Sử dụng chất cấm trong chăn nuôi sẽ bị xử lý hình sự
Từ 1/7 tới đây, hành vi buôn bán, sử dụng chất cấm trong chăn nuôi sẽ bị xử lý hình sự, ngoài ra tổ chức, cá nhân vi phạm còn bị xử phạt hành chính.
Ông Phạm Tiến Dũng |
Ông Phạm Tiến Dũng, Đội trưởng Đội thanh tra chuyên ngành, Thanh tra Bộ NN&PTNT nhìn nhận, sau khi Bộ luật Hình sự (sửa đổi) chính thức có hiệu lực thì hành vi vi phạm này chắc chắn sẽ giảm.
- PV: Thưa ông, chế tài mới đối với hành vi sử dụng chất cấm trong chăn nuôi tăng nặng hơn trước như thế nào?
- Ông Phạm Tiến Dũng: Theo quy định tại Bộ luật Hình sự sửa đổi, hành vi buôn bán, sử dụng chất cấm trong chăn nuôi sẽ bị xử phạt rất nghiêm. Ngoài ra, cũng từ 1-7 tới đây, tổ chức, cá nhân vi phạm còn bị xử lý hành chính, cấm kinh doanh mặt hàng vi phạm trong một thời gian. Trước đây, có doanh nghiệp bị lực lượng kiểm tra phát hiện, xử lý vi phạm hành chính đến 200 triệu đồng nhưng nhận thức của doanh nghiệp cũng không có biến chuyển nhiều.
Dù vậy, để đạt được hiệu quả như mong muốn, ngoài chế tài, phải có sự đồng bộ, từ quy định, chính sách đến hoạt động tuyên truyền, thanh tra, kiểm tra của lực lượng chức năng. Trong đó, việc tuyên truyền rất quan trọng, để người tiêu dùng hiểu rõ về chất cấm, lên án, tẩy chay đồng thời sẽ tham gia tố giác hành vi sử dụng chất cấm trong chăn nuôi.
- Quy định mới cũng tạo điều kiện thuận lợi hơn cho lực lượng chức năng làm việc?
- Theo quy định mới, tới đây, việc xử phạt sẽ đơn giản, dễ dàng hơn rất nhiều. Theo quy định trước đây, hành vi sử dụng chất cấm phải gây hậu quả nghiêm trọng, gây thiệt hại lớn thì mới bị xử lý nhưng rất khó để định lượng thế nào là hậu quả nghiêm trọng, hậu quả lớn, mà chúng tôi hay nói nôm na với nhau là “ăn vào phải lăn ra chết” thì mới chứng minh được hậu quả lớn. Còn, sắp tới chỉ cần có hành vi là cấu thành tội phạm.
- Số điện thoại đường dây nóng tiếp nhận thông tin về chất cấm chăn nuôi chắc sẽ “nóng” hơn so với trước đây?
- Thời gian gần đây, số lượng cuộc gọi đến đường dây nóng tố giác thông tin liên quan đến chất cấm đã giảm mạnh so với cuối năm 2015. Trong thời gian tới, chúng tôi vẫn tiếp tục duy trì hoạt động đường dây nóng vì đây là kênh tiếp nhận thông tin tố giác từ quần chúng rất hiệu quả. Đồng thời, chúng tôi sẽ xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra ATTP và vật tư nông nghiệp. Bên cạnh đó, chúng tôi vẫn phối hợp chặt chẽ với Cục Cảnh sát Môi trường (Bộ Công an) trong việc thanh tra, kiểm tra chuyên sâu.
- Thủ đoạn vi phạm của các đối tượng buôn bán chất cấm dường như ngày càng tinh vi?
- Trước sự vào cuộc rốt ráo của lực lượng chức năng và quần chúng, các đối tượng buôn bán đã hoạt động tinh vi hơn. Tại TP.HCM, một số lò mổ nhiều lần bị phát hiện có lợn dương tính với chất cấm đã không giết mổ tại TP.HCM nữa mà chuyển ra các tỉnh lân cận giết mổ, rồi vận chuyển về TP.HCM tiêu thụ; hoặc họ đợi tới gần thời kỳ lợn xuất chuồng từ 7-14 ngày sẽ dừng vỗ béo lợn bằng chất cấm nên khi kiểm tra nhanh qua nước tiểu sẽ không phát hiện.
Thêm một thủ đoạn mới nữa là các đối tượng buôn bán không chào bán công khai với người chăn nuôi, doanh nghiệp sản xuất thức ăn nữa mà mời gọi bán hàng thông qua sim rác. Một số đối tượng còn nhắn chào mời sử dụng chất cấm với ngôn từ “lóng” như “kinh doanh thuốc nở vòng 3”.
- Theo ông, khi đàn lợn bị phát hiện dương tính với chất cấm thì nên tiêu hủy cả đàn hay cho nuôi tiếp để đào thải chất cấm?
- Lực lượng chức năng cũng đang lúng túng về việc này. Theo điều 13 của Nghị định 119/NĐ-CP thì thịt và đàn lợn nếu dương tính với chất cấm thì phải tiêu hủy. Tuy nhiên, quy định này rất khó áp dụng. Vì điều 36 của nghị định này quy định, đàn lợn nếu phát hiện dương tính với chất cấm thì phải nuôi tiếp cho đào thải. Hiện nay, có địa phương áp dụng quy định tiêu hủy cả đàn lợn nhưng có địa phương lại cho nuôi nhốt nên tạo ra sự thiếu thống nhất trong cách xử lý vi phạm.
Mặc dù, Bộ NN&PTNT đã điều chỉnh Thông tư 57 về quản lý chất cấm trong chăn nuôi nhưng chúng tôi vẫn đang kiến nghị Bộ NN&PTNT tiếp tục sửa đổi. Quan điểm của lực lượng thanh tra là tiêu hủy cả đàn lợn nếu phát hiện dương tính với chất cấm./.