Từ vụ lật tàu hỏa ở Huế: Hiểm họa từ đường ngang dân sinh
VOV.VN -Vụ tai nạn lật tàu ở Huế lại gióng lên hồi chuông báo động về hiểm họa tại các đường ngang giao cắt đường sắt, nhất là đường ngang dân sinh.
Vụ tai nạn giao thông xảy ra ngày 20/2 tại đường ngang vượt đường sắt Bắc - Nam đoạn qua thôn Phước Hưng, xã Lộc Thủy, huyện Phúc Lộc tỉnh Thừa Thiên - Huế làm 3 người chết, đường sắt đứt mạch suốt 20 giờ đồng hồ. Hàng chục chuyến tàu bị chậm chuyến, hủy chuyến, lịch trình của hàng vạn hành khách bị đảo lộn.
Sau vụ tai nạn thảm khốc, người dân xã Lộc Thủy càng thêm lo sợ khi đi qua đường ngang vượt đường sắt. Khu vực xảy ra tai nạn là tuyến đường ngang dẫn vào mỏ đá Khe Diều.
Ông Trần Văn Hữu, Chủ tịch UBND xã Lộc Thủy cho biết, trên địa bàn xã có 3 đường ngang dân sinh thường xuyên xảy ra tai nạn. Xã đã kiến nghị Ban An toàn giao thông huyện Phú Lộc và ngành đường sắt có giải pháp lắp rào chắn, có gác và hệ thống cảnh báo an toàn.
Hiện trường vụ tai nạn đường sắt hôm 20/2 tại Huế khiến 3 người chết |
Theo ông Trần Văn Hữu, hiện mới có 1 đường ngang lắp gác chắn tự động vào nhà thờ Nước Ngọt: “Địa phương có làm tờ trình đề nghị nhưng việc giải quyết của các ngành liên quan, đặc biệt là đường sắt thì họ mới giải quyết được 1 đường có đèn tín hiệu có gác tự động. Còn 2 đường chưa có. Cả hai đường này cũng thường xảy ra tai nạn. Xã tiếp tục làm tờ trình đề nghị sớm có giải pháp lắp đặt đèn tín hiệu hoặc gác chắn tự động”.
Ông Trần Bá Trung, Thường trực Ban An toàn Giao thông tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, trên địa bàn tỉnh có 120 đường ngang nhưng chỉ có 60 đường ngang hợp pháp. Địa phương đã đề nghị ngành đường sắt khẩn trương nâng cấp hệ thống đường ngang, đường dân sinh bằng việc bố trí người gác chắn, lắp đặt các barie tự động và biển cảnh báo nhưng đến nay vẫn chưa triển khai.
Ông Trần Bá Trung đề nghị: “Năm 2016 và 2 tháng đầu năm nay, tai nạn giao thông đường sắt tăng cả 3 mặt. Vì vậy kiến nghị ngành đường sắt nâng cấp đường ngang từ không có người gác lên có người gác. Những vị trí chưa có đèn tín hiệu thì lắp đặt hệ thống đèn tín hiệu, còi chuông cảnh báo… Hiện nay, một số điểm cần thiết lắp đặt hệ thống cảnh báo tự động, cần chắn tự động. Cái này, kinh phí ngành đường sắt cần tập trung đầu tư”.
Còn tại tỉnh Bình Định, đường sắt Bắc - Nam địa qua dài gần 140km, thuộc 31 xã của 5 huyện, thị xã và thành phố Quy Nhơn. Lâu nay, tình trạng vi phạm hành lang an toàn giao thông đường sắt xảy ra khá phổ biến. Tại một số nơi, người dân tự ý cơi nới công trình phụ hoặc xây dựng trái phép trên hành lang an toàn đường sắt.
Công ty Quản lý Đường sắt Nghĩa Bình đã phối hợp với các ngành chức năng, chính quyền địa phương tiến hành cải tạo, nâng cấp các tuyến đường ngang hợp pháp theo quy chuẩn an toàn giao thông.
Ông Nguyễn Thái Linh, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Cổ phần Quản lý đường sắt Nghĩa Bình cho biết: “Hiện, vẫn còn hàng chục đường ngang dân sinh bất hợp pháp do người dân tự mở, hiện cả 2 tỉnh vẫn còn khoảng 65, 66 cái đường dân sinh”.
Hiện nay, tại tỉnh Quảng Nam có tới 80 đường ngang dân sinh bất hợp pháp do người dân tự ý mở, trong đó có 14 đường ngang xe ô tô cơ giới thường xuyên qua lại, dễ xảy ra tai nạn giao thông. Năm 2016, trên đoạn đường sắt này xảy ra 10 vụ tai nạn, làm chết 11 người, bị thương 4 người. Trong số 61 đường ngang dân sinh do ngành đường sắt quản lý chỉ có 25 đường ngang được cảnh báo bằng rào chắn, số còn lại chỉ gắn biển báo đèn tín hiệu.
Ông Trương Khuê, Chánh Văn phòng Ban An toàn giao thông tỉnh Quảng Nam lo ngại trước nguy cơ tiềm ẩn tai nạn giao thông đường sắt trên địa bàn tỉnh: “Ban An toàn giao thông tỉnh đã cùng với đơn vị quản lý đường sắt khảo sát lại các đường ngang trên địa bàn tỉnh để đề xuất giải pháp.
Trước mắt là các vi phạm về đường ngang thì phải nhanh chóng cấm ô tô, mô tô qua lại tại một số đường ngang bất hợp pháp mà người dân tự ý mở trong số 80 đường ngang bất hợp pháp ấy, nâng mức cảnh báo tại một số đường ngang nguy cơ cao bằng cảnh báo rào chắn”.
Theo Lãnh đạo Tổng Công ty đường sắt Việt Nam, đường sắt Bắc - Nam từ Quảng Bình đến Khánh Hòa vẫn còn hàng ngàn đường ngang dân sinh bất hợp pháp, dễ xảy ra tai nạn giao thông. Tổng Công ty đường sắt Việt Nam đã thành lập Trung tâm cứu nạn cứu hộ đường sắt khu vực II, tập trung thực hiện nhiệm vụ an toàn giao thông đường sắt, cứu nạn cứu hộ tai nạn đường sắt trong khu vực.
Theo ông Võ Tường Tri, Trưởng Phân ban quản lý kết cấu hạ tầng khu vực 2 Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam thì ngành đường sắt cố gắng giảm và không cho mở thêm đường dân sinh băng qua đường sắt, đóng những đường ngang bất hợp lý, đầu tư xây dựng đường gom dân sinh.
Ông Võ Tường Tri nói: “Chỗ nào địa phương bức xúc mà không cần thì chúng tôi rào chắn lại để cho phương tiện thôn đi lại, còn đường nào nguy hiểm mà địa phương có yêu cầu thì chúng tôi đề nghị có chắn gác. Hiện tại, chúng tôi cũng rà soát lại tất cả đường dân sinh bất hợp lý để xin kinh phí, làm đường gom hoặc phối hợp với địa phương cưỡng bức rào chắn lại”.
Thảm họa đường ngang dân sinh qua đường sắt tại các tỉnh miền Trung đã được cảnh báo từ nhiều năm nay. Thế nhưng sự phối hợp giữa ngành đường sắt với chính quyền các địa phương chưa thật quyết liệt. Trước hết, ngành đường sắt cần nâng cao trách nhiệm trong việc bảo đảm an toàn giao thông đường sắt, nhất là tại những nơi có đường ngang dân sinh./. Tai nạn đường sắt: Hơn 300 khách đi ô tô vào Huế
Vụ tàu hỏa đâm xe tải ở Huế: Nỗ lực trung chuyển hành khách trong đêm