“Rác” mạng, cần “quét dọn” thường xuyên
VOV.VN - Việc thanh tra toàn diện TikTok tại Việt Nam đang được hầu hết người dân ủng hộ bởi sự phát triển quá “nóng” của mạng xã hội này, đi kèm nhiều nội dung xấu, độc, phản cảm.
Tuy nhiên, để làm “sạch” không gian mạng, một hoặc một vài đợt tổng kiểm tra là chưa đủ, bởi thế giới ảo cũng như thế giới thực, rác sẽ luôn phát sinh và cần được quét dọn thường xuyên.
TikTok với vô vàn video nhảm nhí, sai sự thật, dung tục,… có thể gây ác cảm với một số người, nhưng thực tế, những nội dung độc hại đã nhiều lần xuất hiện trên Youtube trước đây, nay chỉ là sự dịch chuyển từ nền tảng cũ sang nền tảng mới đang được quan tâm nhiều hơn.
Nguy cơ gây hại tới người xem cả về thể chất lẫn tinh thần liên tục được cảnh báo, và nếu các cơ quan quản lý chậm trễ, bị động trong việc ứng phó thì những nội dung như vậy sẽ tiếp tục hiện hữu, để lại hệ lụy khôn lường cho xã hội.
Để làm “sạch” môi trường mạng thì đầu tiên cần hoàn thiện hành lang pháp lý làm cơ sở cho mọi hoạt động. Với các đơn vị cung cấp dịch vụ, đặc biệt là công ty có trụ sở và máy chủ tại nước ngoài như TikTok, bên cạnh những yêu cầu cơ bản như: phải có văn phòng đại diện, tuân thủ các quy định pháp luật tại Việt Nam, thì các đơn vị này phải chủ động rà soát, loại bỏ những video có nội dung không phù hợp, đồng thời cam kết phối hợp xử lý nhanh khi có yêu cầu trong những vụ việc nổi cộm.
Cùng với đó là những quy định về giới hạn độ tuổi, nhóm người xem phù hợp với từng video, cấm sử dụng các thuật toán định hướng nội dung không lành mạnh. Việc ràng buộc trách nhiệm là vô cùng cần thiết, thậm chí có thể yêu cầu ngừng cung cấp dịch vụ tại Việt Nam, để các nhà cung cấp dịch vụ không thờ ơ, dung túng cho nội dung giật gân, “câu view” xuất hiện trên nền tảng của mình.
Với các cá nhân, tổ chức sáng tạo nội dung trên mạng xã hội, cần tăng nặng chế tài xử lý vi phạm, không chỉ mức xử phạt mà còn bổ sung những biện pháp như khóa kênh, cấm hoạt động,… tùy theo mức độ.
Trên thực tế, không ít TikToker cố tình tạo ra những video phản cảm để thu hút sự chú ý của dư luận, sẵn sàng nộp phạt, chấp nhận tai tiếng để có lượng người xem, người theo dõi lớn. Một chế tài đủ mạnh, đủ sức răn đe, đi kèm truyền thông rộng rãi về những trường hợp xử lý “điểm” sẽ làm chùn bước những TikToker đang coi nhẹ pháp luật, hoặc muốn nổi tiếng bất chấp tất cả.
Trong hành lang pháp lý, không thể thiếu bộ tiêu chí xác định cụ thể thế nào là “rác” mạng. Bởi ngoài những thông tin sai sự thật, nội dung đồi trụy, độc hại, mê tín dị đoan,… có thể dễ dàng nhận diện, thì những video nhảy nhót khoe thân hình phản cảm, “drama” gây tranh cãi,… rất khó xác định có phải là “rác” mạng hay không.
Những tiêu chí nhận định rõ ràng sẽ giúp các lực lượng thực thi công vụ có căn cứ để xử phạt, yêu cầu gỡ bỏ nội dung không phù hợp.
Khi hành lang pháp lý được hoàn thiện thì trách nhiệm tiếp theo thuộc về cơ quan quản lý thông tin - truyền thông các cấp. Dọn “rác” mạng cũng như quét nhà, công tác rà soát, kiểm tra, xử lý cần thực hiện thường xuyên, liên tục và quyết liệt, có sự phối hợp đồng bộ giữa các ban, ngành, địa phương liên quan.
Cơ quan chức năng cũng cần công khai các kênh tiếp nhận phản ánh từ người dân để kịp thời vào cuộc, ngăn chặn các nội dung xấu, độc phát tán rộng rãi trên môi trường mạng.
Để công tác kiểm tra, xử lý đạt hiệu quả cao thì việc đẩy mạnh giải pháp công nghệ là yêu cầu cấp thiết. Công nghệ cũng đóng vai trò quan trọng trong việc tạo ra một “hàng rào” tiền kiểm, ngặn chặn các nội dung xấu, độc từ sớm, đồng thời có thể phát hiện kịp thời các nguy cơ về bảo mật khác, xâm phạm lợi ích cá nhân hoặc an ninh quốc gia, không chỉ với các mạng xã hội hiện có mà cả những mạng mới có thể xuất hiện trong tương lai.
Cuối cùng, công tác truyền thông, giáo dục, nâng cao nhận thức người dân - những người tạo ra và thụ hưởng các sản phẩm trên mạng xã hội cũng cần được chú trọng và duy trì liên tục.
Trong đó, cần tiếp tục phát huy vai trò của nhà trường trong việc giáo dục học sinh, sinh viên các cấp; vai trò của báo chí, các hội nhóm có đông đảo người tham gia để lên án các nội dung tiêu cực, lan tỏa những nội dung tích cực, hướng dẫn cộng đồng kỹ năng tiếp nhận thông tin an toàn.
Chỉ khi có sự chung tay của cả cộng đồng và quyết tâm dọn “rác” mạng triệt để từ cơ quan quản lý thì “ngôi nhà” mạng xã hội mới “sạch sẽ”, mới tạo nên môi trường an toàn cho người dân sử dụng./.