Sốt xuất huyết có nguy cơ lây lan ở miền Trung, miền Bắc

Từ đầu năm đến nay, tình hình sốt xuất huyết trong cả nước có giảm song đáng lo ngại là khó nhận biết biểu hiện lâm sàng của người bệnh, vẫn có người chết do bệnh. Hiện, dịch có chiều hướng xuất hiện mạnh ở miền Trung và miền Bắc

Cục Y tế dự phòng và môi trường, Bộ Y tế cho biết, 3 tháng đầu năm cả nước ghi nhận trên 7.300 người mắc sốt xuất huyết, trong đó có 3 người tử vong. So với năm 2009, số người mắc sốt xuất huyết giảm 28%, tử vong giảm 3 người. Tuy nhiên, Cục Y tế dự phòng và môi trường cũng cho biết, các tỉnh phía Nam - vùng trọng điểm sốt xuất huyết nhờ đã có kinh nghiệm chống dịch những năm trước, nên thời gian qua số người mắc bệnh đã giảm, nhưng dịch đang có xu hướng chuyển ra miền Trung và miền Bắc. Đặc biệt, tại các tỉnh, thành ở miền Trung như: Phú Yên, Khánh Hòa, số người mắc sốt xuất huyết tăng nhẹ so với cùng kỳ 2009. Riêng thành phố Đà Nẵng, số người mắc sốt xuất huyết từ đầu năm đến nay là trên 600 người, tăng gấp 10 lần so với cùng kỳ năm 2009. Năm 2009, Hà Nội có trên 16.000 người mắc sốt xuất huyết, gấp 7 lần so với năm 2008. Mặc dù những tháng đầu năm ở Hà Nội chỉ có khoảng 100 người mắc bệnh, song đã có 1 người ở xã Tân Minh, huyện Sóc Sơn tử vong do sốt xuất huyết gây ra. Vì vậy, việc phòng chống dịch tiếp tục được chính quyền và ngành y tế ở Hà Nội tăng cường triển khai. Trong đó, huyện Sóc Sơn- nơi có người chết do sốt xuất huyết đang tăng cường nâng cao nhận thức người dân bằng những việc làm cụ thể.

Ông Lê Đức Tuyên, trưởng khoa kiểm soát dịch bệnh, Trung tâm y tế dự phòng huyện Sóc Sơn, thành phố Hà Nội cho biết, Sóc Sơn xây dựng kế hoạch phòng chống sốt xuất huyết triển khai đến tất cả các xã và trạm y tế, cơ quan, xí nghiệp trường học. Trung tâm Y tế và ban chỉ đạo huyện thường xuyên có chỉ đạo về việc phòng chống sốt xuất huyết. Trong đó, chú trọng tổng vệ sinh môi trường, thu gom phế liệu tại 26 xã. Ngoài ra, hàng tháng, Trung tâm kiểm tra giám sát dịch tại các xã, nhất là những xã có ổ sốt xuất huyết cũ; tập huấn, nói chuyện với người dân và phát những tờ rơi.

Một trong những nguyên nhân khiến dịch sốt xuất huyết xảy ra là quá trình xây dựng ở các địa phương đã tạo nên những hố nước đọng, bể ngầm… là môi trường cho muỗi phát triển. Nguy hiểm hơn là biểu hiện lâm sàng của bệnh sốt xuất huyết đang thay đổi. Bác sĩ Tôn Thất Thạnh, Giám đốc Trung tâm y tế dự phòng thành phố Đà Nẵng cho biết, nhiều người vào viện xét nghiệm tiểu cầu giảm chỉ còn dưới 10.000 nhưng khám lâm sàng bên ngoài, họ không có dấu hiệu xuất huyết. Vì vậy, không chỉ tuyên truyên về phòng vệ sinh mà phải tuyên truyền về những triệu chứng lâm sàng. Muốn làm được điều đó, phải huy động cả cộng đồng tham gia phòng chống dịch.

Năm nay, Chương trình mục tiêu Quốc gia phòng chống sốt xuất huyết tiếp tục được triển khai sau một thời gian gián đoạn, tạo điều kiện để các địa phương đẩy mạnh việc phòng chống sốt xuất huyết. Ông Trần Vũ Phong, Trưởng khoa Côn trùng và Động vật y học, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương khẳng định, sau 1 năm gián đoạn, chương trình mục tiêu quốc gia và sốt xuất huyến được thực hiện trở lại. Chương trình có nhiều hoạt động để nâng cao năng lực cho cán bộ y tế các cấp và những cộng tác viên tuyên truyền trực tiếp về bệnh.

Với những biện pháp mà ngành chức năng triển khai, mỗi gia đình cần nâng cao ý thức phòng bệnh sốt xuất huyết bằng cách mặc quần áo dài tay cho trẻ, không để trẻ ở nơi thiếu ánh sáng, ẩm thấp để tránh muỗi đốt; cả ban đêm và ban ngày, khi ngủ phải mắc màn; đậy kín lu, vại, bể chứa nước, không tạo nơi cho muỗi đẻ và hàng tuần nên cọ rửa bằng bàn chải để diệt trứng muỗi… Đặc biệt phải vệ sinh nơi ở và khu vực xung quanh, chấp hành những hướng dẫn của ngành y tế. Đối với những địa phương ít xảy ra dịch không được chủ quan, lơ là. Có như vậy, dịch sốt xuất huyết mới được khống chế, nhất là vào cao điểm dịch từ tháng 5 tới./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên