Thi ĐH năm 2012: Quy chế mới gây tranh cãi

Đề thi của 2 đợt thi ĐH với câu hỏi mở được dư luận đánh giá cao. Tuy nhiên, quy chế mới lại gây tranh cãi trong dư luận

Hai đợt thi ĐH của kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2012 được tổ chức vào ngày 4-5/7 (thi khối A, A1 và V) và ngày 9-10/7 (thi khối B, C, D và các khối Năng khiếu) vừa kết thúc. Chỉ vẻn vẹn trong 1 tuần diễn ra 2 đợt thi cũng để dư luận xã hội nhìn nhận và đánh giá về kỳ thi quan trọng này.

Cán bộ làm công tác thi phổ biến quy chế thi cho thí sinh tại Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh
Trước hết, có thể khẳng định, việc tiếp tục phát huy hiệu quả của thực hiện giải pháp “3 chung” (chung đề, chung đợt thi và chung kết quả xét tuyển) đã có từ 10 năm nay vào kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2012 là một chủ trương đúng đắn của Bộ GD-ĐT. Việc thực hiện giải pháp “3 chung” góp phần nhằm giảm kinh phí tổ chức thi, đỡ tốn kém cho các gia đình ở các vùng, miền đưa con em lên Hà Nội dự thi, cũng như giúp cho các trường dễ dàng chấm thi, xét tuyển hơn.

Để đảm bảo an toàn, nghiêm túc và khách quan cho kỳ thi, trong 2 đợt thi, các trường ĐH đã huy động gần 143.000 lượt cán bộ tham gia làm công tác coi thi. Bên cạnh sự huy động lực lượng cán bộ từ các trường và sự phối hợp với nhiều ngành chức năng khác, điểm mới của kỳ thi ĐH, CĐ năm nay là Bộ GD-ĐT đưa ra quy chế cho thí sinh được phép mang các thiết bị ghi âm, ghi hình nhưng không có tính năng để sử dụng gian lận trong thi cử vào phòng thi.

Theo đó, thí sinh chỉ được phép mang các thiết bị ghi âm, ghi hình nhằm phục vụ cho công tác phát hiện tiêu cực trong thi cử một cách có trật tự, đúng quy chế của Bộ GD-ĐT, chứ không được mang vào phòng thi thiết bị ghi âm, ghi hình có chức năng phát tán đề thi, thu thập tài liệu để phục vụ cho việc gian lận trong thi cử. Nếu thí sinh nào lợi dụng quy chế mới này của Bộ GD-ĐT để phá hỏng kỳ thi, gây mất trật tự trong phòng thi thì sẽ bị xử lý theo quy định của Bộ GD-ĐT.

Mục đích của Bộ GD-ĐT đưa ra quy chế mới này nhằm khuyến khích thí sinh phát hiện tiêu cực trong thi cử một cách khách quan, trung thực hơn, để hướng tới đảm bảo an toàn, khách quan và chống tiêu cực triệt để cho những kỳ thi tiếp theo.

Mặc dù quy chế mới này của Bộ GD-ĐT còn gây tranh cãi trong dư luận, đang cần phải có thời gian để xem xét có hiệu quả đến đâu cũng như những hạn chế như thế nào, nhưng có thể thấy, việc khuyến khích thí sinh phát hiện tiêu cực trong thi cử một cách đúng pháp luật là chủ trương đúng đắn của Bộ.

Từ trước đến nay, kỳ thi ĐH, CĐ nào cũng được thí sinh và xã hội đặc biệt quan tâm đến đề thi.

Theo đánh giá ban đầu của các chuyên gia, dư luận xã hội cũng như của thí sinh dự thi, đề thi ĐH năm nay đảm bảo bám sát chương trình sách giáo khoa THPT, phù hợp năng lực chung, đồng thời có khả năng phân hoá trình độ thí sinh. Đặc biệt, đề thi môn Văn học, ngoài được thí sinh đánh giá khá hay vì bao gồm những câu hỏi của những tác phẩm lớn như: Vợ chồng A Phủ, Chí Phèo, Vợ Nhặt, Tràng Giang, còn có thêm câu hỏi “mở”, đề cập  suy nghĩ của thí sinh về ý kiến: “Ngưỡng mộ thần tượng là một nét đẹp văn hóa, nhưng mê muội thần tượng là một thảm họa”.

Đề thi môn Địa lý được đánh giá là mang tính thời sự, với câu hỏi về tài nguyên biển đảo Việt Nam: "Chứng minh rằng vùng biển nước ta giàu tài nguyên khoáng sản và nguồn lợi sinh vật biển" và "Các huyện đảo Trường Sa, Hoàng Sa, Vân Đồn, Cồn Cỏ thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nào?". Đề thi khiến thí sinh rất hứng thú vì các em có thể trình bày ý kiến, thể hiện tư duy, đào sâu suy nghĩ những kiến thức xã hội của mình, chứ không phải nhớ chỉ nhiều diễn biến sự kiện, ngày tháng…

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga khẳng định: Việc ra đề thi theo hướng “mở” sẽ góp phần giảm hiện tượng “học tủ-học lệch”, “học vẹt”, yêu cầu thí sinh phải biết phát hiện vấn đề, có kiến thức xã hội rộng hơn.

Với cách thức ra đề cải tiến như năm nay, các trường ĐH cũng sẽ phân loại được trình độ học tập của thí sinh.

Thí sinh xem lại đề sau khi kết thúc môn thi

Vẫn còn nhiều thí sinh và cán bộ bị xử lý kỷ luật

Bên cạnh những mặt tích cực kể trên thì 2 đợt thi ĐH năm nay cũng đã bộc lộ những hạn chế điển hình. Đó là số lượng thí sinh và cán bộ tham gia công tác coi thi bị xử lý kỷ luật vẫn còn ở mức cao.

Theo báo cáo từ Bộ GD-ĐT, sau hai đợt thi, cả nước có 321 thí sinh bị xử lý kỷ luật, trong đó đình chỉ 253 thí sinh, khiển trách 44 thí sinh, cảnh cáo 13 thí sinh và 11 trường hợp khác đến muộn không được dự thi…

So với kỳ tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2011, lượng thí sinh vi phạm kỷ luật năm nay giảm 5 người, nhưng lượng thí sinh bị đình chỉ tăng thêm 13 trường hợp.

Tổng số cán bộ tham gia công tác thi tuyển sinh bị xử lý kỷ luật là 9; trong đó, khiển trách 5, cảnh cáo 1 và đình chỉ 3 (năm 2011 có 6 cán bộ vi phạm bị xử lý, trong đó khiển trách 1 và đình chỉ  5).

Số lượng thí sinh và cán bộ tham gia công tác coi thi bị xử lý kỷ luật vẫn còn ở mức cao đã cho thấy, nhiều thí sinh đã phớt lờ quy định của Bộ GD-ĐT trong việc nghiêm túc, trung thực trong kỳ thi; vẫn còn cán bộ coi thi chưa được tập huấn kỹ hoặc chưa thực sự chuyên tâm vào đảm bảo an toàn cho kỳ thi.

Ngoài ra, thông tin đang khiến dư luận hết sức quan tâm là trong những ngày qua, nhiều phương tiện thông tin đại chúng đưa tin, có sự việc lộ đề thi môn Toán do được truyền ra ngoài phòng thi bằng thiết bị công nghệ cao.

Ông Nguyễn Huy Bằng, Chánh Thanh tra Bộ GD-ĐT cho biết: Thông tin thí sinh phát tán đề thi Toán bằng thiết bị công nghệ cao ra ngoài ngoài phòng thi đang được Bộ GD-ĐT phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an điều tra. Khi nào có kết luận chính thức từ phía cơ quan công an, Bộ GD-ĐT sẽ thông tin đầy đủ đến các cơ quan thông tấn, báo chí.

Mặc dù vụ việc đang trong quá trình điều tra nhưng câu hỏi dư luận đặt ra là trước kỳ thi chỉ có vài ngày, Bộ đột ngột đưa ra quy chế mới, khiến không ít trường ĐH, CĐ bối rối trong việc phổ biến quy chế, tập huấn cho cán bộ làm công tác thi và coi thi.

Điều đáng nói là nếu như thí sinh sử dụng công nghệ cao để đưa đề thi ra ngoài phòng thì rất có thể sẽ sử dụng thiết bị công nghệ hiện đại để đưa bài giải từ ngoài vào phòng thi. Vấn đề này cũng đặt ra đối với Bộ GD-ĐT là cần xem xét cẩn thận, cân nhắc, tính toán kỹ lưỡng tính “2 mặt” mỗi khi đưa ra một quy chế mới trong kỳ thi Tuyển sinh ĐH, CĐ./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên