Quyết định “ném” tiền tỷ xuống biển

Vụ xử lý lô hàng đông lạnh “Cá đao biến thành tê tê” suốt 7 tháng qua vẫn là mục giao ban chính của các ngành chức năng và UBND TP.Hải Phòng. Thận trọng, bởi nó liên quan đến Công ước quốc tế CITES bảo vệ động vật hoang dã mà Việt Nam đã tham gia.

Khá nhiều cuộc họp liên ngành được tổ chức và người ta đã thống nhất tiêu hủy nó. Vậy là số phận những con Tê tê – dược liệu quí hiếm -  đáng giá hàng chục tỷ đồng bỗng chốc ra tro, chưa kể phải bỏ ra gần hai tỷ đồng nữa để xử lý ô nhiễm môi trường...

Theo dòng sự kiện

Ngày 29/2 và 6/3/2008, Cục Hải quan Hải Phòng bắt giữ hai vụ chuyển khẩu trái phép được khai báo là cá đao đông lạnh mang vận đơn số 524953755 được chở trên tàu Reverence từ Inđônêxia cập cảng Hải Phòng. Đơn vị nhận hàng là Công ty cổ phần XNK TALU (Quảng Ninh). Tuy nhiên, có nhiều biểu hiện bất thường nên sau khi kiểm hóa hải quan cho thấy trong container được cấp đông này chủ yếu là con tê tê được làm sạch và vẩy tê tê đông lạnh.

Theo giám định của Viện sinh thái và tài nguyên - Cơ quan thẩm quyền khoa học CITES Việt Nam ngày 3/3/2008 kết luận: Toàn bộ lô hàng động vật đông lạnh và vảy động vật thuộc loài tê tê Java có tên khoa học Manis javanica. Loài tê tê này thuộc nhóm II B (Nhóm hạn chế khai thác sử dụng vì mục đích thương mại) theo Nghị định 32/2006/NĐ-CP của Chính phủ. Loài tê tê này được ghi trong Phụ lục II của Công ước CITES mà Việt Nam tham gia được cụ thể hóa bằng Quyết định số 54/2006/QĐ-BNN của Bộ NN-PTNT: “Hạn ngạch xuất khẩu bằng không đối với các loài Tê tê săn bắt từ tự nhiên và buôn bán thương mại”.

Sau nhiều cuộc họp liên ngành Hải quan, Tài chính, Kiểm lâm, Trung tâm Y tế dự phòng… người ta đã quyết định tiêu hủy nó. Ngày 23/4/2008, UBND thành phố ra Quyết định số 659/QĐ-CT xử lý vi phạm hành chính đối với việc chuyển khẩu trái phép sản phẩm động vật hoang dã, quý hiếm qua Cảng Hải Phòng. Theo đó, xử phạt Công ty TALU 30,6 triệu đồng; tịch thu lô hàng trên. Biện pháp xử lý là tiêu huỷ hoàn toàn con tê tê: 24.035 kg và 920kg vảy tê tê đông lạnh.

Hải Phòng - Điểm trung chuyển lý tưởng  

“Khổ chủ” rõ ràng hết đường chối cãi, mau chóng nộp phạt hành chính, chạy lấy người. Tuy nhiên, số phận những con tê tê cấp đông mới là điều đáng nói. Tê tê là dược liệu rất quý, đặc biệt là vảy tê tê, theo y học cổ truyền có tác dụng chữa trị nhiều loại bệnh và nâng cao sức khoẻ cho con người. Vì vậy giá trị kinh tế rất lớn. Nếu đem tiêu hủy sẽ là một tổn thất lớn về giá trị kinh tế và giá trị sử dụng. Chưa kể việc tiêu hủy một lô hàng lớn thịt động vật, vẩy sừng sẽ rất tốn kém về kinh phí mà còn có nguy cơ ô nhiễm môi trường. Nhìn đống hàng dược liệu quý ngồn ngộn mà tiêu hủy thì ai cũng tiếc. Của trời cho, không phải ở đất mình mà ở tận Java. Con buôn quốc tế tính đường bán sang Trung Quốc làm thuốc nhưng sợ Hải quan Trung Quốc làm dữ mới xoay sang chuyển khẩu vào Việt Nam đi bằng đường Móng Cái. Xung quanh việc ”tạm nhập, tái xuất” có khá nhiều chuyện để nói. Nhiều chuyến đi thoát và cũng vài chuyến “bị nạn”.

Giới buôn động vật hoang dã nhiều năm nay cho Hải Phòng là điểm trung chuyển lý tưởng. Việc buôn bán động vật hoang dã thường theo chu kỳ hàng năm. Còn nhớ tháng 1/2007 đã bắt giữ được 9 vụ vận chuyển động vật hoang dã. Vụ lớn nhất là Hải quan Hải Phòng phát hiện gần 8 tấn rùa và rắn trong một xe đông lạnh chuyên dụng. Lô hàng này vào Việt Nam qua cửa khẩu Cầu Treo (Hà Tĩnh) sau đó được chuyển lên tàu xuất sang Trung Quốc từ cảng Hải Phòng. Công an Quảng Ninh cũng đã bắt giữ được hai vụ vận chuyển Tê tê bằng xe taxi gắn biển số giả từ Hải Phòng chạy lên Móng Cái... Nay bắt được vụ này, càng cho thấy, những vụ phát hiện được vẫn chỉ là con tem dán trên mình con voi.

Ngày 5/5/2008 UBND thành phố ra Quyết định số 723/QĐ-CT thành lập Hội đồng tiêu hủy tang vật là sản phẩm động vật hoang dã chuyển khẩu trái phép qua cảng Hải Phòng, gồm các ngành: Kiểm Lâm, Hải quan, Môi trường đô thị, Cảnh sát môi trường, Viện KSND, Thanh tra Y tế, Sở Tài chính...  Và cũng theo đó, một dự toán kinh phí xử lý khối lượng lớn thịt động vật đảm bảo vệ sinh môi trường lên tới ... hai tỷ đồng. Có lẽ quá xót tiền ngân sách Nhà nước và cũng xót giá trị dược liệu của những con Tê tê, một công dân thành phố đã phải thốt lên: Các cán bộ ơi, hãy đọc lại Công ước CITES đi!.

Tê tê đông lạnh về đâu?

Lô hàng tê tê đông lạnh 8 tháng nay vẫn phải bảo quản tại cảng Hải Phòng. Mặc dù thành phố đã tổ chức bán đấu giá và có người trúng giá, tiền bán đấu giá đã về tài khoản, tiền trả cho hãng tàu cũng đã hoàn thành, nhưng hàng vẫn không giao được cho chủ.

Con tê tê vẫn phải nằm chờ phơi mưa nắng trên bãi cảng. Nếu không sớm giải quyết, tê tê sẽ phân hủy không sử dụng được. Lại một phen nữa tiền tỷ đổ sông, đổ bể, cùng tranh chấp khiếu kiện phức tạp xẩy ra.

Quyết định bán không tiêu hủy

Giữa lúc căng thẳng nhất, bỗng tiếng nói của Sở Y tế Hải Phòng làm dư luận bừng tỉnh. Căn cứ quy định tại Công ước CITES (mà Việt Nam tham gia) và các văn bản của Chính phủ là Nghị định 32/2006/NĐ-CP thì tê tê không phải là loại động vật nghiêm cấm khai thác, sử dụng mà được xếp vào nhóm II B. Tại Điều 9, điểm 2 nghị định này quy định: “Được phép chế biến, kinh doanh vì mục đích thương mại đối với các trường hợp các loại động vật rừng nguy cấp, quý hiếm nhóm II B là tang vật xử lý, tịch thu theo quy định hiện hành của Nhà nước, không còn khả năng cứu hộ, thả lại môi trường”.

Ngay sau đó, Cục An toàn vệ sinh thực phẩm – Bộ Y tế có văn bản số 538/ATTP-CĐT ngày 26/5/2008, nội dung: Đồng ý với ý kiến đề nghị của Sở Y tế Hải Phòng về việc chế biến lô hàng trên làm thực phẩm – thuốc.

Thế nhưng UBND thành phố vẫn nghi ngại chưa dám quyết. Việc làm này quả là chưa có tiền lệ. Một lượng tiền lớn từ trên trời rơi xuống nhưng để “nhặt” nó quả là khó(!).Theo Sở Tài chính, thời gian cấp đông ở nước ngoài chưa biết là bao lâu, nhưng từ khi vào cảng Hải Phòng để lưu giữ chờ xử lý, mỗi ngày tốn thêm 300 USD tiên thuê container cấp đông!

Ngày 20/6/2008, UBND thành phố Hải Phòng có Công văn số 3404/UBND-NN trình Chính phủ xin ý kiến được bán thanh lý lô hàng tê tê đông lạnh. Sau đó, Chính phủ đã có văn bản đồng ý với UBND thành phố Hải Phòng: tịch thu, xử lý theo quy định hiện hành lô hàng tê tê vận chuyển trái phép qua cảng Hải Phòng nêu trên, bán thanh lý cho các đơn vị chức năng ngành y tế làm thuốc chữa bệnh.

Vậy là lô hàng tê tê đông lạnh thoát cảnh tiêu huỷ. Ngày 25/7/2008 UBND thành phố Hải Phòng ra Quyết định số 1223/QĐ-CT điều chỉnh bổ sung Quyết định xử lý vi phạm hành chính đối với việc chuyển khẩu trái phép sản phẩm động vật hoang dã, quý hiếm qua Cảng Hải Phòng. Theo đó, thay đổi nội dung khoản 1, Điều 3 của Quyết định số 659/QĐ-CT, quyết định xử lý tang vật bị tịch thu, bán thanh lý 24.035 kg tê tê và 920 kg vảy tê tê đông lạnh cho các đơn vị chức năng ngành y tế làm thuốc chữa bệnh. Giao Trung tâm Dịch vụ bán đấu giá thành phố chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính, Sở Y tế, Cục Hải quan Hải Phòng, Chi cục Kiểm lâm Hải Phòng tổ chức bán đấu giá đảm bảo đúng đối tượng, đúng mục đích sử dụng làm thuốc chữa bệnh.

“Đấu trường”… tê tê

Thực hiện chỉ đạo của UBND thành phố, trên cơ sở thông báo rộng rãi phiên bán đấu giá, Sở Y tế Hải Phòng sàng lọc danh sách hàng chục doanh nghiệp đăng ký mua, cuối cùng còn được 3 đơn vị đủ tiêu chuẩn: có giấy chứng nhận hành nghề y, dược của ngành Y tế sản xuất thuốc; có đơn đăng ký mua; có tiền đặt cọc trước một tỷ đồng và chấp nhận giá khởi điểm cả lô hàng là 5.727.000.000 đồng.

Tại phiên đấu giá công khai ngày 29/8/2008, tại tâm Dịch vụ bán đấu giá tài sản - Sở Tư pháp Hải Phòng, người trúng đấu giá là lương y Bàng Minh Thái, chủ cơ sở sản xuất thuốc thành phẩm Y học cổ truyền (YHCT) Hồng Thái, trụ sở: 595/5A Xô Viết Nghệ Tĩnh, phường 26, quận Bình Thạnh, thành phố HCM. Hợp đồng mua bán tài sản bán đấu giá số 33/HĐMB-BĐG của Trung tâm Dịch vụ bán đấu giá tài sản Hải Phòng và ông Bàng Minh Thái đã được ký trong ngày 29/8/2008. Theo đó, trong thời hạn 5 ngày, ông Thái phải nộp đủ tiền trúng giá là 5.827.000.000 đồng (cao hơn giá khởi điểm 100 triệu đồng). Được biết, số tiền này người trúng giá cũng đã nộp vào tài khoản kho bạc Hải Phòng. Và  theo cam kết trong hợp đồng mua bán tài sản đấu giá thì trong thời hạn 10 ngày Sở Tài chính sẽ có trách nhiệm giao hàng.

Tưởng sự việc sẽ chẳng còn gì đáng nói. Thế nhưng, giữa Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản Hải Phòng và người trúng giá đang đối mặt với một vụ kiện đòi bồi thường thiệt hại mà nguyên đơn là ông Bàng Minh Thái. Lý do, người trúng đấu giá không được giao hàng theo đúng cam kết.

Vì sao chưa giao hàng cho người trúng giá? Đến nay UBND thành phố Hải Phòng vẫn im lặng. Thông tin mới nhất mà chúng tôi nhận được qua điện thoại với ông Nguyễn Văn Thành - Phó chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng là: Một ngành chức năng của thành phố đang kiến nghị đòi hủy kết quả đấu giá vì người trúng giá không đủ năng lực sản xuất thuốc, nên có thể khối lượng lớn tê tê này lại tìm đường sang Trung Quốc. Tuy nhiên, căn cứ để ra quyết định hủy phiên bán đấu giá vẫn chưa có. Vì vậy, tới chiều qua, (15/10), các ngành chức năng Hải Phòng lại tiếp tục họp để đề xuất biện pháp giải quyết?!./.
Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên