Tiền lương ở Việt Nam còn quá thấp!
VOV.VN -Theo ILO, tiền lương ở Việt Nam duy trì ở mức thấp hơn rất nhiều so với các nền kinh tế phát triển, thua kém ngay cả nhiều quốc gia láng giềng.
Báo cáo Tiền lương Toàn cầu 2014-2015 của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) công bố ngày 5/12 cho thấy, tăng trưởng tiền lương trên toàn thế giới vào năm 2013 đã giảm xuống mức 2%, so với mức 2,2% của năm 2012 và tới nay vẫn chưa bắt kịp mức 3% của giai đoạn tiền khủng hoảng. Tốc độ tăng trưởng khiêm tốn này chủ yếu có được nhờ các nền kinh tế G20 mới nổi, khu vực có mức tăng lương đạt 6,7% năm 2012 và 5,9% năm 2013. Ngược lại, ở các nền kinh tế phát triển, tốc độ tăng lương trung bình dao động ở mức 1% mỗi năm từ 2006 và rồi giảm dần xuống chỉ còn 0,1% năm 2012 và 0,2% năm 2013.
Bà Sandra Polaski, Phó Tổng Giám đốc phụ trách về chính sách của ILO cho biết: “Tốc độ tăng lương đã giảm xuống mức gần 0 trong nhóm các nước phát triển trong hai năm vừa qua, trong đó một số quốc gia thậm chí còn có tình trạng giảm lương. Điều này ảnh hưởng đến tình hình kinh tế nói chung, dẫn đến việc nhu cầu tiêu dùng hộ gia đình ở hầu hết các nền kinh tế nói trên bị chững lại và làm tăng nguy cơ giảm phát ở khu vực đồng Euro.
Báo cáo cũng thể hiện sự chênh lệch lớn ở mức tăng lương giữa các nước đang phát triển thuộc các nhóm khu vực khác nhau. Ví dụ, năm 2013, tiền lương tăng 6% ở châu Á và 5,8% ở Đông Âu và Trung Á, nhưng chỉ tăng 0,8% ở châu Mỹ Latin và vùng Caribe. Tại Trung Đông, tiền lương tăng 3,9%, nhưng ở châu Phi, tốc độ tăng chỉ ở mức 0,9%, mặc dù số liệu tại các khu vực này chưa được thống kê đầy đủ.
Làm gia tăng bất bình đẳng
Tiền lương đang là nguồn thu nhập chính của các hộ gia đình tại các quốc gia phát triển, mới nổi và đang phát triển, đặc biệt là trong nhóm các gia đình trung lưu. Trong khi đó, 10% số hộ gia đình có thu nhập cao nhất và 10% số hộ thu nhập thấp nhất lại phụ thuộc nhiều hơn vào các nguồn thu nhập khác. Ở các nền kinh tế phát triển, tiền lương thường chiếm khoảng 70 đến 80% thu nhập của các hộ gia đình có ít nhất một thành viên trong độ tuổi lao động.
Tại các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển, nơi công việc tự làm phổ biến hơn, đóng góp của tiền lương đối với thu nhập hộ gia đình thường nhỏ hơn. Tiền lương chiếm khoảng 50% đến 60% thu nhập hộ gia đình ở Mexico, LB Nga, Argentina, Brazil và Chile và khoảng 40% ở Peru, hoặc 30% ở Việt Nam.
“Ở nhiều nước, bất bình đẳng xuất phát từ thị trường lao động, đặc biệt là trong phân phối tiền lương và việc làm” - chuyên gia về thống kê kinh tế và tiền lương của ILO, Rosalia Vazquez-Alvarez, đồng thời là một tác giả của báo cáo cho biết.
Những xu hướng bất bình đẳng gần đây mang nhiều tính chất hỗn tạp, nhưng ở phần lớn các quốc gia nơi bất bình đẳng đang gia tăng, như Hoa Kỳ hay Tây Ban Nha, sự thay đổi về tiền lương và việc làm đang là nguyên nhân chủ yếu. Ngược lại, ở những nước mà bất bình đẳng đã được thu hẹp, như Brazil, Argentina, hay LB Nga, tiền lương và sự gia tăng số lượng việc làm đang là nhân tố thúc đẩy cải thiện tình trạng bất bình đẳng.
Tiền lương ở Việt Nam: Còn chặng đường dài
Trong vòng hai năm trở lại đây, mặc dù đạt được chuyển biến chung tích cực, nhưng tiền lương ở Việt nam vẫn tiếp tục duy trì ở mức thấp hơn rất nhiều so với mức lương ở các nền kinh tế phát triển và thua kém ngay cả nhiều quốc gia láng giềng. Giữa các quốc gia ASEAN, lương tháng trung bình trong năm 2012 của Việt Nam (ở mức 3,8 triệu đồng, hay 181 USD) chỉ cao hơn so với Lào (119 USD), Campuchia (121 USD) và Indonesia (174 USD). Trong khi đó, mức lương này chỉ bằng khoảng một nửa so với Thái Lan (357 USD), chưa bằng 1/3 của Malaysia (609 USD) và chỉ bằng khoảng 1/20 của Singapore (3.547 USD).
Theo Điều tra Lao động Việc làm 2013, ngành đạt mức lương cao nhất là “hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm” với mức lương tháng trung bình là 7,23 triệu đồng. Các ngành hoạt động chuyên môn, khoa học, công nghệ là 6,53 triệu đồng và “hoạt động kinh doanh bất động sản” 6,4 triệu đồng. Trong khi đó “hoạt động làm thuê các công việc trong các hộ gia đình” có mức lương tháng thấp nhất, ở mức 2,35 triệu đồng, tiếp đến là nhóm ngành “nông, lâm, thủy sản” với mức lương trung bình 2,63 triệu đồng.
Ông Gyorgy Sziraczki, Giám đốc ILO tại Việt Nam cho biết: “Khoảng cách chênh lệch lớn về tiền lương giữa các quốc gia ASEAN phản ánh sự khác biệt lớn trên nhiều phương diện, trong đó có năng suất lao động. Những quốc gia ứng dụng công nghệ mới, đầu tư vào cơ sở hạ tầng, khuyến khích cải cách cơ cấu và cải thiện kỹ năng nguồn nhân lực, cũng là những quốc gia tạo ra nền tảng cho doanh nghiệp hoạt động hiệu quả hơn – và chuyển dịch sang những hoạt động mang lại giá trị gia tăng cao hơn”.
Theo ILO, mặc dù lao động làm công ăn lương hiện nay chỉ chiếm 34,8% trên tổng số lao động có việc làm tại Việt Nam, thấp hơn rất nhiều so với mức trung bình trên 50% của thế giới, nhưng tỷ lệ này được dự kiến sẽ gia tăng nhanh trong các thập kỷ tới./.