Sống tự lập có khó?

“Trẻ con tuổi 20”, “sống cộng sinh” là các cụm từ để nói về những thanh niên "không chịu lớn". Sống tự lập liệu có quá khó với các bạn trẻ?

TS. Vũ Phạm Nguyên Thanh, Viện Khoa học xã hội Việt Nam: Sống tự lập mang lại sự tự tin

Bên cạnh một bộ phận bạn trẻ năng động, dám nghĩ dám làm thì có một bộ phận vẫn sống phụ thuộc vào cha mẹ, vô lo vô nghĩ. Tiến sĩ có nhận xét gì về nhóm người này?

Đúng là trên thực tế có khá nhiều bạn trẻ mặc dù đã đến tuổi trưởng thành, có thể sống tự lập nhưng vẫn sử dụng khả năng kinh tế cũng như sự hỗ trợ của gia đình để sống cuộc sống hưởng thụ hoặc phá phách. Sống trong sự bao bọc của gia đình không chỉ làm hỏng cuộc đời của họ mà còn gây hệ lụy cho xã hội. Gần đây, trên các phương tiện thông tin đại chúng có nói đến các buổi sinh nhật hoành tráng của những "cô chiêu, cậu ấm" trên dưới 20 tuổi, sử dụng hàng chục triệu đồng của cha mẹ để tổ chức linh đình. Điều này gây bức xúc trong  bị dư luận xã hội lên án.

Điều gì sẽ đến với những cô cậu thanh niên "không chịu lớn"?

Người ngoài nhìn vào có cảm giác những cô cậu này đang được hưởng lợi từ gia đình. Tuy nhiên, không ai có thể sống mãi trên đôi tay bế ẵm của cha mẹ. Ai rồi cũng phải lớn lên và cha mẹ thì sẽ già đi. Các bạn trẻ nếu cứ được cha mẹ bế ẵm mãi trên đôi tay, không chịu xuống đất để tập đi thì họ sẽ không biết đi, chứ đừng nói là biết nhảy. Những người này khi phải sống tự lập, cuộc sống sẽ vô cùng khó khăn đối với họ.

Nhiều bạn trẻ than phiền, mình đã lớn mà đi học về bố mẹ lúc nào cũng cơm ngon canh ngọt chờ sẵn. Ăn xong có người dọn dẹp. Làm gì cũng phải theo ý cha mẹ khiến các bạn trì trệ và cảm thấy cuộc sống rất nhàm chán. Những bạn này mong muốn bố mẹ ít bao bọc hơn để có thể sống tự lập. Bà có lời khuyên gì cho họ?

Những bạn trẻ này hoàn toàn có thể thoát ra khỏi sự bao bọc của cha mẹ, nếu các bạn thực sự muốn. Trong môi trường được bao bọc, chăm sóc đầy đủ như thế, không phải lo lắng về những vấn đề thiết yếu của cuộc sống, tại sao các bạn không tự lập trong suy nghĩ xem mình cần phải làm gì. Thực chất, những bạn này vẫn chưa biết tự lập trong suy nghĩ chứ chưa nói đến tự lập trong hành động. Thay vì chỉ biết ngồi đấy hưởng thụ, chẳng làm gì cả, các bạn hãy suy nghĩ về công việc của mình, việc kiếm tiền ngoài xã hội, việc giúp đỡ các bạn khác và những người khốn khó trong xã hội. Như thế, các bạn sẽ thấy cuộc sống ý nghĩa hơn.

Thưa bà, yếu tố gia đình chi phối như thế nào tới ý thức tự lập của giới trẻ?

Tính tự lập cần được rèn luyện, giáo dục từ nhỏ. Ngay từ nhỏ, trẻ cần được giáo dục phải biết tự làm những việc vừa sức. Đầu tiên là những việc tự phục vụ như: ăn cơm, đánh răng, gấp quần áo… đến những việc giúp đỡ gia đình. Cha mẹ giáo dục để đứa trẻ thấy, phục vụ cá nhân ngoài việc tự thỏa mãn nhu cầu cá nhân chúng còn giúp đỡ người khác.

Nhiều gia đình không muốn con em mình tự lập sớm khi xã hội tồn tại nhiều nguy cơ xâm hại đến các em. Theo bà, yếu tố xã hội có cần thiết phải đặt ra?

Sống tự lập luôn cần đến khả năng tự chủ để vươn tới tự do, không bị nô lệ vào hoàn cảnh cũng như các chủ thể. Nhưng để sống tự lập, mỗi người cần được giáo dục từ trong gia đình, nhà trường và xã hội. Trong gia đình, trẻ em cần được hướng dẫn làm việc như thế nào? Trong trường học, các em cần được giáo dục tính tự chủ để tự lập trong học tập như thế nào? Trong xã hội cần một hệ thống pháp luật đầy đủ và thích hợp đủ sức mạnh để bảo vệ các công dân của mình, từ khi các em còn non nớt cho đến tuổi trưởng thành. Nếu không được như vậy, cha mẹ lo lắng là điều tất nhiên.

Sống tự lập mang lại ý nghĩa như thế nào cho các bạn trẻ, thưa Tiến sĩ?

Sống tự lập trước hết cần đến khả năng tự chủ. Chỉ những nhân cách trưởng thành mới có thể sống tự lập và cuộc sống tự lập là điều kiện cần thiết để rèn luyện nhân cách của cá nhân. Càng lớn lên, con người càng mong muốn sống tự lập. Sống tự lập mang lại sự tự tin, khuyến khích con người phát huy, phát triển được khả năng sáng tạo trong lao động. Có nhiều mức độ sống tự lập và chúng ta nên khuyến khích mọi mức độ của quá trình này, từ lúc còn là đứa trẻ cho đến khi trưởng thành.

Bà Đặng Thị Lệ Thủy, Giám đốc Trung tâm bồi dưỡng kỹ năng sống Smile’s House (Láng Hạ, Hà Nội): Để trẻ tự chịu trách nhiệm về những việc mình làm

Trong một buổi dã ngoại rèn luyện kỹ năng sống, tôi thường gặp có những em 16 tuổi, học rất giỏi nhưng lại không thể phân biệt đâu là củ hành, đâu là củ tỏi. Không biết hành và tỏi dùng cho những món gì, đơn giản vì ở nhà các em không phải vào bếp giúp mẹ hay tự nấu nướng. Các em không biết mắc màn ra sao, hay tự tay gấp quần áo gọn gàng cho vào balô. Đây là lỗi của các bậc phụ huynh.

Trẻ không biết làm việc do từ nhỏ đã quen được làm thay mọi việc. Nhiều bà mẹ cho rằng, ngày nay việc nhà không quan trọng, chỉ cần trẻ học giỏi, sau này kiếm nhiều tiền sẽ thuê người giúp việc, đó là sự phân công lao động hợp lý. Đây là một quan niệm sai lầm. Làm việc nhà không chỉ giúp trẻ biết các kỹ năng cần thiết trong cuộc sống, để có thể tự phục vụ bản thân, sống độc lập, và giúp đỡ người khác, mà qua đó rèn luyện cho các em sự khéo léo, tính tổ chức, chủ động cũng như sự tự tin vào bản thân.

Tham gia làm việc tay chân giúp trẻ biết quý trọng sức lao động, biết chia sẻ với người khác và có trách nhiệm hơn với chính mình, người thân và cộng đồng. Những hoạt động này còn khiến các thành viên trong gia đình gắn kết với nhau hơn. Khi quen được phục tùng, được đáp ứng mọi nhu cầu, dần dần trẻ sẽ trở nên ích kỷ. Vì vậy, ngay từ nhỏ, cần giao cho trẻ những việc cụ thể, để trẻ tự chịu trách nhiệm về việc làm của mình. Đừng tiếc lời khen ngợi, động viên khi con hoàn thành tốt công việc, và không nên chê bai dù các việc đó không đạt yêu cầu.

Nguyễn Hữu Phan, 21 tuổi (Hà Nội): Tự lập là biết tự chọn con đường tốt mà đi

Nhiều bạn trẻ đánh đồng tự lập với việc tự làm ra tiền. Nhưng với ba mẹ tôi, dạy cho con tự lập tức là dạy con biết tự chọn con đường tốt mà đi, biết tự vượt qua những khó khăn hay cạm bẫy. Khi cho tôi tiêu tiền, cha mẹ tôi luôn dạy, đồng tiền làm ra rất khó khăn nên phải biết chi tiêu hợp lý. Từ ngày tôi học cấp III, hằng tháng, ba mẹ cho tôi một khoản tiền nhất định để tôi chi tiêu. Nếu tôi biết tính toán thì đủ chi tiêu trong cả tháng, nếu thiếu ba mẹ cũng không cho thêm để tôi học cách hoạch định chi tiêu. Theo tôi, sống tự lập là kỹ năng cần thiết cho các bạn trẻ, nhưng cũng cần phải dung hòa kỹ năng này với quan hệ gia đình. Thanh niên cần phải tự lập nhưng tình cảm giữa cha mẹ và con cái vẫn là nền tảng quan trọng cần được duy trì. Dù tôi có sống độc lập đến đâu, đi xa đến nơi nào thì cha mẹ và tôi vẫn luôn giữ mối quan hệ chặt chẽ.

Bà Nguyễn Bích Liên (Hà Nội): Bố mẹ không nên làm thui chột bản năng sống tự lập của trẻ

Ngay từ nhỏ, trẻ đã có bản năng muốn tự lập. Ví dụ tầm 1 tuổi là chúng đã đòi tự xúc cháo, cơm để ăn. Tuy nhiên, nhiều ông bố, bà mẹ, con sắp đến tuổi đi học nhưng thấy con ăn chậm hoặc cầm thìa không được khéo, làm đổ vãi đã không cho con tự xúc ăn. Khi sai chúng việc gì đó thấy không được như ý, lần sau không cho chúng làm nữa. Như vậy, chính bố mẹ đã làm thui chột bản năng muốn tự lập của trẻ.

Tôi đã từng bị bố mẹ mắng vì tội để con nghịch mâm cơm của cả nhà. Nhưng đến 2 tuổi thì con tôi đã tự xúc ăn rất khéo khiến ai cũng ngạc nhiên. Cháu lên 6 tuổi thì tôi cho cháu ngủ phòng riêng. Có phòng riêng, cháu rất thích. Tôi cho cháu tự chọn màu sơn cháu thích, tự sắp xếp, bày biện đồ đạc trong phòng mình. Ai đến chơi nhà, tôi thường bảo cháu dẫn lên giới thiệu phòng của mình. Bởi vậy, cháu luôn có ý thức giữ gìn phòng mình gọn gàng, sạch sẽ. Những việc trong nhà, việc gì cháu có thể làm được, tôi thường sai cháu làm. Đi du lịch ở đâu đó, cháu có thể tự mình chuẩn bị những đồ dùng cần thiết cho chuyến đi. Cháu cũng biết quan tâm, chia sẻ với mọi người trong gia đình. Đặc biệt, cháu luôn có ý thức giúp đỡ bố mẹ việc nhà./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên