Thế giới qua đôi mắt trẻ tự kỷ
Những bức ảnh do chính trẻ em tự kỷ chụp thể hiện ước mong cuộc sống bình thường và hòa nhập cộng đồng của các em.
- Cộng đồng mạng hướng tới Ngày Thế giới nhận biết về tự kỷ
- Australia đạt bước đột phá trong chẩn đoán bệnh tự kỷ
- Trẻ sinh non và sinh thiếu cân dễ mắc chứng tự kỷ
- Đêm thơ ca Phạm Thiên Thư gây quỹ cho trẻ tự kỷ
- Phòng mạch online: Phát hiện và điều trị tự kỷ ở trẻ
Ngày 25/3, tại Nhà triển lãm 93 Đinh Tiên Hoàng, CLB Gia đình trẻ tự kỷ Hà Nội và Hội Người khuyết tật Hà Nội tổ chức Triển lãm ảnh “Qua đôi mắt em – Through my eyes”. Sự kiện này nằm trong chuỗi hoạt động hưởng ứng Ngày Thế giới nhận thức Chứng tự kỷ (2/4/2012).
Thế giới qua đôi mắt em
“Qua đôi mắt em” trưng bày các bức ảnh trẻ em tự kỷ chụp cuộc sống ở xung quanh mình, những khoảng khắc các em vui chơi, học tập, nô đùa cùng gia đình và bè bạn: chụp chiếc lồng chim, những chiếc gối xếp trong quán cà phê, con ngõ nhỏ với những chiếc xe ô tô,… Trong đó có bức ảnh thể hiện sự bối rối và chênh vênh trong tâm hồn: ảnh Vô đề - Lê Phạm Gia Hưng với tòa nhà cao ốc một cái thẳng, một cái chao nghiêng. Qua những bức ảnh này, có thể nhận thấy cách nhìn của các em về cuộc sống, về mong ước được hòa nhập với cộng đồng.
Các bức ảnh do chính tay trẻ em tự kỷ chụp. |
Bên cạnh đó, triển lãm còn tập hợp bài dự thi cuộc thi Viết về đề tài tự kỷ do chính bố mẹ các em viết. Các bức thư chứa đựng tâm tư, tình cảm của những ông bố, bà mẹ có con bị tự kỷ. Đó là nỗi đau, sự tuyệt vọng khi thấy con không thể nói năng, là những lần lật đật đưa đứa con bé bỏng, bị suy dinh dưỡng, đục thủy tinh thể, đi khám hết bệnh viện này đến bệnh viện khác.
Thư bố mẹ gửi cho các con tự kỷ. |
Một cậu bé thể hiện tình cảm với em trai bị tự kỷ. |
Tham dự triển lãm không khó để thấy hình ảnh các bậc cha mẹ dắt theo đứa con bị tự kỷ. Có em đứng một mình ở những góc khuất, có em hát suốt một mình, có em đã 21 tuổi, tay cấm túi bánh kẹo, cười ngơ ngẩn. Cha mẹ đứng bên cạnh các em, đa phần dỗ dành, nhưng cũng có những người đe nạt.
Nhiều em không chơi đùa mà chỉ đứng một mình. |
Chàng thanh niên 21 tuổi bị tự kỷ. |
Các em nhận quà của CLB. |
Đe nạt cũng là một cách để giảm những rối loạn hành vi của con, chị Ngân (thành viên lớp nhỏ CLB Gia đình trẻ tự kỷ Hà Nội) chia sẻ: “Cháu nhà tôi lúc 13,14 tháng tuổi vẫn bập bẹ nói và phát triển bình thường. Đến khi 16 tháng tuổi thì không thấy nói năng gì nữa, gọi không chú ý. Khi cháu 20 tháng tuổi tôi đưa đi khám và biết cháu bị tự kỷ. Con tôi có những hành vi rối loạn như đập đầu xuống đất, ăn vạ. Gần đây những hành vi này nhiều hơn và chuyển sang hét. Tôi thường chơi với con và “dập” những hành vi rối loạn của bé như lơ đi hành động ăn vạ của con, đe nạt mỗi khi cháu la hét.”
Em Hoàng (4 tuổi) con trai chị Ngân đang chơi xúc gạo, em hoàn toàn không để ý đến thế giới xung quanh. |
Chị Ngân cũng chia sẻ thêm lý do mình tham gia CLB Gia đình trẻ tự kỷ: “Từ khi phát hiện ra bệnh của cháu tôi có đưa con đến học các trung tâm dành cho trẻ tự kỷ, thời gian 1 tiếng/buổi nhưng quả thật thời gian đó không đủ. Những năm gần đây số lượng trẻ mắc bệnh tự kỷ tăng lên nhanh chóng, các bà mẹ sớm phát hiện ra bệnh của con mình, hoang mang rồi đưa con đi hết trung tâm này đến trung tâm khác. Tôi tham gia CLB này với mong muốn giúp đỡ được các bậc phụ huynh có những hướng đi đúng đắn bởi tôi chứng kiến nhiều trung tâm học phí cao nhưng chất lượng không đảm bảo, trang thiết bị sơ sài, phòng học diện tích hẹp nhưng dạy đến 9,10 cháu”.
Điều quan trọng là để trẻ tự kỷ chơi
Phát biểu tại triển lãm, bà Nguyễn Thị Hoàng Yến - Phó viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam cho biết: “Trẻ tự kỷ có ba khó khăn: tương tác xã hội, giao tiếp, tưởng tượng. Trẻ tự kỷ sợ chỗ đông người, ồn ào, các em luôn sống trong thế giới cứng nhắc. Có hai quan điểm trong cách dạy trẻ tự kỷ. Một là lôi các em ra khỏi thế giới của mình để hoà nhập. Hai là tạo một thế giới riêng cho các em như một số nơi tạo góc riêng để trẻ thoải mái làm bất cứ gì mình thích”.
Các em rất thích thú với trò chơi xúc gạo. |
Đối với trẻ tự kỷ, sự quan tâm của gia đình là điều quan trọng nhất, và sự quan tâm ấy cũng cần phải đúng cách. Các bậc cha mẹ thường đưa con đi khám bệnh, điều trị và không dành thời gian cho con đi chơi nhưng cách trị liệu tốt nhất cho trẻ về mặt giao tiếp, cảm xúc, kết nối với cha mẹ là chơi đùa. Nhiều khi chơi là việc rất khó khăn với trẻ, nên cha mẹ phải giúp trẻ tìm hiểu trẻ thích gì, cho trẻ chơi cái ấy (chơi xúc gạo, bể nước, lồng đèn, nghe nhạc,…). Sau đó bố mẹ để trẻ dắt mình vào, chỉ cho mình cách chơi, tham gia với con và có thể sửa đổi, hướng trẻ đổi các hoạt động chơi, kết hợp chơi và học.
Các bà mẹ lắng nghe chuyên gia hướng dẫn cách dạy con học. |
Ngoài buổi triển lãm ảnh “Thế giới qua đôi mắt trẻ tự kỷ” , CLB Gia đình Trẻ tự kỷ Hà Nội và Hội Khuyết tật TP Hà Nội còn tổ chức "Ngày Hội Xanh" dành cho trẻ em tự kỷ bao gồm các hoạt động triển lãm tranh, thi thể thao, văn nghệ (1/4) và "Đêm Nhạc Xanh – Light It Up Blue – Cùng thắp lên ánh màu xanh lơ vì trẻ em tự kỷ" (diễn ra vào đêm 1/4 và 2/4)./.