Thanh lý hợp đồng lao động ở đơn vị sự nghiệp công lập: Những khó khăn vướng mắc hiện nay
VOV.VN - 155 cán bộ, giảng viên, trong đó có những người đã công tác 15, 16 năm tại Học viện Hành chính Quốc gia đang đứng trước nguy cơ bị chấm dứt hợp đồng, mất việc.
Những ngày tháng 10, khi hàng ngàn giảng viên tại các trường đại học trên cả nước đang nô nức đón năm học mới, chào tân sinh viên sau mùa tuyển sinh, thì 155 cán bộ, giảng viên Học viện Hành chính Quốc gia lại đang sống trong nỗi thấp thỏm lo âu, đi khắp nơi gửi đơn “kêu cứu” trước nguy cơ mất việc.
Trong đơn kêu cứu gửi tới Báo điện tử VOV, các cán bộ, giảng viên hợp đồng Học viện Hành chính Quốc gia cho biết, ngày 20/8, Học viện chính thức thông báo về việc sẽ thanh lý toàn bộ hợp đồng với người lao động sau kỳ thi tuyển viên chức. Tuy nhiên, sau khi kỳ thi sắp tới diễn ra, trừ số người trúng tuyển và trở thành viên chức tại Học viện (dự kiến 45 chỉ tiêu), thì vẫn sẽ có khoảng hơn 100 người buộc phải chấm dứt hợp đồng.
Nhiều người chưa thi, đã biết mình sẽ ... trượt, bởi quy định đưa ra phải có bằng tiến sĩ trở lên. Nhiều giảng viên hiện đang làm nghiên cứu sinh, chuẩn bị bảo vệ luận án, nhưng không kịp lấy bằng tiến sĩ trước kỳ thi cũng đành chấp nhận việc sẽ bị thanh lý hợp đồng. Nhiều người đủ điều kiện thi nhưng lại không có vị trí việc làm để ứng tuyển...
Những giảng viên đang kêu cứu có nhiều năm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, đạt danh hiệu lao động tiên tiến, chiến sỹ thi đua, không ngừng tự học hỏi để nâng cao trình độ bản thân.
Hàng chục năm chỉ ký hợp đồng ngắn hạn, 3 năm, 1 năm rồi 3 tháng
Cô N.T.T, giảng viên Học viện Hành chính cho biết, ngày 20/8, các cán bộ, giảng viên trong trường nhận được thông báo của Học viện về việc sẽ không tiếp tục ký hợp đồng lao động. Nội dung thông báo nêu rõ, hợp đồng giữa Học viện và người lao động hết hiệu lực từ ngày 6/9/2020, Học viện sẽ thanh lý hợp đồng.
“Chúng tôi nhận thấy những căn cứ để thanh lý hợp đồng trong thông báo là không đủ thuyết phục. Ban lãnh đạo Học viện quyết thanh lý hợp đồng nhưng lại không đưa ra được giải pháp nào khác cho người lao động. Trong bối cảnh dịch bệnh khó khăn, chúng tôi lại đột nhiên mất việc, nên đã gửi đơn kêu cứu lên Bộ Nội vụ. Ngay sau đó, Bộ đã có văn bản yêu cầu trường báo cáo về sự việc này.
Ngày 1/9/2020 Học viện báo cáo Bộ Nội vụ. Học viện cũng gấp rút tổ chức buổi đối thoại với người lao động vào sáng ngày 4/9/2020. Bộ Nội vụ gửi Thông báo Kết luận của Bộ trưởng về một số công tác của Học viện Hành chính Quốc gia cùng ngày.
Cũng theo cô N.T.N, từ năm 2000 đến năm 2012, Học viện Hành chính Quốc gia có một số lần tổ chức tuyển dụng viên chức theo hình thức xét tuyển. Tiêu chí đưa ra là ưu tiên những người đã công tác liên tục 10 năm và 5 năm đối với người có bằng thạc sỹ, tiến sỹ.
“Thời điểm đó, tôi cũng như nhiều giảng viên khác chưa đủ điều kiện 10 năm công tác liên tục. Chúng tôi đã liên tục cố gắng, vừa hoàn thành tốt nhiệm vụ, vừa tự bỏ kinh phí, thời gian để học tập đáp ứng điều kiện và chờ đợi những kỳ tuyển dụng sau. Tuy nhiên, từ năm 2012 đến nay, Học viện mới tuyển dụng viên chức, nhưng lại không xét tuyển mà tổ chức thi tuyển, không có bất cứ tiêu chí ưu tiên nào về thâm niên, kinh nghiệm, gây thiệt thòi cho những người đã công tác lâu năm”, cô N.T.N cho biết.
Có gần 10 năm công tác tại Học viện, thầy N.Q.C cho biết, chưa từng một lần được thi tuyển viên chức tại Học viện. Hiện tại Học viện tổ chức thi, nhưng lại yêu cầu ứng viên phải có trình độ từ Tiến sĩ trở lên, trong khi thầy N.Q.C mới đang là nghiên cứu sinh Tiến sĩ.
“Rất nhiều năm chúng tôi không được thi. Đến nay khi tổ chức thi nhưng lại không xét dựa trên thâm niên. Việc thanh lý hợp đồng đột ngột, khiến chúng tôi bị động, hoang mang, tình thế ngàn cân treo sợi tóc, nay đứng trên bục giảng, nhưng chỉ ít ngày nữa sẽ phải ra đường vì mất việc”, thầy N.Q.C chia sẻ.
Thầy N.Q.C cho biết, trong những năm qua, thầy ký hợp đồng với Học viện đủ các loại hợp đồng từ 3 năm, 2 năm, 1 năm và từ đầu năm 2020 đến nay là 3 hợp đồng 3 tháng.
“Nếu theo đúng Luật lao động, sau khi ký 3 hợp đồng lao động ngắn hạn liên tiếp, thì đơn vị phải ký với chúng tôi hợp đồng dài hạn. Nhưng bao năm qua chúng tôi chỉ được ký hợp đồng ngắn hạn. Chúng tôi vẫn luôn hy vọng một ngày nào đó sẽ được vào viên chức. Nhưng bỗng dưng Học viện lại có quyết định thanh lý hợp đồng”.
Những ngày này, cô N.T.N đứng trên bục giảng, nhưng cũng không thể tập trung bởi sắp bị thanh lý hợp đồng. Buồn, lo lắng, sốc là những gì cô N.T.N đã trải qua khi nghe tin sắp phải thôi việc.
Cũng theo cô N.T.N, Học viện có gợi ý những giảng viên sau khi thanh lý hợp đồng có thể đăng ký để ký hợp đồng vụ việc nếu trường có nhu cầu. “Hình thức hợp đồng này về bản chất là hợp đồng thỉnh giảng theo tiết dạy. Khi trường cần sẽ gọi, còn không thì thôi, không biết 1 tháng được mấy tiết”, cô N.T.N nói.
Những cán bộ, giảng viên này nhiều năm nay đều chỉ được ký hợp đồng ngắn hạn, từ 3 năm, 2 năm, giảm xuống còn 1 năm và hiện là 3 tháng. Đơn thư của tập thể cán bộ giảng viên cũng phản ánh, trong những năm qua, dù nhiều lần thông báo về việc Học viện Hành chính Quốc gia đang dôi dư lao động, nhưng lãnh đạo Học viện vẫn ký thêm các hợp đồng lao động, chuyển ngang biên chế từ cơ quan khác sang.
Khoảng 50 người chắc chắn phải thôi việc
Trao đổi với VOV.VN, TS Nguyễn Quang Vinh, Tổng Biên tập Tạp chí Quản lý nhà nước- người được ông Đặng Xuân Hoan, Giám đốc Học viện Hành chính Quốc gia ủy quyền đại diện Học viện trả lời báo chí xác nhận việc Học viện sẽ phải thanh lý hợp đồng sau kỳ thi tuyển viên chức sắp tới.
Ông Vinh cho biết, Học viện Hành chính Quốc gia được Thủ tướng ký quyết định thành lập đào tạo hệ đại học từ năm 1998. Nhưng đến năm 2018 vừa qua, Thủ tướng lại yêu cầu dừng không tuyển sinh trình độ đại học, chuyển sang đào tạo bồi dưỡng cán bộ công chức, viên chức cấp quốc gia.
‘Từ năm 1998, mỗi năm trường tuyển gần 3.000 sinh viên, 4 năm liên tục có khoảng 12.000 sinh viên. Để đáp ứng nhu cầu đào tạo, trường phải tuyển giảng viên, điều này chắc chắn đã được cấp trên cho phép ký hợp đồng. Giảng viên tuyển vào với tiêu chuẩn đảm bảo đào tạo đại học. Đến nay, đã có người công tác đến 15 năm tại Học viện”, ông Vinh cho biết.
Cũng theo ông Nguyễn Quang Vinh, năm 2018, Bộ Nội vụ đã có kết luận thanh tra, kết luận nêu rõ Học viện có 248 hợp đồng chuyên môn. Tuy nhiên, là đơn vị sự nghiệp công lập chưa tự chủ hoàn toàn, nên Học viện không được phép ký hợp đồng chuyên môn nghiệp vụ, mà phải tuyển viên chức.
“Thanh tra Bộ Nội vụ yêu cầu Học viện cần nhanh chóng xử lý số hợp đồng dôi dư. Bên cạnh đó, hiện nay, khi không đào tạo trình độ cử nhân nữa, nên số lượng giảng viên tại các khoa đang dôi dư rất nhiều. Có những khoa 2/3 giảng viên không có giờ dạy”, ông Vinh nói.
Đại diện Học viện Hành chính Quốc gia cho biết, trước khi thông báo về việc sẽ thanh lý hợp đồng, Học viện đã đề cập, phổ biến về việc nếu thi không đỗ viên chức, người lao động sẽ phải thanh lý hợp đồng.
Ông Vinh cho hay, hiện tại Học viện đang còn 155 giảng viên, cán bộ là lao động hợp đồng và đang đề xuất tiếp tục tổ chức thi viên chức đợt 2 với 45 chỉ tiêu viên chức. Như vậy sẽ còn hơn 100 người.
“Học viện đang xem xét có thể ký thêm hợp đồng vụ việc, thỉnh giảng theo Nghị định 68. Tuy nhiên sau đó vẫn có khoảng 50 người không thể giữ lại”, ông Vinh nói.
Lý giải về điều kiện phải có bằng tiến sỹ mới được thi viên chức, ông Vinh cho hay, theo quy định mới, Học viện Hành chính Quốc gia chuyển đổi mục đích, không đào tạo đại học, mà chỉ có các lớp bồi dưỡng chuyên viên chính, chuyên viên cao cấp. Do đó, điều kiện đứng giảng các lớp chuyên viên chính phải từ giảng viên chính trở lên. Đào tạo sau đại học, giảng viên phải có trình độ tiến sỹ mới được thi. Những đối tượng vừa bảo vệ luận án tiến sĩ nhưng chưa có bằng kịp thời gian nộp hồ sơ hoặc sắp bảo vệ cũng sẽ không được thi theo quy định, do không đủ văn bằng chứng chỉ đáp ứng yêu cầu.
Cũng theo ông Nguyễn Quang Vinh, khi Học viện thay đổi về chức năng, nhiệm vụ một số vị trí việc làm sẽ không còn, cũng có một số vị trí việc làm mới. Dẫn đến một số giảng viên, cán bộ đang công tác không tìm thấy vị trí việc làm mới tương ứng để thi.
Ký liên tiếp hợp đồng ngắn hạn có sai quy định?
Trước câu hỏi của phóng viên về việc, nhiều năm liền Học viện ký hợp đồng ngắn hạn, trong khi Luật Lao động 2012 hiện hành quy định, không được ký liên tiếp 3 lần hợp đồng ngắn hạn mà sau đó phải chuyển sang ký hợp đồng dài hạn, hoặc chấm dứt hợp đồng lao động?
Ông Vinh cho rằng, đây là vấn đề thuộc quyền hạn của Ban tổ chức cán bộ, cá nhân ông không thể trả lời đúng hay sai.
Còn về việc tại sao nhiều năm Học viện Hành chính Quốc gia không tổ chức thi tuyển viên chức để sớm thanh lý hợp đồng lao động dôi dư, tránh tình trạng số lượng lao động năm này dồn qua năm khác như hiện nay, ông Vinh cho biết: “Năm 2007 trường chuyển từ Bộ Nội vụ về Học viện Chính trị hành chính quốc gia, lúc này, trường chưa có quy định về chức năng nhiệm vụ. Đến năm 2014 lại tách ra khỏi Học viện Chính trị hành chính Quốc gia và trực thuộc Bộ Nội vụ. Năm 2014, Học viện nhiều lần đề nghị Thủ tướng ra quy định về chức năng nhiệm vụ. Nhưng đến năm 2018 mới có quyết định về chức năng nhiệm vụ, quyền hạn của Học viện Hành chính quốc gia. Lúc này, Bộ Nội vụ mới tiến hành thanh tra, có quyết định phải chấp dứt hợp đồng chuyên môn nghiệp vụ và giảm từ 27 xuống còn 17 đầu mối như hiện nay”, ông Vinh cho hay.
Ông Bùi Quang Tùng, Chủ tịch Công đoàn Học viện Hành chính Quốc gia cho biết, tổ chức công đoàn đang bàn tính, trao đổi các giải pháp đảm bảo quyền lợi cho người lao động. Theo đó, những giảng viên đã thanh lý hợp đồng, có thể chuyển công tác sang các đơn vị khác sẽ được tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để rút hồ sơ từ học viện.
Căn cứ theo Luật Lao động, những lao động cắt hợp đồng sẽ được bồi thường mỗi năm công tác là 1 tháng lương cơ bản, cũng như hỗ trợ từ quỹ phúc lợi của Học viện./.