Xây dựng đại dương xanh sẽ bảo vệ được sinh kế, cuộc sống của con người
VOV.VN - Cần thiết phải xây dựng một đại dương xanh, từ đó sẽ giúp bảo vệ được sinh kế, cuộc sống của con người.
Tổ chức Khí tượng thế giới lấy ngày 23/3 hàng năm làm ngày Khí tượng thế giới. Năm 2021, Tổ chức Khí tượng thế giới đã chọn chủ đề “Đại dương, khí hậu và thời tiết của chúng ta” để truyền tải thông điệp tới tất cả mọi người trên toàn cầu về việc kết nối đại dương, khí hậu và thời tiết trong hệ thống trái đất; đánh dấu sự khởi động của thập kỷ khoa học đại dương vì sự phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc (2021-2030).
Nhân dịp này, phóng viên VOV phỏng vấn GS Trần Hồng Thái - Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng - Thủy Văn, Bộ Tài nguyên và Môi trường.
PV: Thưa ông, chủ đề của Ngày Khí tượng thế giới năm nay là “Đại dương, khí hậu và thời tiết của chúng ta”. Đây là những yếu tố rất được quan tâm, đặc biệt khi chúng ta luôn phải đối phó với những tác động của biến đổi khí hậu. Ông có thể nói rõ hơn về mối liên hệ giữa đại dương, khí hậu và thời tiết?
GS Trần Hồng Thái: Có một mối quan hệ rất lớn giữa đại dương và hệ thống khí hậu. Chủ đề của Tổ chức khí tượng Thế giới năm nay hưởng ứng một thập kỷ khoa học đại dương vì sự phát triển bền vững. Đại dương là môi trường để hình thành những cơn bão nhiệt đới. Nhiệt độ của đại dương quyết định cường độ của những cơn bão và như vậy nhiệt độ đại dương giúp chúng ta có thể dự báo, cảnh báo được những cơn bão và hậu quả do những cơn bão gây ra.
Chủ đề mà Tổ chức Khí tượng thế giới năm nay đưa ra cũng giúp chúng ta thấy rõ hơn sự cần thiết phải xây dựng một đại dương xanh, phát triển nghiên cứu khoa học về đại dương, sự quan tâm xã hội để bảo vệ được hệ thống khí hậu của chúng ta. Với vai trò là đại diện thường trực của Việt Nam tại tổ chức khí tượng thế giới, trong thông điệp của mình, Tổng Cục Khí tượng - Thủy văn đã đề nghị: Thứ nhất, nâng cao vai trò dự báo, cảnh báo biển để bảo vệ được sinh kế, cuộc sống người dân và hệ sinh thái biển. Thứ hai, cần phải có sự hợp tác Quốc tế trong việc nâng cao năng lực sản xuất bản tin dự báo thời tiết, cảnh báo thiên tai để giúp phát triển kinh tế biển và chúng tôi cũng đề nghị tổ chức Khí tượng thế giới xác định được mối quan hệ rất mật thiết giữa hệ thống khí hậu chúng ta với hệ thống sinh thái.
Nghiên cứu rất kỹ những thiệt hại thiên tai năm 2020 vừa qua cho thấy, mối quan hệ rất lớn giữa bảo vệ các hệ thống tự nhiên, hệ thống rừng với việc giảm nguyên nhân gây ra những thiên tai như bão, lũ quét, sạt lở đất và khi chúng ta bảo vệ được hệ thống tự nhiên này, sẽ giảm thiểu được những thiệt hại do thiên tai gây ra, hưởng ứng lời kêu gọi của Thủ tướng về việc trồng 1 tỷ cây xanh, nâng cao hiệu quả về phòng chống thiên tai, cũng như nâng cao vai trò của Việt Nam trong việc hưởng ứng lời kêu gọi của Tổ chức Khí tượng thế giới trong ngày Khí tượng thế giới năm 2021.
PV: Bộ Tài nguyên và Môi trường đã triển khai những hoạt động gì để hưởng ứng Ngày nước và khí tượng thế giới năm nay, thưa ông?
GS Trần Hồng Thái: Mỗi khi đến ngày 23/3, chúng tôi cũng có những hành động hết sức thiết thực. Chuẩn bị cho mùa thiên tai sắp tới, như mọi năm, chúng tôi sẽ tăng cường việc kiểm các trạm quan trắc hệ thống thông tin, truyền tin đến lực lượng dự báo để chuẩn bị sẵn sàng, làm sao trong mùa bão lũ năm nay và những năm tiếp theo, chúng tôi tiếp tục đưa ra bản tin hiệu quả, tin cậy, kịp thời để giúp giảm thiểu thiệt hại thiên tai. Đây là hành động kỷ niệm thiết thực nhất.
Bên cạnh đó, Việt Nam cũng cùng với Tổ chức Khí tượng thế giới và các nước trong khu vực cũng có những chương trình nghiên cứu, trao đổi thông tin để nâng cao năng lực dự báo, góp phần nâng cao vai trò vị thế của ngành khí tượng thủy văn. Việc tổ chức ngày Khí tượng thế giới không giới hạn là một buổi lễ kỷ niệm mà còn là cam kết của ngành Khí tượng Thủy văn trên Thế giới và Việt Nam trong công tác phục vụ cộng đồng.
PV: Sắp tới ngành Khí tượng thủy văn sẽ có những định hướng triển khai như thế nào nhằm nâng cao công tác dự báo cũng như cảnh báo thiên tai?
GS Trần Hồng Thái: Những năm qua, ngành Khí tượng - Thủy văn đã nhận được sự quan tâm đầu tư của Đảng, Nhà nước và Chính phủ. Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đã từng bước hoàn thiện và nâng cấp hệ thống mạng lưới quan trắc; nâng cao tỷ lệ các trạm quan trắc tự động và đã hình thành một hệ thống thông tin chuyên dùng, hệ thống các cơ sở dữ liệu tập trung của ngành khí tượng thủy văn. Bên cạnh đó, công nghệ dự báo có sự thay đổi mang tính chất đột phá để bản tin dự báo có độ tin cậy, tính kịp thời và hiệu quả cao đối với sự phát triển kinh tế xã hội.
Để làm việc đó, chúng tôi đặt ra mục tiêu đến năm 2030, ngành Khí tượng thủy văn của Việt Nam sẽ đạt mức của các nước phát triển khá trong khu vực và đến năm 2040-2045 chúng tôi sẽ phải đạt trình độ tiên tiến trên thế giới và đây là một mục tiêu mà tôi cho rằng rất khả thi và phù hợp.
Trong 3 năm qua, từ 2018 đến nay, Việt Nam đã được công nhận là một trong 7 trung tâm hỗ trợ dự báo khu vực và là trung tâm đào tạo, chuyển giao công nghệ về cảnh báo lũ quét, sạt lở đất. Trong thời gian tới, bên cạnh việc tiếp tục đầu tư, thay đổi phương thức hoạt động của các mạng lưới quan trắc, cần khắc phục tồn tại là mật độ mạng lưới quan trắc Việt Nam đang còn thưa, chỉ bằng 1/5 hoặc 1/10 so với các nước trong khu vực như Nhật Bản, Hàn Quốc.
Thứ hai, thời gian tới chúng tôi cố gắng đan dày các trạm quan trắc tự động, xen kẽ các trạm thủ công. Mặc dù đã xóa sổ được các trạm đo mưa với công nghệ rất lạc hậu bằng những trạm đo mưa tự động, nhưng việc nâng cao tăng cường mạng lưới trạm còn là một vấn đề mà chúng ta cần giải quyết, bằng cách chuyển đổi công nghệ, thay đổi phương thức hoạt động. Thay vì việc chúng ta xây dựng đầu tư và quản lý vận hành các trạm quan trắc thì trong năm qua chúng tôi đã mạnh dạn đề xuất với Chính phủ thay đổi phương thức, xã hội hóa các mạng lưới quan trắc khí tượng thủy văn và đến nay thì chúng ta đã bước đầu làm được một lượng tương đối lớn các trạm đo mưa tự động qua hình thức xã hội hóa.
Một lĩnh vực khác mà chúng tôi muốn tập trung đầu tư, đó là chúng ta phải từng bước hiện đại hóa mạng lưới truyền tin. Mạng lưới truyền tin hiện đại, kịp thời hoạt động ổn định và phải có mạng lưới truyền tin dự phòng để chủ động trong các tình huống xấu có thể xảy ra. Hiện nay chúng tôi đang xây dựng những mạng lưới thông tin mới và xây dựng cơ sở dữ liệu tập trung, không phải chỉ cho ngành khí tượng thủy văn mà cơ sở dữ liệu này còn là nguồn tài nguyên số hết sức dồi dào phục vụ cho các ngành kinh tế xã hội khác.
PV: Nhân dịp này, ông có thể chia sẻ đôi nét về những hoạt động hợp tác giữa ngành khí tượng thủy văn của Việt Nam với các nước trong khu vực và trên thế giới?
GS Trần Hồng Thái: Trong những năm vừa qua, ngành khí tượng thủy văn Việt Nam đã tận dụng cơ hội hợp tác quốc tế để nâng cao năng lực của mình tương đối hiệu quả. Chúng ta đã thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước là một thành viên hết sức chủ động của tổ chức Khí tượng thế giới cũng như các tổ chức khu vực. Chúng tôi đã đẩy mạnh hợp tác song phương với nhiều nước, rất hiệu quả như ngành khí tượng các nước như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Phần Lan... Qua đó chúng ta đã tiếp thu được rất nhiều công nghệ phục vụ dự báo, tiến tới hợp tác và hỗ trợ các nước bạn Lào, Campuchia trong lĩnh vực dự báo.
Việt Nam đã phần nào đã thực hiện tốt vai trò là trung tâm hỗ trợ dự báo khu vực. Hiện nay, chúng tôi đã thường xuyên cập nhật bản tin, thậm chí là tư vấn cho lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường của các nước như Lào trong công tác dự báo và phát triển lĩnh vực khí tượng thủy văn và qua đó chúng ta sẽ có thêm số liệu, có thêm sự phối hợp để có thể đưa ra những bản tin dự báo cảnh báo tốt hơn cho khu vực đồng bằng sông Cửu Long và khu vực sông xuyên biên giới.
Với các nước tổ chức đa phương thì kênh thông tin qua các tổ chức khí tượng thế giới, các trung tâm dự báo như của Nhật Bản, Hong Kong (Trung Quốc), Hoa Kỳ là một kênh thông tin rất tốt để khắc phục khó khăn khi Việt Nam không có mạng lưới quan trắc trên biển rộng lớn. Qua kênh thông tin này, khi bão lũ khó khăn, chúng ta có thể trực tiếp liên hệ để lấy thông tin của những cơn bão đi qua những khu vực khác nhau, có những thông tin đầu vào phục vụ cho việc dự báo bão trước khi cập bờ một cách chính xác và tin cậy hơn.
PV: Xin cảm ơn ông!./.