Bộ trưởng Trần Hồng Hà: “Trồng cây để sửa chữa những sai lầm của con người với tự nhiên"
VOV.VN - Bộ trường Bộ TN&MT nhấn mạnh: “Trồng cây vì một Việt Nam xanh cho các thế hệ hôm nay và mai sau cũng chính là sửa chữa, khắc phục những sai lầm trong ứng xử với tự nhiên trong suốt thời gian dài vừa qua”.
Phải có trách nhiệm với thế hệ mai sau
Hưởng ứng Giờ trái đất năm 2021 với chủ đề “Lên tiếng vì thiên nhiên” nhằm tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng về mối liên hệ giữa các tác động của con người với thiên nhiên và nguyên nhân của dịch bệnh, đặc biệt với đại dịch COVID-19. Bộ TN&MT phát động phong trào trồng cây xanh chắn cát, chống xói lở bờ biển, ngăn ngừa xâm nhập mặn, vệ sinh môi trường, sử dụng tiết kiệm điện và nước tại hộ gia đình, nhà máy, xí nghiệp, trong trường học và nơi công sở, sử dụng sản phẩm thân thiện môi trường, sản phẩm tái chế, giảm thiểu sử dụng sản phẩm nhựa…
Liên quan đến hoạt động này, Bộ trưởng bộ TN&MT Trần Hồng Hà cho biết, bối cảnh thế giới hiện nay đang phải nỗ lực chạy đua với thời gian để giải quyết những thách thức, khủng hoảng mang tính khẩn cấp toàn cầu như biến đổi khí hậu, suy giảm và mất đa dạng sinh học, ô nhiễm môi trường và dịch bệnh.
“Những thách thức và khủng hoảng đó nếu không có hành động kịp thời sẽ để lại những hệ luỵ vô cùng to lớn, không thể đảo ngược lên môi trường sống và sức khỏe của chính chúng ta hôm nay và các thế hệ mai sau, kèm theo đó tình trạng nghèo đói, bất bình đẳng và nguy cơ mất an ninh lương thực vì thế cũng ngày một thêm trầm trọng”, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết thêm.
Theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, ở Việt Nam, mỗi năm có khoảng 60.000 người chết liên quan đến ô nhiễm không khí. Quá trình đô thị hoá ở nước ta đang diễn ra khá nhanh với tỷ lệ đạt 38,4% và tính đến năm 2019, chúng ta đã có 833 đô thị và con số này sẽ còn tiếp tục gia tăng cùng với quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa, tạo ra sức ép lớn lên môi trường.
Trong khi đó, hệ thống cây xanh công cộng cấp đô thị chưa được quan tâm đầu tư thích đáng, tỷ lệ đất công viên cây xanh đô thị đạt rất thấp so với tiêu chuẩn. Đến nay, tại các thành phố lớn nhất của cả nước, trung bình tỷ lệ cây xanh vẫn còn chưa đạt mức quy định theo quy hoạch chung là 7m2/người khu vực nội thành, khoảng 12m2/người khu vực ngoại thành và 15m2/người theo tiêu chuẩn quốc tế.
Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho rằng, để cùng với thế giới nỗ lực vượt qua cuộc khủng hoảng khí hậu và đa dạng sinh học, tăng cường an ninh lương thực, nguồn nước, Việt Nam đã tích cực tham gia cam kết toàn cầu hành động vì thiên nhiên “Đoàn kết để đảo ngược mất đa dạng sinh học đến năm 2030 vì mục tiêu phát triển bền vững”. Với thông điệp “Vì một Việt Nam xanh”, Thủ tướng Chính phủ, đã khởi xướng Chương trình trồng 1 tỷ cây xanh trong 5 năm. Đây là Chương trình có ý nghĩa lớn, sẽ không chỉ phủ xanh đất trống, phục hồi hệ sinh thái của những vạt rừng trên mọi miền Tổ quốc mà còn làm bừng lên màu xanh cho mỗi góc phố, con đường, từng công sở, sân trường hay mỗi ngôi nhà nhỏ ở các khu đô thị và làng quê Việt Nam.
“Mỗi cây chúng ta ươm, trồng sẽ mang đến những mùa Xuân xanh tiếp theo cho đất nước Việt Nam tươi đẹp cũng như góp phần cho Trái Đất của chúng ta mãi luôn xanh tươi”, Bộ trưởng Trần Hồng Hà chia sẻ.
Trồng cây để sửa chữa những sai lầm trong ứng xử với tự nhiên
Bộ trưởng bộ TN&MT - Trần Hồng Hà cho biết, hàng năm con người phải chứng kiến những tác động nghiêm trọng ngày càng gia tăng do thiên tai và các hiện tượng thời tiết cực đoan kèm theo những hậu quả hết sức nặng nề, hơn ai hết chúng ta càng thấm nhuần ý nghĩa của việc trồng cây, phủ xanh đất trống, phục hồi hệ sinh thái của những vạt rừng trên mọi miền Tổ quốc.
“Trồng cây vì một Việt Nam xanh cho các thế hệ hôm nay và mai sau cũng chính là sửa chữa, khắc phục những sai lầm trong ứng xử với tự nhiên trong suốt thời gian dài vừa qua, đưa Việt Nam trở thành một tấm gương mẫu mực, một điểm đến hấp dẫn về cuộc sống hài hòa với thiên nhiên trên bản đồ thế giới”, bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh.
Đây cũng được xem là hành động thiết thực để thực hiện nhiệm vụ trọng tâm đã nêu trong Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng: “Quản lý chặt chẽ, sử dụng hợp lý, hiệu quả đất đai, tài nguyên; bảo vệ, cải thiện môi trường; chủ động, tích cực triển khai các giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu, thiên tai khắc nghiệt”. Qua đó góp phần tham gia cam kết toàn cầu hành động vì thiên nhiên “Đoàn kết để đảo ngược mất đa dạng sinh học đến năm 2030 vì mục tiêu phát triển bền vững” và tuyên bố về Thập kỷ phục hồi hệ sinh thái 2021-2030 của Đại hội đồng Liên hợp quốc.
Bộ Tài nguyên và Môi trường đã xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt Đề án phục hồi, phát triển hệ thống cây xanh với mục tiêu duy trì bền vững hạ tầng cây xanh, hệ sinh thái tự nhiên, phát triển bền vững đa dạng sinh học đô thị, hệ sinh thái cây xanh tại các khu vực xung yếu.
Theo đó, cây xanh sẽ được trồng dựa trên các căn cứ khoa học cụ thể, phù hợp với đặc điểm hệ sinh thái, đa dạng sinh học, thổ nhưỡng, nguồn nước, đáp ứng yêu cầu về chức năng cây xanh; theo quy trình đầy đủ về trồng, chăm sóc, bảo vệ. Phong trào trồng, bảo vệ cây xanh, bảo vệ môi trường và thiên nhiên sẽ được thực hiện thực chất, hiệu quả trong toàn xã hội, lan toả ý nghĩa đến tới từng cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân.
Vì vậy, sau khi Đề án hưởng ứng sáng kiến “Vì một Việt Nam xanh” được phát động triển khai, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã nhận được sự quan tâm và ủng hộ tích cực của nhiều tổ chức trong và ngoài nước, điển hình như Quỹ Thế giới về Bảo tồn thiên nhiên (WWF) thông qua Văn phòng WWF-Việt Nam cùng với nhiều doanh nghiệp và cá nhân. Đây chính là cơ sở chúng ta tin tưởng vững chắc và khẳng định sự thành công của Đề án.
Đồng thời, để tạo thuận lợi cho việc xác định địa điểm trồng, theo dõi việc quản lý và chăm sóc cây xanh sau khi được trồng, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã triển khai xây dựng Hệ thống quản trị cơ sở dữ liệu bản đồ cây xanh (Tree Map) trên điện thoại thông minh với các thông tin: loài cây, địa điểm, quy trình trồng, đặc tính sinh trưởng phát triển, quy trình chăm sóc, quản lý theo điều kiện hoàn cảnh của từng địa phương.
“Chúng ta đang vay mượn Trái Đất từ con cháu mình”
Bộ trưởng Trần Hồng Hà thông tin, với mục tiêu trở thành hệ sinh thái về quản lý cây xanh, bảo vệ môi trường, ứng dụng này sẽ giúp các cơ quan quản lý Nhà nước đánh giá hiện trạng phân bố cây xanh; xác định các khu vực, địa điểm trồng cây cụ thể; cập nhật kết quả trồng mới; giám sát quá trình sinh trưởng, phát triển; kết nối các địa chỉ cung cấp nguồn cây, quỹ đất trồng cây. Đồng thời, xác định được các khu vực xung yếu cần phục hồi hệ sinh thái, yêu cầu phòng hộ, ngăn chặn xâm nhập mặn, chống sa mạc hóa; quy hoạch hạ tầng cây xanh và chỉ tiêu hạ tầng xanh của địa phương.
Nhân kỷ niệm 25 năm Công ước Đa dạng sinh học và Ngày Đa dạng sinh học quốc tế 2018, Tổ chức UNESCO đăng tải câu ngạn ngữ của những người bản địa Mỹ “Chúng ta không thừa hưởng Trái Đất từ tổ tiên mà đang vay mượn của con cháu mình” như nhắc nhở chúng ta phải có trách nhiệm với các thế hệ tương lai, phải hành động để trả lại Trái Đất xanh, giàu sự sống.
“Với ý nghĩa đó, tôi mong muốn mỗi người dân ngay từ bây giờ hãy thực hiện việc trồng, bảo vệ cây xanh, coi đây như một món quà, thể hiện cam kết, trách nhiệm của thế hệ hôm nay gửi cho con cháu mai sau! Để hưởng ứng sáng kiến “Vì một Việt Nam xanh” nhằm phục hồi hệ sinh thái, nâng cao chất lượng môi trường. Nhân dịp này, tôi kêu gọi các hiệp hội, cộng đồng doanh nghiệp chung tay cùng Chính phủ, hưởng ứng tham gia các hoạt động quỹ vì Việt Nam xanh, tổ chức trồng cây xanh tại các cơ sở sản xuất, nhà máy, khu công nghiệp, dịch vụ,… góp phần cải tạo môi trường”, bộ trưởng Hà bày tỏ mong muốn.
Các quốc gia trên thế giới, các tổ chức quốc tế chung tay hành động cùng nhau bảo vệ, phục hồi các hệ sinh thái, thảm thực vật, đa dạng sinh học nhằm ứng phó với tình trạng khẩn cấp về biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường vì sự phát triển thịnh vượng chung của nhân loại.
Đề nghị các Bộ, ngành nghiên cứu hoàn thiện thể chế, chính sách về quy hoạch, chỉ tiêu cây xanh; các cơ chế, chính sách khuyến khích xã hội trồng và bảo vệ cây xanh, thụ hưởng các giá trị môi trường.
Các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạo rà soát quỹ đất, mức độ che phủ của cây xanh, lựa chọn các loài, giống cây phù hợp, ứng dụng công nghệ hiện đại trong chăm sóc và bảo vệ cây trồng; kịp thời biểu dương, tôn vinh, khen thưởng các điển hình tiên tiến, mô hình tốt, cách làm hay, sáng kiến có giá trị.
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các Tổ chức thành viên, các đoàn thể, tăng cường vận động toàn dân tích cực trồng cây phủ xanh đất trống, làm đẹp, làm xanh mát đường làng, ngõ xóm, khu dân cư, khu phố, trường học, bệnh viện, công sở.
Các cơ quan báo chí và các phương tiện truyền thông đại chúng tích cực tuyên truyền, phát hiện và biểu dương những tấm gương, mô hình, cách làm hiệu quả để tạo sức lan tỏa, thắp sáng nỗ lực chung của toàn xã hội./.