Tưởng nhớ những người khơi nguồn dòng nước Đồng Cam

Trong tâm thức của người dân Phú Yên, công trình thủy nông Đồng Cam được ví như mạch máu quê hương, nuôi dưỡng đồng lúa Tuy Hòa.

Đã thành thông lệ, đến mùng 8 tháng Giêng hằng năm là đông đảo cán bộ, nhân dân Phú Yên lại về công trình đầu mối thủy nông Đồng Cam để tham dự Lễ hội Đập Đồng Cam và dâng hương tưởng niệm những người đã mất trong quá trình xây dựng công trình Đập Đồng Cam.

Đập Đồng Cam

Theo tài liệu do người Pháp để lại: Mơ ước dẫn nước sông Ba về tưới cho đồng bằng Tuy Hòa xuất hiện từ rất lâu. Ý tưởng này đã được người Chăm thực hiện 1 phần. Năm 1889, các kỹ sư người Pháp tiếp tục nghiên cứu cho đến năm 1904, đề tài nghiên cứu mới chính thức được thực hiện dưới sự hướng dẫn của kỹ sư Desbos. Nhưng bản thiết kế không được thực hiện vì lúc bây giờ chưa có kinh phí. Mãi đến năm 1920, kỹ sư Nordey tiếp tục thực hiện nhiệm vụ đầy ý nghĩa này dưới sự hướng dẫn của kỹ sư trưởng Lafevre. Vượt qua nhiều trở ngại trong quá trình thiết kế, đề án được phê duyệt vào ngày 30/11/1923. Trải qua 9 năm xây dựng và hoàn thiện, cuối cùng công trình thủy nông Đồng Cam được toàn quyền người Pháp Pasquier đọc diễn văn chính thức khánh thành vào ngày 7/9/1932.

Để hoàn thành công trình, những kỹ sư người Pháp và hàng nghìn công nhân đã phải sử dụng đến 5.350.000 ngày công lao động để đào 2 triệu m3 đất, phá 385.000m3 đá, thi công hơn 20.000m3 bê tông và hàng trăm khối gỗ, hàng trăm tấm thép. Toàn bộ công trình được xây lắp bằng đá granit, trong đó có hàng nghìn khối đá được đẽo gọt rất công phu với quy định hết sức nghiêm ngặt về kỹ thuật và tinh xảo về mặt mỹ thuật... Công trình thủy nông Đồng Cam hình thành, tạo thành một công trình để đời, vừa mang ý nghĩa quan trọng trong phát triển kinh tế nông nghiệp, vừa là công trình mỹ thuật, kỹ thuật tiêu biểu của Phú Yên.

Bia ghi danh những người đã mất khi xây dựng công trình thủy nông Đồng Cam

Công trình đầu mối thủy nông Đồng Cam gồm một đập dâng có chiều dài 680m, hai cống lấy nước và 2 cống xả cát ở hai đầu kênh chính bắc và nam cùng hệ thống 2 kênh chính Bắc và Nam có tổng chiều dài gần 70km. Trong điều kiện thi công khắc nghiệt, có 52 người đã hy sinh trong quá trình thi công công trình thủy nông Đồng Cam để nuôi dưỡng mạch máu quê hương. Hiện nay, nguồn nước từ công trình thủy nông Đồng Cam đã phục vụ tưới cho đồng lúa Phú Yên với diện tích tưới bình quân mỗi năm gần 35.000ha lúa thuộc các huyện Đông Hòa, Tây Hòa, Phú Hòa, thành phố Tuy Hòa và Tuy An.

Để phát huy hiệu quả của công trình thủy nông Đồng Cam trong giai đoạn hiện nay, ông Trần Tiến Anh, Giám đốc công ty TNHH một thành viên thủy nông Đồng Cam cho  biết: “Là hậu duệ và được phân công quản lý khai thác công trình, chúng tôi đang ra sức bảo vệ, phát huy hiệu quả công trình, phục vụ tốt sản xuất nông nghiệp của tỉnh Phú Yên và tiếp tục tôn tạo để xây dựng nơi đây thành một điểm đến hấp dẫn cho nhân dân và du khách trong và ngoài nước”.

Ông Nguyễn Khắc Huy ở Hà Tĩnh bày tỏ: “Tôi đã nghe về công trình thủy nông Đồng Cam, một công trình thủy lợi vĩ đại được xây dựng từ thời Pháp. Nhưng khi đến đây, tôi mới thật sự thán phục tài xây dựng của các bậc tiền nhân. Đây quả là một công trình ngăn sông vĩ đại và độc đáo của đất nước Việt Nam mà tôi biết đến. Đến đây, chứng kiến nhân dân thành kính thắp hương tưởng nhớ những người đã mất, tôi càng hiểu rõ hơn tầm quan trọng của công trình này đối với nông dân Phú Yên”.

Võ Chiến, một nông dân của huyện Phú Hòa cho biết: “Năm nào cũng vậy, cứ mùng 8 Tết là tôi tới đây để thắp hương tưởng nhớ những người đã hy sinh vì công trình thủy nông Đồng Cam. Đây cũng là lòng thành cầu cho mưa thuận gió hòa, để đồng lúa Tuy Hòa mãi mãi xanh tốt, nông dân được mùa, nhà nhà ấm no hạnh phúc”./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên