Tiền thu phí ô tô đi vào nội đô ở Hà Nội dùng để làm gì?
VOV.VN - Giám đốc Sở GTVT Hà Nội khẳng định: Thu phí ô tô vào nội đô không nhằm nộp vào ngân sách mà đây là biện pháp kinh tế để tác động đến hành vi của người tham gia giao thông, góp phần giảm lượng xe đi vào khu vực nội đô!
Những ngày qua, câu chuyện thu phí phương tiện cơ giới vào nội đô Hà Nội để góp phần hạn chế ùn tắc giao thông lại thu hút sự quan tâm của dư luận về tính khả thi cũng như các điều kiện kèm theo để triển khai. Trong khi vận tải hành khách công cộng chưa đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân, việc Sở GTVT Hà Nội lập đề án thu phí ôtô vào nội đô khiến nhiều người băn khoăn.
Điều khó hiểu nhất là việc thu phí (thuế) của người dân (đi ô tô) nếu để nộp vào ngân sách thành phố, để phát triển hạ tầng giao thông, đầu tư các công trình công cộng....phục vụ nhu cầu của người dân đã đành. Nhưng mới đây, trả lời báo chí, ông Vũ Văn Viện - Giám đốc Sở GTVT Hà Nội khẳng định: Thu phí ô tô vào nội đô không nhằm nộp vào ngân sách mà đây là biện pháp kinh tế để tác động đến hành vi của người tham gia giao thông, góp phần giảm lượng xe đi vào khu vực nội đô?!
Nhiều người đặt câu hỏi, vậy ngân sách thành phố phải bỏ ra gần 3.000 tỷ đồng để lập 87 trạm thu phí, phát sinh thêm cả trăm nhân sự vận hành hệ thống mà thu phí lại không nộp vào ngân sách thì thu để làm gì?
Thu phí không nhằm nộp ngân sách
Cụ thể, ông Vũ Văn Viện phân tích, qua nghiên cứu cho thấy, nếu thành phố không hạn chế phương tiện cá nhân thì không thể phát triển vận tải hành khách công cộng.
“Do đó, việc thu phí này là cần thiết, là một trong những giải pháp để giảm ùn tắc giao thông và không làm tăng chi phí xã hội. Từ năm 2017, HĐND thành phố Hà Nội đã thông qua Nghị quyết 04/2017 với 37 nhiệm vụ đồng bộ để quản lý phương tiện, giảm ùn tắc giao thông”, ông Viện lý giải.
Tuy nhiên, kết cấu hạ tầng giao thông vận tải chưa đồng bộ theo quy hoạch, các tuyến đường vành đai 1, 2, 3 được đầu tư chưa hoàn chỉnh, tuyến vành đai 4, vành đai 5 chưa được đầu tư. Các tuyến đường sắt đô thị đều chậm tiến độ. Tỷ lệ vận tải hành khách công cộng chưa đạt yêu cầu đề ra. Tình trạng ùn tắc giao thông vẫn diễn biến phức tạp, nhất là vào giờ cao điểm và các dịp lễ, Tết.
Theo ông Vũ Văn Viện, muốn giảm ùn tắc giao thông thì phải thực hiện đồng bộ các nhóm giải pháp, trong đó có nhóm giải pháp hạn chế xe máy ở một số khu vực vào năm 2030 và thu phí xe ô tô vào nội đô. Mỗi nhóm giải pháp tác động vào một nhóm đối tượng nhất định nhằm mục tiêu thay đổi hành vi tham gia giao thông.
Lãnh đạo Sở GTVT thông tin, theo tính toán, việc thu phí sẽ tác động thay đổi hành vi tham gia giao thông của người dân, chuyển từ phương tiện cá nhân sang vận tải khách công cộng. Đây cũng là cách nhiều thành phố lớn trên thế giới đang áp dụng và phát huy hiệu quả.
“Việc thu phí không nhằm mục đích tăng ngân sách, mà mục tiêu chính là để hạn chế những chuyến đi không cần thiết từ khu vực ngoài vành đai 3 vào trung tâm, qua đó, hạn chế ùn tắc giao thông. Theo tính toán, nếu đề án này được thực thi, sẽ giảm khoảng 20% lượng phương tiện đi vào khu vực trung tâm”, ông Vũ Văn Viện thông tin.
Giám đốc Sở GTVT Hà Nội khẳng định: Nếu HĐND thành phố Hà Nội ban hành nghị quyết vào cuối năm nay, UBND thành phố sẽ xây dựng dự án đầu tư và phương án quản lý, lộ trình và thời gian cần thiết để thực hiện. Dự kiến, nếu triển khai tích cực, có thể hoàn thành dự án đầu tư trước năm 2024, trình mức thu và chính sách cụ thể công khai, minh bạch để bắt đầu thu phí từ năm 2024.
Lãng phí và đi ngược quy luật phát triển
Theo nhà báo Phạm Trung Tuyến – Phó Giám đốc Kênh VOV Giao thông Quốc gia (Đài Tiếng nói Việt Nam), Đề án thu phí ô tô vào nội đô Hà Nội được công bố, đã có hàng loạt vấn đề đã được đặt ra: Tác động trực tiếp tới sinh kế của người dân; Liệu có làn sóng nhiều doanh nghiệp có rút khỏi Hà Nội vì lưu thông khó khăn; tiền người dân trả phí phương tiện người lao động hay doanh nghiệp chịu...?
Đấy là còn chưa kể tới việc thu phí ô tô vào nội đô Hà Nội sẽ tác động thế nào tới giá vé xe khách và liệu giải pháp này có thực sự làm giảm ùn tắc giao thông?
Cần khẳng định, việc thu phí ô tô vào nội đô Hà Nội ảnh hưởng rất lớn tới những người lao động có nhà ở ngoại thành, hàng ngày đi ô tô vào nội đô để làm việc. Vì đặc thù của công việc, mỗi ngày người lao động phải đi lại nhiều lượt, sẽ phải bỏ ra số tiền cả trăm ngàn đồng cho mỗi ngày đi làm và về nhà?
“Liệu rằng, Hà Nội có xảy ra một cuộc di dân vào nội đô để đỡ tốn chi phí, giá nhà, bất động sản nội đô có "sốt nóng" hay không. Trong khi đó, Hà Nội đang xây dựng chủ trương, phương án giãn dân, điều này sẽ "phá nát" mục tiêu giãn dân của TP.Hà Nội”, nhà báo Phạm Trung Tuyến phân tích.
Cùng quan điểm, ông Bùi Danh Liên -Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội cho rằng, Sở GTVT Hà Nội đặt mục tiêu thu phí ô tô vào nội đô nhằm giảm ùn tắc giao thông, người dân sẽ chuyển sang đi phương tiện công cộng. Vậy, số tiền hơn 2.600 tỷ đầu tư hệ thống thu phí thông minh, nhưng đường vẫn tắc thì ai chịu trách nhiệm?
Bên cạnh đó, hạ tầng giao thông Hà Nội còn yếu kém, phương tiện vận tải công cộng chưa đáp ứng được như kỳ vọng. Sở GTVT Hà Nội đặt mục tiêu giảm ùn tắc giao thông, nhưng trái ngược, Sở GTVT lại đang lấy lòng đường của nhiều tuyến phố để cấp phép cho hàng loạt các doanh nghiệp làm điểm trông giữ xe.
“Trong tương lai Hà Nội cần dồn tiền đầu tư các tuyến metro, xe buýt để đến năm 2030 có thể từng bước cấm xe máy, thu phí ô tô cá nhân. Ngoài ra, khi thực hiện thu phí phương tiện vào nội đô, Hà Nội phải dành quỹ đất làm các bãi đỗ xe đi kèm mạng lưới giao thông công cộng để phục vụ người dân ngoại tỉnh khi vào nội đô có thể gửi xe cá nhân, chuyển sang đi sử dụng các phương tiện giao thông công cộng”, ông Liên nói.
TS. Nguyễn Hữu Đức, chuyên gia giao thông cho rằng, từ đề án này đưa vào thực hiện còn phải xem xét đánh giá nhiều yếu tố như: Tác động tới an sinh xã hội; Tác động kinh tế thu hút đầu tư; Tác động tới giao thông; Tác động tới kỹ thuật hạ tầng ranh giới thu phí; Công nghệ thu phí...
"Việc thu phí ô tô vào nội đô Hà Nội tác động tới toàn thể xã hội chứ không riêng gì các phương tiện của Hà Nội. Vì Hà Nội là thủ đô của đất nước lượng phương tiện hàng ngày từ các địa phương tới Hà Nội cũng rất lớn. Trong khi, hệ thống phương tiện công cộng còn nhiều hạn chế", TS. Đức phân tích.
Theo TS. Đức, vấn đề cần tính tới nữa là hàng ngày người lao động đi vào nội đô bị mất phí ai sẽ chịu trả phí cho họ, liệu có xảy ra trường hợp người dân không đi ô tô nữa mà quay trở lại đi xe máy cá nhân. Như vậy, phát triển xã hội có bị thụt lùi đi không?
"Việc thu phí ô tô vào nội đô Hà Nội liệu có thực sự giảm ùn tắc hay không, Sở GTVT lấy dẫn chứng một số nước thu phí ô tô, nhưng thực tế không phải nước nào cũng thực hiện thành công. Không phải cứ nước ngoài làm được là đưa về áp dụng, mà còn phải đánh giá xem có phù hợp với văn hoá, sự phát triển của TP.Hà Nội hay không?", TS Đức cho biết.
Để hạn chế phương tiện cá nhân, theo nhà báo Phạm Trung Tuyến, cách dễ nhất là tiếp tục chia đường cho xe công cộng (bao gồm bus, taxi, xe hợp đồng). Xoá bỏ tất cả các điểm đỗ xe trên lòng đường, vỉa hè. Quyết định có hiệu lực sau 1 năm để nhân dân tìm cách bán xe, và các nhà sản xuất, phân phối ô tô thay đổi chiến lược.
Hơn nữa, người đứng đầu TP Hà Nội cần làm ngay: Bỏ việc cho phép lấy lòng đường, vỉa hè làm bãi trông giữ xe.
“Vì việc lấn chiếm lòng đường, vỉa hè đang gây ra tình trạng ùn tắc, “tiêu diệt” phương tiện công cộng, làm nản lòng các nhà đầu tư muốn làm giao thông tĩnh, đặc biệt là hạn chế người dân vận động bằng cách đi bộ, hoặc xe đạp. Còn nếu TP Hà Nội quyết tâm xây hàng trăm trạm thu phí, rồi vận hành nó là cả một “đống tiền”. Dù tiền lấy từ nhu cầu đi lại của dân thì cũng là nguồn lực xã hội. Và “đẻ” ra thêm một đống việc làm nhưng không mang lại giá trị phát triển thì sẽ “tác dụng ngược” mà thôi”, nhà báo Phạm Trung Tuyến nói.
Nếu chỉ để hạn chế phương tiện cá nhân thì lập gần trăm cái trạm thu phí quanh Hà Nội thực sự là một tối kiến!