Từ vụ cháy quán karaoke ở Quan Hoa: Đừng để xảy ra thêm những nỗi đau
VOV.VN - Sự hy sinh cao cả của các chiến sỹ phòng cháy chữa cháy đem lại bình yên cho mọi người, nhưng sẽ là nỗi đau dai dẳng của những người ở lại, nhất là với người thân và những đứa con.
Từ chiều qua đến hôm nay, cả Hà Nội bàng hoàng, đau xót vì vụ cháy quán karaoke ở Quan Hoa (Hà Nội) đã cướp đi sinh mạng của 3 chiến sỹ phòng cháy chữa cháy (PCCC). Họ đã không trở về sau khi đã cứu sinh mạng 8 người trong đám cháy.
Mỗi khi Hà Nội có vụ cháy, mẹ Thượng tá Đặng Anh Quân (Đội trưởng Đội PCCC và Cứu nạn, cứu hộ Công an quận Cầu Giấy) lại lo thắt ruột. Tất cả những lần trước chỉ là "lo" thôi, nhưng lần này thì bà đã mất đi người con trai chịu thương chịu khó, con dâu bà thành góa phụ, các cháu của bà mồ côi bố.
Cùng hy sinh trong vụ cháy, hai đồng đội của Thượng tá Đặng Anh Quân đều ở tuổi đời còn rất trẻ. Thượng úy Đỗ Đức Việt sinh năm 1998 và Hạ sĩ Nguyễn Đình Phúc năm nay mới tròn 19 tuổi. Trên trang cá nhân của các chiến sỹ trẻ luôn đầy ắp sự yêu đời, yêu cuộc sống và yêu nghề. Hình ảnh Thượng úy Đỗ Đức Việt mặc bộ quần áo cứu hỏa, mồ hôi ướt đầm với chú chó đang mang thai được chính Việt cứu sống trong một vụ cháy cùng lời chia sẻ: "Chào cậu, nhân vật được tớ đưa ra khỏi vụ cháy ngày hôm nay. Cậu đang mang bầu phải không? Chúc cậu hạ sinh những chú cún thật đáng yêu, khỏe mạnh và cũng dũng cảm như cậu ngày hôm nay nhé" đã phần nào thể hiện tính cách của một người trẻ yêu cuộc sống, nhân ái và bao dung, quan tâm đến cả mạng sống của con vật.
19 tuổi, Hạ sĩ Nguyễn Đình Phúc vừa thi đỗ đại học, tạm gác lại giấc mơ giảng đường để hoàn thành nghĩa vụ quân sự. Nhưng giờ đây, ước mơ trở thành giáo viên ngoại ngữ của Phúc mãi mãi không được thực hiện.
Với những người lính cứu hỏa, họ đều biết rằng công việc thực sự nguy hiểm. Mỗi khi hỏa hoạn, mọi người lo thoát khỏi đám cháy thì họ lại phải lao vào để cứu người. Họ có thể lựa chọn những công việc khác nhẹ nhàng an toàn hơn, nhưng họ đã không làm như vậy.
Những người mẹ, người cha luôn canh cánh nỗi lo mỗi khi có hỏa hoạn, thậm chí còn lo lắng đến cả việc những đứa cháu của mình có thể trở nên mồ côi. Họ có quyền khuyên con em chọn công việc nhẹ nhàng hơn, nhưng họ cũng không làm như vậy.
Có lẽ, hơn hết thảy, những người lính và gia đình họ luôn nhận thức rõ trách nhiệm của mình với công việc, với cộng đồng. Cũng có lẽ vì thế, dù vất vả, nguy hiểm và trước lằn ranh của sự sống và cái chết, nhưng những người lính cứu hỏa luôn tỏa ra năng lượng tích cực trong đồng nghiệp, người thân và trên trang cá nhân của chính các anh.
Sự hy sinh cao cả của các chiến sỹ phòng cháy chữa cháy đem lại bình yên cho mọi người, nhưng sẽ là nỗi đau không nói thành lời đối với những người ở lại. Nỗi đau không chỉ ở thời điểm hiện tại mà còn dai dẳng.
“Trẻ cậy cha, già cậy con”, bố mẹ các anh sẽ mất đi nơi nương tựa vững chắc lúc về già. Người vợ trẻ sẽ vĩnh viễn mất đi người chồng thương yêu và đôi vai sẽ thêm nặng gánh khi từ nay về sau một mình phải lo toan mọi công việc trong gia đình cũng như chăm sóc, dạy dỗ những đứa con. Nhưng thương xót nhất vẫn là đứa trẻ mồ côi, sẽ không còn người cha yêu thương, chăm sóc đồng hành trong những chặng đường tiếp theo của cuộc đời.
Trong các vụ cháy, phần lớn là do sự bất cẩn, lơ là của con người. Rất nhiều vụ chỉ một phút bất cẩn của một hoặc vài người mà đánh đổi bằng sinh mạng của rất nhiều người, bằng cả cuộc sống của nhiều người và tương lai của nhiều đứa trẻ.
Nhiều vụ cháy bắt đầu từ một tàn lửa nhỏ. Giá như, ai cũng có thể thấu cảm được những nỗi đau như ngày hôm nay của những người ở lại để không tạo ra những tàn lửa nhỏ, thì có lẽ hậu quả sẽ không đau lòng đến thế./.