Tháo gỡ vướng mắc để đạt mục tiêu 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội đến năm 2030
VOV.VN - Sáng nay (28/3), Báo Người Lao Động tổ chức hội thảo "Đột phá phát triển nhà ở xã hội". Hội thảo đã tổng hợp những hiến kế sát sườn, mang tính đột phá trong phát triển nhà ở xã hội nhằm đạt được mục tiêu 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội đến năm 2030 của Bộ Xây dựng.
Nhu cầu về nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, người thu nhập thấp hiện nay rất lớn và cấp bách. Số liệu báo cáo của Bộ Xây dựng năm 2022 cho thấy, nhu cầu nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp, công nhân ở khu công nghiệp trong giai đoạn 2021-2030 là khoảng 2,6 triệu căn hộ. Trong đó, từ năm 2021-2025 là khoảng 1,3 triệu căn.
Dù có nhiều chính sách hỗ trợ nhưng việc phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân vẫn gặp không ít khó khăn. Đặc biệt, nhiều doanh nghiệp có tâm huyết thực hiện dự án nhà ở xã hội nhưng gặp trở ngại về thủ tục, chính sách, nguồn vốn, quỹ đất…
Mong muốn có một căn nhà ở xã hội để an cư lạc nghiệp
Tại hội thảo, anh Nguyễn Trọng Nhân, Văn phòng Khu Công nghiệp Đông Nam (huyện Củ Chi, TP HCM) chia sẻ, anh sinh sống và làm việc tại thành phố đã 22 năm, thu nhập khoảng 10 triệu đồng/tháng. Với mức lương này, việc mua nhà ở thành phố với anh thật xa vời.
"Việc mua nhà ở xã hội ở đô thị lớn thật khó khăn. Tiền lương làm ra không theo kịp với mức sống hiện tại, đặc biệt, giá cả nhà ở cao hơn so với trước. Gần đây tôi có tìm hiểu để mua nhà nhưng thấy khó khăn quá”, anh Nhân bộc bạch.
Theo anh Nhân, nguồn cung của nhà ở xã hội rất ít so với nhà ở thương mại. Trong khi đó, thông tin tiếp cận đến nhà ở xã hội còn hạn chế. Bản thân người mua khi tiếp cận được đã phải qua trung gian, chưa có giấy tờ, giá cả cao hơn. Bên cạnh đó, nhà ở xã hội rẻ lại xây dựng cách xa nơi làm việc. Nhà ở xã hội ở nội ô hầu như không có nữa.
"Tôi và nhiều người lao động mong muốn có một căn nhà ở xã hội để an cư lạc nghiệp. Đây là nhu cầu và cũng là ước mơ để tiếp tục lao động mưu sinh, cống hiến”, anh Nhân nói.
Cũng như anh nhân, chị Lê Thị Hằng, Công nhân Công ty CCHTop- KCX Tân Thuận (quận 7, TP HCM) mong muốn được tiếp cận nhà ở xã hội nhanh nhất. Theo chị Hằng, hiện nay, với mức lương 8 triệu đồng/tháng, không tăng ca, giá cả leo thang, cơ hội tiếp cận nhà ở xã hội của người công nhân càng ngày càng khó.
“Nhà ở xã hội gắn liền với người lao động nhưng điều kiện hạn hẹp. Tôi mong muốn tiếp cận nguồn vay dễ hơn, lãi suất rẻ hơn, thời gian trả kéo dài hơn. Chúng tôi có nguyện vọng mua căn hộ 45-50 m2, giá khoảng 1 tỉ đồng, trả trước 20% và trả góp mỗi tháng 3-4 triệu đồng”, chị Hằng chia sẻ.
Phát triển nhà ở cho công nhân còn nhiều vướng mắc
TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính – tiền tệ quốc gia cho biết, hiện mới chỉ đạt 62% kế hoạch phát triển nhà ở giai đoạn 2021-2020. Thị trường nhà ở xã hội đã sôi động trở lại trong 2 năm qua, tuy nhiên, còn nhiều điều cần phải bàn khi việc đầu tư, phát triển thị trường nhà ở xã hội đang gặp vô số khó khăn, thách thức.
“Đó là chưa nhất quán về quan điểm, cách hiểu và cách tiếp cận. Nhà ở xã hội là câu chuyện từ thiện, rẻ mạt, có cũng như không. Đây là quan điểm sai lệch, cần thay đổi. Bên cạnh đó là vướng mắc về cơ chế, chính sách, quy trình thủ tục và không thực thi; quy hoạch và quỹ đất "vừa thiếu, vừa thừa", giải phóng mặt bằng rất khó khăn; nguồn vốn chưa bền vững; lợi nhuận từ các dự án nhà ở xã hội chưa thu hút nhà đầu tư. Mặt khác, vướng mắc về trình tự, thủ tục mua, thuê nhà ở xã hội; hoạt động thanh kiểm tra phức tạp; doanh nghiệp chưa đầu tư vào công nghệ; không biết, không dự báo được nhu cầu”, ông Cấn Văn Lực cho hay.
Là một doanh nghiệp đầu tư nhà ở xã hội, ông Lê Hữu Nghĩa, Giám đốc Công ty bất động sản Lê Thành cũng chia sẻ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện.
Vướng mắc đầu tiên là câu chuyện điều chỉnh quy hoạch, mất rất nhiều thời gian ở khâu này. Doanh nghiệp của ông đã phải mất 4 năm để xin điều chỉnh từ 12 tầng lên 14 tầng. Tuy nhiên, thời gian gần đây, dự án của công ty đã được tháo gỡ, tiến độ được đẩy nhanh khi được các sở, ngành thành phố vào cuộc.
Một vấn đề nữa là khâu chấp thuận đầu tư, xin ý kiến các sở ngành rất lâu, có khi 6 tháng không thấy trả lời. Theo ông Nghĩa, cần đột phát ở những khâu này cũng như đột phá từ phía chuyên viên-những người trực tiếp xử lý hồ sơ của doanh nghiệp.
Về vấn đề vốn, ông Nghĩa cho hay, đã từng nghe nhiều về gói vay ưu đãi này, ưu đãi kia nhưng mới chỉ nghe trên báo, trên ti vi chứ thực tế chưa thấy đâu. Trong khi đó, lãi suất cho vay xây dựng nhà ở xã hội là 14%, gần đây giảm còn 12%. Mức lãi vay như vậy là quá cao, không phù hợp với nhà ở xã hội.
“Về trách nhiệm của doanh nghiệp, cần phải đảm bảo tiến độ, đảm bảo giao căn hộ đúng thời gian cho người mua. Bởi sự chậm trễ của doanh nghiệp, chủ đầu tư trễ thì người mua nhà vừa phải tiếp tục thuê nhà ở, vừa phải đóng lãi vay ngân hàng. Về phía người lao động, người mua cần chuẩn bị tâm lý, có sự chuẩn bị cần thiết, nhà ở xã hội không thể nằm ở trung tâm thành phố được”, ông Lê Hữu Nghĩa cho hay.
Đồng quan điểm, ông Ngô Quang Phúc, Tổng Giám đốc Phú Đông Group cho rằng, cơ hội tiếp cận thông tin làm nhà ở xã hội còn hạn chế. Doanh nghiệp tự đi phát triển quỹ đất làm nhà ở xã hội thì không đơn giản vì thủ tục khó hơn nhà ở thương mại.
Doanh nghiệp cũng muốn làm nhà ở xã hội nhưng việc này không phải dễ. Nguồn vốn rất quan trọng, cơ hội tiếp cận quỹ đất cũng quan trọng nhưng lại gặp khó. Mong rằng các địa phương có nhu cầu cao về nhà ở xã hội nghiên cứu tạo ra quỹ đất để doanh nghiệp đấu thầu làm nhà ở xã hội. Khu đất xây nhà ở xã hội nên ở khu vệ tinh, cách khoảng 15 km. Doanh nghiệp tham gia đấu thầu và chúng ta sẽ có nguồn lực đầu tư nhà ở xã hội", ông Ngô Quang Phúc nói.
Cần có giải pháp gỡ khó về nhà ở xã hội cho người lao động
Ông Lê Văn Nghĩa, Ủy viên Đoàn Chủ tịch, Trưởng Ban Quản lý Dự án Thiết chế Công đoàn, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, trong quá trình triển khai các thiết chế công đoàn kết hợp với phát triển nhà ở cho công nhân gặp nhiều vướng mắc. Tổng liên đoàn đứng ra làm các thiết chế văn hóa để người lao động có khu vui chơi, thể dục thể thao và kết hợp với nhà đầu tư làm dự án nhà ở thì sẽ đồng bộ, giúp công nhân ổn định chỗ ở, nâng cao đời sống.
Tuy nhiên, thực tế khi doanh nghiệp vào, muốn xây nhà cao 15-20 tầng, cao hơn quy hoạch trước đó, dẫn đến điều chỉnh quy hoạch, thời gian rất lâu vì liên quan nhiều quy hoạch. Trong khi đó, chưa điều chỉnh quy hoạch thì chưa được chấp thuận đầu tư. Vì vậy ông Nghĩa cho rằng, quy hoạch tổng thể phải rộng ra, nhiều nơi quy hoạch nhà ở xã hội 5 tầng thì không đảm bảo thu hút dầu tư.
Ngoài ra, các dự án nhà ở cho công nhân cũng vướng mắc ở khâu giải phóng mặt bằng. Mặt dù quy hoạch xong rồi nhưng mặt bằng chưa có cũng gây khó khăn trong khâu triển khai. Bên cạnh đó, thủ tục đầu tư nhà ở công nhân lại khá chậm trong khi nhà đầu tư muốn nhanh để tiết kiệm nguồn vốn đầu tư và sớm thu hồi vốn.
Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã làm việc với Bộ Xây dựng để thống nhất cho Tổng liên đoàn đứng ra xây dựng nhà ở cho công nhân. Trong khi chờ có hành lang pháp lý, Tổng liên đoàn mong Quốc hội cho nghị quyết riêng để thực hiện ngay và đẩy nhanh tiến độ làm dự án nhà ở cho công nhân...
Tại hội thảo, các chuyên gia đã đề ra một số giải pháp để tháo gỡ khó khăn về nhà ở xã hội cho công nhân, Đó là phải thay đổi quan điểm và cách tiếp cận. Phải coi đây là chính sách kinh tế nhân văn, mang ý nghĩa về kinh tế và an sinh xã hội. Cần xây dựng một đề án tổng thể, căn cơ, bài bản.
Cần tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thể chế, khung pháp lý. Cần nhanh chóng tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong khu quy hoạch, thủ tục xét duyệt và quỹ đất; Cần quyết liệt tạo lập nguồn vốn bền vững để phát triển nhà ở xã hội; Cần phát triển hệ thống thông tin, dữ liệu về nhà ở xã hội, ngăn ngừa các hành vi trục lợi chính sách nhà ở xã hội; Các nhà đầu tư cũng cần tính toán thiết kế nhà ở xã hội để giảm giá thành; Đề xuất cuối cùng là cần giảm lãi suất cho vay để người công nhân, người lao động có cơ hội “chạm tay” vào nhà ở xã hội./.