Tam thất "đội lốt" sâm Ngọc Linh móc túi người tiêu dùng
VOV.VN - Sâm Ngọc Linh giả, không rõ nguồn gốc gây nguy hại sức khỏe người tiêu dùng, ảnh hưởng đến thương hiệu sâm Việt Nam.
Ban chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả làm việc với tỉnh Quảng Nam về tình trạng sâm Ngọc Linh giả bày bán công khai trong thời gian qua.
Việc bày bán sâm Ngọc Linh giả, không rõ nguồn gốc, kém chất lượng không chỉ gây nguy hại sức khỏe người tiêu dùng mà còn ảnh hưởng đến thương hiệu sâm Việt Nam. Tuy vậy, hiện vẫn chưa có giải pháp nào để ngăn chặn tình trạng này.
Một vườn ươm cây sâm Ngọc Linh con nằm sâu trong rừng. |
Ông Triều còn tiết lộ thêm rằng, hiện nay không chỉ có việc lừa bán củ Tam Thất thành sâm núi Ngọc Linh mà ngay cả cây Tam Thất con cũng giả là sâm Ngọc Linh non.
Cây Tam Thất con ở các tỉnh phía Bắc giống hệt như cây sâm Ngọc Linh nên rất khó phân biệt. Chỉ có 1 yếu tố để nhận dạng là cây Tam Thất con thường có 3 đến 4 đầu mầm, còn cây sâm Ngọc Linh non có 1 đầu mầm. Thế nhưng, các đối tượng trước khi khai thác cây Tam Thất non thường bấm tỉa bớt 2 đầu mầm chỉ để lại 1 đầu mầm; đồng thời chọn những cây sâm có gốc phình to giống cây sâm Ngọc Linh vận chuyển vào các tỉnh Quảng Nam, Kon Tum bán nên càng khó phát hiện. Ông Nguyễn Đình Triều cho biết: “Họ chủ yếu đưa vào vùng đồng bào dân tộc thiểu số, sau đó đồng bào dân tộc lại tung xuống bán ở dưới đồng bằng. Có thể họ đến Quảng Nam thuê xe biển số 92 ở Quảng Nam vô Kon Tum bán để bán và nói là sâm ở Quảng Nam hoặc ngược lại. Vì vậy, vấn đề sâm thật hay giả rất khó phát hiện”.
Lâu nay, việc xác định sâm Ngọc Linh thật hay giả chủ yếu dựa vào cảm tính, kinh nghiệm thực tiễn của người dân. Ông Đoàn Ngọc Sơn, Phó Giám đốc Sở Công thương Quảng Nam cho rằng, việc truy xuất nguồn gốc, xuất xứ, chất lượng hàng hóa, kiểm tra, kiểm soát sản phẩm sâm Ngọc Linh từ khâu sản xuất đến lúc sản phẩm lưu thông trên thị trường còn khá lúng túng.
Theo ông Đoàn Ngọc Sơn, công tác đấu tranh phòng chống sâm Ngọc Linh giả trước mắt tập trung vào các cơ sở chế biến, các tổ chức, cá nhân rao bán sâm núi Ngọc Linh trên mạng internet để xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.
Một khó khăn nữa là hiện nay Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ chưa cấp phép sử dụng sản phẩm sâm Ngọc Linh cho bất cứ tổ chức, cá nhân nào. Sâm Ngọc Linh cũng chưa có tem chống giả nên khó có cơ sở để kiểm định.
Hiện nay, bên cạnh việc vận động người dân địa phương tự bảo vệ sản phẩm sâm Ngọc Linh, UBND tỉnh Quảng Nam đã ban hành quy chế tạm thời quản lý, sử dụng chỉ dẫn địa lý “Ngọc Linh” cho sản phẩm sâm củ, ngăn chặn và xử lý các hành vi sử dụng trái phép chỉ dẫn địa lý đối với sản phẩm sâm củ; đảm bảo các quy định về xuất xứ, chất lượng, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh sản phẩm sâm Ngọc Linh nhằm nâng cao hiệu quả, tăng tính cạnh tranh của sâm Ngọc Linh.
Ông Hồ Quang Thái, Phó Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả cho biết: “Thủ tướng đã phê duyệt sâm Ngọc Linh thành sản phẩm quốc gia. Theo đó, chúng ta cần phải điều chỉnh Bộ luật hình sự hoặc có Nghị định Chính phủ ban hành để có cơ sở chế tài xử lý không? Chúng tôi sẽ nghiên cứu và kiến nghị Chính phủ.
Trước mắt, chúng tôi đề nghị họp tại đây căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ để tham mưu cho lãnh đạo tỉnh khẩn trương ban hành Chỉ thị. Trên cơ sở Chỉ thị trong việc xử lý vấn đề này”./.
Tiêu hủy Sâm Ngọc Linh không rõ nguồn gốc, trị giá gần 300 triệu đồng
Diện tích trồng Sâm Ngọc Linh sẽ tăng gần 100 lần so với hiện tại