Thông tin nào cho nông dân?

Khi nói về một biện pháp khuyến nông nào đó thì phải ngay lập tức cung cấp luôn địa chỉ hay tài liệu mà nông dân có thể tiếp cận dễ dàng…

Rau xanh thành... rác thối 

Những ngày này, tại vùng rau Tây Tựu nổi tiếng của Hà Nội, rau xanh đang ế, phải đem đổ chất đống thành rác. Tại các huyện trồng rau của Nghệ An, như Hưng Nguyên, Nam Đàn,, Thanh Chương, Con Cuông... rau xanh cũng đang trong hoàn cảnh tương tự, ế ẩm, phải cho bò cho lợn ăn hoặc để thối rữa, đổ bỏ.

Cũng cách đây chưa lâu, hàng tấn cà chua của bà con nông dân khu vực Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng... khi thu hoạch xong bị ế thừa đến mức phải đổ trở lại xuống ruộng làm phân bón. Ngay như tại vùng rau Lâm Đồng – một trong những nơi cung cấp chủ yếu rau tươi cho TP HCM và để xuất khẩu cũng liên tục xảy ra thừa thiếu. Cà chua và nhiều loại rau cũng cùng từng phải bỏ tại ruộng không thu hoạch bởi công thu hoạch còn cao hơn giá bán rau.

Cách đây mới chừng hơn 3 tháng, tại Hà Nội do lụt lội phá hỏng rau nên nguồn cung khan hiếm, giá rau tăng mạnh đến mức không tưởng, rau xà lách lên đến năm sáu chục nghìn đồng một cân, rau muống lên đến vài chục nghìn đồng một mớ. Vậy mà giờ đây, rau xà lách chỉ còn vài nghìn đồng một cân, rau cải cúc thì chưa đầy một trăm đồng một mớ. Nhìn thấy cảnh này ai ai cũng đều xót ruột, nhưng có lẽ xót ruột thì cũng vậy thôi. 

Nông dân đơn độc?

Khi lượng rau được đưa ra thị trường quá lớn, cao gấp nhiều lần nhu cầu mà không được lưu thông đi nơi khác thì điều đó tất yếu xảy ra. Tình trạng này cũng giống như chuyện lúa gạo, con cá ở ĐBSCL, chuyện xuất khẩu cá sấu, chuyện đặc sản vải thiều.v.v… Thế nhưng, nhìn xa hơn, rộng hơn sẽ thấy đó là hệ quả tất yếu của việc sản xuất thiếu quy hoạch, thiếu thông tin.

Về chuyện này, Giáo sư Võ Tòng Xuân đã nêu một thực tế là “nông dân ta vẫn đơn độc”. Lâu nay ở Đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL), nông dân vẫn chọn giống lúa để gieo trồng theo phỏng đoán của các thương lái là sẽ bán được. Với cách làm như thế, khi thị trường từ chối nông sản đó thì chỉ có người nông dân là thua thiệt nặng.

Như chuyện năm ngoái loại lúa 50404 ế đọng mãi vì bị thị trường nước ngoài chê là hạt gạo bạc bụng. Rồi khi thấy con cá chẽm được giá, người dân xã Cam Hải Đông –huyện Cam Lâm, tỉnh khánh Hoà cũng đổ xô vào nuôi để rồi lại ứ đọng không bán được, hay chuyện nông dân miền Tây ào ạt nuôi cá sấu xuất khẩu rồi cũng tắc nghẽn đầu ra.v.v…

Tất cả chỉ vì không có thông tin, nông dân không biết thông tin và cũng không ai thông tin cho nông dân biết cần nuôi con gì, trồng cây gì, vào thời điểm nào, liều lượng ra sao, khả năng sẽ bán được ở đâu. Đơn giản nhất là quay trở lại chuyện trồng rau ở Tây Tựu - Hà Nội hiện giờ. Sau trận lụt hồi tháng 11 năm ngoái, nông dân Hà Nội khẩn trương khôi phục vụ sản xuất, được thành phố hỗ trợ hạt giống rau. Thế là ào ạt gieo trồng, hết đợt này đến đợt khác, lứa này sang lứa khác. Thế nên giờ rau mới ế.

Thậm chí đến mức có thời điểm, rau ra thị trường quá nhiều, ế hàng, lại chỉ có chuyên vài loại rau ít được người tiêu dùng lựa chọn, thì thành phố lại trả lời rằng chỉ hỗ trợ giống rau, còn trồng loại gì thì thành phố không có trách nhiệm.  

Nông dân không hẳn là đơn độc !

Thật ra, nông dân không hẳn là đơn độc. Với một đất nước có tỷ trọng sản xuất nông nghiệp khá cao trong cơ cấu kinh tế, rất nhiều chương trình, chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn được ban hành. Các chương trình khuyến nông, khuyến ngư được triển khai ở hầu hết các địa phương. Hội Nông dân có mặt ở khắp các vùng, miền. Hàng loạt cơ quan nghiên cứu về nông nghiệp nông thôn đang hoạt động. Hàng loạt phương tiện thông tin chung và dành riêng cho nông dân đang tồn tại và đang hoạt động. Ngay như năm ngoái, Chính phủ đã phải bỏ ra hàng nghìn tỷ đồng để hỗ trợ nông dân tiêu thụ lúa và cá ở ĐBSCL.

Tuy nhiên, trong thực tế nhiều chính sách, giải pháp, rồi các tổ chức, các phương tiện hỗ ấy chưa phát huy hết và chưa phát huy đúng hiệu quả, trong khi bản thân người nông dân cũng còn thiếu chủ động, hay nói mạnh hơn là thiếu năng động. Một trong những đặc tính của những người làm nông nghiệp truyền thống là có tâm lý đám đông, trào lưu.

Chả vậy mà chỉ cần nghe một loại thủy sản (như con cá chẽm ở Khánh Hoà) đang có giá là hàng loạt nông dân đổ xô vào nuôi để rồi chả biết bán cho ai. Chính yếu tố này gây ra những hậu quả xấu, mà để khắc phục thì rất vất vả và tốn kém. Như vậy nói nông dân đơn độc mà không hẳn là đơn độc là thế. 

Làm gì để giúp người nông dân tốt hơn?

Theo Ông Bùi Chí Bửu – Viện trưởng Viện khoa học kỹ thuật Nông nghiệp Miền Nam, người nông dân cần những thông tin thiết thực nhất, liên quan trực tiếp đến sản xuất kinh doanh của họ. Thế mà cho đến nay, thông tin được cung cấp cho họ lại dàn trải, không tập trung vào lợi ích mà người nông dân mong muốn.

Tổng Giám đốc Công ty Trung Nguyên- ông Đặng Lê Nguyên Vũ cũng cho rằng, thông tin cho nông dân phải là những thông tin trực quan. Ví dụ, khi các phương tiện thông tin đại chúng nói về một biện pháp khuyến nông nào đó thì phải ngay lập tức cung cấp luôn địa chỉ hay tài liệu mà nông dân có thể tiếp cận dễ dàng.

Đấy là chưa nói đến chuyện phải tuyệt đối chấm dứt kiểu thông tin thiếu chính xác, thậm chí sai sự thật khiến người nông dân thiệt hại như kiểu sữa bò có chất melamine hay ăn bưởi bị ung thư khiến sữa bò phải đổ xuống cống và bưởi đặc sản bị ế và vứt bỏ.  

Tại Hội nghị bàn về biện pháp phát triển cá tra ở ĐBSCL mới đây, ông Huỳnh Thế Năng - Chủ tịch UBND tỉnh An Giang cũng nhắc đi nhắc lại rằng, cho dù giá cá đang tăng trở lại nhưng nông dân chỉ nên tiếp tục đào ao nuôi cá khi đã nắm chắc trong nay đầu mối tiêu thụ cá và việc nắm chắc mối tiêu thụ này phải được ràng buộc chắc chắn bằng những quy định của các văn bản pháp luật.

Đấy chính là một biểu hiện của việc nắm chắc thông tin. Có nghĩa là thông tin cho nông dân cần phải thực tế và sát sườn. Có như thế mới tránh được tình trạng rau quả ế ẩm phải đổ bỏ, cá lúa tồn đọng không biết mang đi đâu... Có như thế nhà nước mới không tốn hàng nghìn tỷ đồng để khắc phục hậu quả của sự thiếu thông tin hay thông tin không chính xác như vậy./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên