăng 14-15%/năm.

Ùn tắc bắt nguồn từ cái "gốc" là thiếu quỹ đất cho giao thông

Cùng chung hoàn cảnh với thủ đô, quỹ đất dành cho giao thông của TP HCM chỉ khoảng 5,4%. Trong khi đó, trung bình trên thế giới quỹ đất này phải đạt khoảng 15-25%.

Những con số trên đủ cho thấy, khi quỹ đất dành cho giao thông tăng cấp số cộng thì số lượng phương tiện giao thông đã tăng lên cấp số nhân. Đây chính là nguyên nhân dẫn đến vấn đề ùn tắc giao thông triền miên tại hai thành phố lớn.

Ông Trần Quang Phượng, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP HCM cho biết, trong quy hoạch của thành phố đến năm 2020, quỹ đất dành cho giao thông phải đạt 16-24% nhưng con số này khó thành hiện thực. Nguyên nhân được ông Phượng đưa ra là vấn đề giải phóng mặt bằng. Công tác này tại TP HCM chiếm 80-90% thời gian thực hiện một chương trình. Hiện giải phóng mặt bằng đang chậm do giá đất cao, vốn đầu tư nhiều từ 8.000-10.000 tỉ đồng. Bởi vậy, bỏ tiền vào giải phóng mặt bằng thì không có vốn để xây dựng cơ sở vật chất.

Mấu chốt của vấn đề ùn tắc giao thông ở đô thị lớn là do diện tích đất giao thông quá thấp không đáp ứng được nhu cầu phát triển của giao thông đô thị. Bởi vậy, vấn đề giao thông cần đặt ra trọng tâm là quy hoạch quỹ đất để sử dụng cho lĩnh vực này.

GS-TS Nguyễn Quang Đạo, giảng viên trường Đại học Xây dựng cho rằng, đối với thành phố Hà Nội và TP HCM, nguyên nhân của mọi nguyên nhân dẫn đến ùn tắc giao thông là vấn đề quy hoạch, bao gồm quy hoạch phát triển, quy hoạch đô thị và quy hoạch giao thông vận tải.

Theo GS-TS Nguyễn Quang Đạo, trong quy hoạch giao thông cần xuất phát từ nhu cầu vận chuyển, từ đó mới xác định xây dựng cơ sở hạ tầng. “Nếu cứ chạy theo mục đích xây dựng hạ tầng giao thông thì chẳng bao giờ đáp ứng đầy đủ khi mà phương tiện vận chuyển ngày càng tăng cao”, ông Đạo cho biết.

Việc quy hoạch phát triển giao thông đô thị cần được nghiên cứu hợp lý giữa quỹ đất dành cho quy hoạch giao thông. Dự kiến đến năm 2030, tỷ lệ đất giành cho giao thông chiếm 20-25% quỹ đất xây dựng đô thị. Còn Hà Nội đến năm 2020, quỹ đất cho giao thông tổi thiểu phải là 15% đất đô thị.

Vẫn cần giải pháp trước mắt

Do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan, nên việc đặt mục tiêu đến năm 2020, với Hà Nội và TP HCM, quỹ đất giao thông đạt trên 15% là điều không dễ dàng.

Giám đốc Sở GTVT TP HCM Trần Quang Phượng cho biết, để giải bài toán về hạ tầng cơ sở nhằm hạn chế nạn ùn tắc giao thông, trước mắt thành phố sẽ khai thác tối đa hạ tầng cơ sở giao thông hiện có, nghiên cứu điểu chỉnh các nút giao thông hợp lý. Sở Giao thông Vận tải đã thực hiện kiến nghị việc thu phí cơ sở hạ tầng đối với khu đô thị mới, xây dựng đường sắt trên cao, đường sắt trong đô thị, đẩy mạnh phát triển vận tải công cộng, xây dựng các trung tâm trung chuyển xe buýt lớn….

Còn đối với thành phố Hà Nội, ông Nguyễn Văn Khôi - Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cho biết, để phát triển quỹ đất giao thông đúng tiêu chuẩn thì không thể giải quyết trong “một sớm một chiều”, mà vấn đề này cần phải có chiến lược lâu dài. Tuy nhiên, để hạn chế vấn đề ùn tắc giao thông tại các tuyến phố Hà Nội, thành phố đã có nhiều biện pháp, chủ trương như sắp xếp lại các điểm đỗ xe ô tô, từng bước di chuyển các bến xe ra ngoại thành; đầu tư phát triển công trình, hạ tầng cơ sở vận tải công cộng; Tập trung xây dựng, hoàn thiện trục đường xuyên tâm vào thành phố, kết hợp hoàn thiện đường vành đai 2 và 3; Triển khai xây dựng vành đai 4 và 5 gắn phát triển đô thị vệ tinh nhằm giãm dân cư trung tâm và điều tiết giao thông từ xa.

Người dân Hà Nội tiếp tục sống chung với ùn tắc giao thông trong bao lâu nữa?

Bên cạnh đó, thành phố cũng phối hợp với Bộ Giao thông Vận tải đầu tư xây dựng tuyến đường sắt đô thị. Trước mắt triển khai tuyến đường sắt Nhổn- ga Trung tâm, Ngọc Hồi – Yên Viên – Hà Đông…

Giao thông tĩnh cũng là vấn đề nan giải đối với một đô thị “đất chật người đông” như thủ đô. Bởi vậy, trong kế hoạch của thành phố đến năm 2020, quỹ đất dành cho giao thông tĩnh đạt 4-5% đất đô thị. Trong năm 2010, thành phố sẽ xây dựng bãi đỗ xe trên cao ở khu vực Trần Quang Khải, Trần Nhật Duật, Ngọc Khánh, và các bến đỗ xe ngầm…

Căn cứ quy hoạch thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn 2050, thành phố sẽ tiến hành xây dựng giãn một số bệnh viện, cơ sở ra ngoài trung tâm thành phố để tránh sự tập trung quá đông mật độ dân cư ở đây.

Vấn đề giao thông chuẩn bị cho dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long- Hà Nội đang rất được quan tâm, làm sao để hạn chế sự ùn tắc trong thời gian tổ chức Đại lễ. Ông Nguyễn Văn Khôi cho biết, để phục vụ cho sự kiện này, thành phố Hà Nội cũng đã có chủ trương phân vùng giao thông, chủ động phối hợp với các bộ ban ngành để hạn chế các phương tiện vào thành phố trong thời gian trước và sau đại lễ./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên