Vẽ Mẹ Việt Nam anh hùng là để tri ân

VOV.VN - Cách đây 15 năm, họa sĩ Đặng Ái Việt bắt đầu triển khai dự án “Hành trình Nét thời gian” với chiếc Charly cũ, vài bộ quần áo và thùng họa cụ. “Giờ đã thay đến chiếc xe thứ ba, tôi cũng đi hết 63 tỉnh, thành, vẽ hơn 3.000 bức tranh dành tặng các Mẹ Việt Nam anh hùng ở mọi miền đất nước", nữ họa sĩ chia sẻ.

Khắc họa những “tượng đài” Mẹ Việt Nam anh hùng

Họa sĩ Đặng Ái Việt cho biết, “Hành trình Nét thời gian” được lên ý tưởng khi bà còn là giảng viên Trường Đại học Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh. Khi ấy, chồng bà - NSND Phạm Khắc còn sống. Nghe vợ thủ thỉ sau này sẽ đi dọc miền đất nước vẽ tranh Bà mẹ Việt Nam anh hùng, ông lắc đầu, bảo bà hoang tưởng. Ông không muốn bà một mình rong ruổi khắp nơi ở tuổi xế chiều vì dọc đường ai biết có bao rủi ro đang rình rập. Vậy mà bà quyết tâm làm cho bằng được. Chỉ 3 năm sau lần vẽ Bà mẹ Việt Nam anh hùng đầu tiên, người phụ nữ yêu nghệ thuật ấy đã đi qua 63 tỉnh, thành trên chiếc xe cà tàng, hoàn thành gần 1.000 bức vẽ sống động, góp nhặt bao câu chuyện ấm áp thương yêu. Bà đặt tên cho hành trình ấy là: Tri ân.

Chọn hội họa để sáng tác dựa theo đề tài nhân chứng lịch sử là mẹ của các anh hùng, liệt sĩ, họa sĩ Đặng Ái Việt biết áp lực lớn nhất là thời gian nên phải khẩn trương ngay khi có thể. Thế nhưng, chưa bao giờ vì muốn làm nhanh mà bà bỏ qua khâu trò chuyện, lắng nghe ký ức của các mẹ. Dù đó là những câu chuyện không đầu, không cuối, dù người kể khi nhớ lúc quên, bà vẫn ngồi bên, nắm chặt tay và nhìn các mẹ bằng ánh mắt biết ơn, ngưỡng mộ.

“Mỗi mẹ đều mang đến một câu chuyện bi hùng. Được ngồi với các mẹ, ăn bữa cơm giản đơn, nghe chuyện ngày trước con mẹ chiến đấu ra sao, hy sinh thế nào, chỉ muốn ôm mãi những người phụ nữ cao cả ấy. Các mẹ đa phần đã lẫn, có khi chẳng nhớ mặt con cháu nhưng hễ nhắc đến những người con đã nằm xuống trong chiến tranh, các phần ký ức cứ thế hiện về. Các mẹ hy sinh quá nhiều cho đất nước, cho nền hòa bình hôm nay”, nữ họa sĩ trải lòng.

Dự án bước sang năm thứ 16, người họa sĩ ngấp nghé tuổi 80 nay tóc đã bạc phơ vẫn áo dài khăn rằn, nụ cười hồn hậu và chất giọng đậm chất miền Tây, nghe nơi nào cần vẽ hình các mẹ hoặc tìm hiểu được câu chuyện nào xúc động, bà lặng lẽ tìm đến hỏi thăm, chuyện trò và sáng tác. Họa sĩ Đặng Ái Việt nói, đến tuổi này, còn đi đâu, làm gì có ý nghĩa cũng đều đáng quý. Vậy nên, cứ lên xe và đi thôi. Tự nhận mình tiết kiệm, bà chỉ chi tiêu cơ bản, còn lại dành phần lớn lương hưu cho việc vẽ tranh. Chỉ cần các mẹ và gia đình thấy vui, bà coi đó là phần thưởng lớn nhất.

Nhiều nơi ngỏ ý tài trợ hay tặng quà, bà Việt đều lắc đầu, từ chối khéo. Có lần chạy xe đến tỉnh nọ vẽ tranh, nghe địa phương sắp xếp khách sạn hạng sang, bà cảm ơn tấm lòng nhưng chỉ muốn ở nhà nghỉ bình dân do đã quen đơn giản. Bà cũng không nhận tiền từ gia đình các mẹ vì tâm nguyện của nữ họa sĩ là được dùng nét vẽ để tri ân thay vì nhận lại. “Tôi chỉ mong từng bức vẽ của mình có thể lưu giữ trọn vẹn câu chuyện của họ không chỉ với con cháu trong gia đình mà cả thế hệ trẻ tương lai”, họa sĩ Đặng Ái Việt bày tỏ.

Trong buổi giao lưu mới đây với họa sĩ Đặng Ái Việt tại TP.HCM, bạn trẻ Lê Trung Hiếu không giấu được cảm xúc khi đứng trước tác giả bức tranh màu nước vẽ bà cố của mình. Hiếu là cháu của Bà mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Reo. Bức tranh “Mẹ Reo” được họa sĩ Đặng Ái Việt vẽ vào cuối năm 2015. Mỗi lần nhìn vào bức tranh sống động ấy, Hiếu lại thấy bà cố như đang bên cạnh mình. Hiếu bùi ngùi: “Một bức tranh rất đẹp và ấn tượng. Họa sĩ đã vẽ được những nét rất riêng trên gương mặt bà cố tôi. Mỗi lần nhìn vào bức tranh ấy, tôi nhớ lại những ngày sống bên cố, cùng trò chuyện với bà. Tôi tự dặn bản thân phải sống sao cho xứng đáng với những thế hệ đi trước của gia đình. Tôi ngưỡng mộ sự lan tỏa của nữ họa sĩ vì chẳng cần ai phân công, bà làm mọi thứ bằng cả trái tim, lòng biết ơn và sự trắc ẩn”.

Vẽ Mẹ Việt Nam anh hùng để thế hệ trẻ lưu giữ hình ảnh và biết ơn

Mỗi khi ai đó hỏi tại sao muốn lan tỏa các tác phẩm trong dự án, họa sĩ Đặng Ái Việt đều có cùng câu đáp: “Thông điệp khi vẽ là cho nhiều thế hệ để lưu giữ hình ảnh và nhớ ơn. Người đi trước giành lại Tổ quốc từ tay kẻ thù, người trẻ có trách nhiệm gìn giữ, đưa Tổ quốc vươn mình bay cao”. Thế nhưng, thử thách lớn nhất là làm sao bảo quản tranh màu nước thật tốt. Vẽ màu nước trên giấy bằng kỹ thuật truyền thống, cao lắm tranh cũng chỉ sử dụng trong vài chục năm. Muốn lưu giữ lâu hơn, lan tỏa rộng hơn, “số hóa” là giải pháp tối ưu. Do đó, năm 2019, khi đại diện Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM tìm đến tận nhà trình bày ý tưởng đưa tranh Bà mẹ Việt Nam anh hùng lên không gian số, nữ họa sĩ vỡ òa trong niềm vui lớn. Nỗi đau đáu bấy lâu nay cuối cùng đã được giải quyết với sự chung tay của người trẻ.

Năm 2019, khi anh Phạm Quốc Phương, Giám đốc Trung tâm Ứng dụng Hệ thống Thông tin địa lý, Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM cho biết, đến nay, đã “số hóa” hơn 3.000 tác phẩm của họa sĩ Đặng Ái Việt và chọn lọc, chia sẻ các tư liệu trong hành trình ý nghĩa này. “Bà đi đến đâu vẽ, xong việc cũng đều nhắn tôi bố trí nguồn lực tại cơ quan để thực hiện việc “số hóa” cũng như xác định vị trí và đưa lên trang web”, anh Phương cho hay.

Được ra mắt chính thức từ tháng 4/2025, trang web “Chân dung Mẹ Việt Nam anh hùng” (https://chandungme.vn/) giới thiệu hơn 3.000 bức vẽ chân dung các Mẹ Việt Nam anh hùng từ Bắc vào Nam của họa sĩ Đặng Ái Việt. Ngoài tranh “số hóa”, trang web còn giới thiệu những câu chuyện thực tế về các mẹ cũng như hoàn cảnh ra đời bức chân dung. Thông tin ấy được chính tác giả góp nhặt, biên soạn trên hành trình xuyên Việt vẽ tranh. Lồng vào truyện kể là bao vần thơ chất chứa ân tình, do nữ họa sĩ sáng tác từ vài năm trước. Trên trang web, nữ họa sĩ công khai hộp thư điện tử và số điện thoại di động, để “Nếu bạn trẻ hay bất kỳ người nào có thắc mắc cần được giải đáp hoặc muốn hỏi sâu hơn về tác phẩm sẽ biết liên hệ với ai. Tôi là người đi, vẽ, kể chuyện nên sẽ đủ chất liệu, thông tin giới thiệu với mọi người”, nữ họa sĩ cho biết thêm.

Ngày nhìn thấy những bức tranh do chính tay mình vẽ xuất hiện trên trang web, họa sĩ Đặng Ái Việt hạnh phúc rơi nước mắt, tựa như lúc bà hoàn thành tác phẩm, nắm tay tạm biệt các mẹ ra về. Suốt 5 năm qua, đi đến đâu vẽ tranh, xong việc, nữ họa sĩ đều tranh thủ ghé bưu điện gửi về cho đội ngũ “số hóa” túc trực tại TP.HCM. Bà ngắm nghía thật kỹ trước khi gói ghém cẩn thận từng tác phẩm để gửi đi. Bên ngoài bao thư khổ lớn, nữ họa sĩ nắn nót dòng chữ “Tranh Mẹ Việt Nam anh hùng”. Khi đem tranh đi gửi, nhiều bưu điện không tính phí cước gói bưu phẩm đặc biệt, bà mỉm cười, nói lời cảm ơn. Bà biết rằng, trên mảnh đất hình chữ S này, mọi người cũng như bà, luôn yêu quý, kính trọng và muốn làm điều gì đó dù là nhỏ nhất để tri ân các Bà mẹ Việt Nam anh hùng.

me-viet-nam-anh-hung.jpg

Văn bản mới về “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”

VOV.VN - Ngày 5/5/2025 Bộ Quốc phòng ban hành Văn bản hợp nhất số 13/VBHN-BQP Nghị định Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Pháp lệnh quy định danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”.

 

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên
Viết bình luận

This site is protected by reCAPTCHA and the Google Privacy Policy and Terms of Service apply.

Tin liên quan

Đắk Lắk truy tặng danh hiệu "Bà mẹ Việt Nam Anh hùng" và trao Huân chương Lao động
Đắk Lắk truy tặng danh hiệu "Bà mẹ Việt Nam Anh hùng" và trao Huân chương Lao động

VOV.VN - Sáng nay (21/5), Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Đắk Lắk tổ chức Lễ truy tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam Anh hùng” và trao các hình thức khen thưởng cấp Nhà nước tặng các cá nhân, tập thể.

Đắk Lắk truy tặng danh hiệu "Bà mẹ Việt Nam Anh hùng" và trao Huân chương Lao động

Đắk Lắk truy tặng danh hiệu "Bà mẹ Việt Nam Anh hùng" và trao Huân chương Lao động

VOV.VN - Sáng nay (21/5), Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Đắk Lắk tổ chức Lễ truy tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam Anh hùng” và trao các hình thức khen thưởng cấp Nhà nước tặng các cá nhân, tập thể.

Mẹ Việt Nam anh hùng Lê Thị Trị, con gái mẹ VNAH Nguyễn Thị Thứ qua đời
Mẹ Việt Nam anh hùng Lê Thị Trị, con gái mẹ VNAH Nguyễn Thị Thứ qua đời

VOV.VN - Mẹ Việt Nam anh hùng Lê Thị Trị (sinh năm 1919), trú tại thôn Thanh Quýt, xã Điện Thắng Trung, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam là con gái cả của Mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Thứ, vừa từ trần sau thời gian lâm bệnh nặng.

Mẹ Việt Nam anh hùng Lê Thị Trị, con gái mẹ VNAH Nguyễn Thị Thứ qua đời

Mẹ Việt Nam anh hùng Lê Thị Trị, con gái mẹ VNAH Nguyễn Thị Thứ qua đời

VOV.VN - Mẹ Việt Nam anh hùng Lê Thị Trị (sinh năm 1919), trú tại thôn Thanh Quýt, xã Điện Thắng Trung, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam là con gái cả của Mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Thứ, vừa từ trần sau thời gian lâm bệnh nặng.

Số hoá chân dung 3.000 Mẹ Việt Nam Anh hùng
Số hoá chân dung 3.000 Mẹ Việt Nam Anh hùng

VOV.VN - 3.000 chân dung Mẹ Việt Nam Anh hùng của hoạ sĩ Đặng Ái Việt thực hiện từ năm 2010 đến nay được số hoá trên website “Chân dung mẹ Việt Nam Anh hùng”.

Số hoá chân dung 3.000 Mẹ Việt Nam Anh hùng

Số hoá chân dung 3.000 Mẹ Việt Nam Anh hùng

VOV.VN - 3.000 chân dung Mẹ Việt Nam Anh hùng của hoạ sĩ Đặng Ái Việt thực hiện từ năm 2010 đến nay được số hoá trên website “Chân dung mẹ Việt Nam Anh hùng”.