Vì một xã hội không nạn buôn bán phụ nữ, trẻ em

Tình trạng tội phạm buôn bán người tại Việt Nam đang có xu hướng phức tạp với nhiều hình thức, thủ đoạn mới.

Chương trình hành động phòng chống tội phạm buôn bán phụ nữ, trẻ em (2004-2009) đã đạt được những kết quả tích cực, nhưng tình trạng buôn bán người vẫn diễn biến phức tạp. Cần phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn xã hội để ngăn chặn, đẩy lùi và xóa bỏ loại tội phạm này ra khỏi xã hội".

Đây là nhận định chung của nhiều đại biểu tại Hội nghị Tổng kết 5 năm thực hiện Chương trình hành động, chống tội phạm buôn bán phụ nữ, trẻ em (2004-2009) vừa tổ chức tại Hà Nội.

Nạn buôn bán người còn diễn biến phức tạp

Thống kê của Tổng cục Cảnh sát (Bộ Công an) cho thấy, trong 5 năm qua, cả nước xảy ra 1.586 vụ với 2.888 đối tượng lừa bán 4.008 nạn nhân, tăng 1.009 vụ so với 5 năm trước với 2.117 đối tượng và 2.935 nạn nhân.

Bên cạnh đó còn khoảng hơn 20.000 phụ nữ, trẻ em vắng mặt lâu ngày ở địa phương bị nghi là nạn nhân của nạn buôn bán người.

Những năm gần đây, bên cạnh những thủ đoạn cũ như lừa phụ nữ kết hôn trái pháp luật với người nước ngoài, lợi dụng chính sách nhân đạo trong việc cho nhận con nuôi có yếu tố nước ngoài, bọn tội phạm đã lợi dụng sự phát triển công nghệ thông tin, thông qua Internet, điện thoại di động để dụ dỗ, lừa gạt các nạn nhân hoặc thiết lập các đường dây gái gọi hay thiết lập các tour du lịch tình dục xuyên quốc gia.

Bà Bùi Thị Kim Dung, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Lào Cai, một trong những tỉnh được coi là "điểm nóng" về các vụ buôn bán phụ nữ, trẻ em cho biết, các băng nhóm tội phạm buôn người lợi dụng quá trình mở cửa, giao lưu kinh tế, xã hội giữa Việt Nam-Trung Quốc để đưa phụ nữ, trẻ em trên địa bàn và các tỉnh khác qua biên giới.

Phụ nữ, trẻ em tại các vùng sâu, vùng xa có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, trình độ dân trí thấp, hiểu biết pháp luật hạn hẹp nên dễ bị kẻ xấu dụ dỗ, lừa gạt. Hoạt động quản lý nhân khẩu tại địa bàn vẫn còn nhiều hạn chế khi còn tình trạng một số lượng lớn phụ nữ, trẻ em vắng mặt lâu ngày không rõ lý do.
Theo bà Kim Dung, thực tế cho thấy, hệ thống văn bản pháp luật về tội phạm buôn bán người vẫn chưa hoàn chỉnh; hợp tác quốc tế trong đấu tranh phòng chống nạn buôn người vẫn còn hạn chế.

Bên cạnh đó, lực lượng làm công tác tuyên truyền, phòng chống buôn bán phụ nữ, trẻ em còn thiếu và chưa được đào tạo cơ bản cùng những khó khăn về nguồn tài chính trong công tác tiếp nhận, tái hòa nhập cuộc sống cho các nạn nhân cũng hạn chế đáng kể hiệu quả của việc thực hiện Chương trình 130/CP về phòng chống buôn bán phụ nữ, trẻ em.

Những băn khoăn, trăn trở trên cũng là những tồn tại đã và đang xảy ra ở nhiều địa phương trong cả nước, dẫn đến việc Chương trình 130/CP dù đã có những kết quả tích cực và thiết thực nhưng vẫn chưa thực sự đạt được mục đích đẩy lùi và xóa bỏ nạn buôn bán phụ nữ trẻ em.

Đồng lòng, chung sức chống tệ buôn người

"Cộng đồng quốc tế ghi nhận những nỗ lực và thành tích của Chính phủ Việt Nam trong công tác phòng, chống tội phạm buôn bán phụ nữ, trẻ em. Thông qua những hoạt động tích cực của mình, Chính phủ Việt Nam đã thể hiện quyết tâm chính trị rất cao trong công tác phòng chống nạn buôn người," Tiến sỹ Kim Ninh, Trưởng đại diện Quỹ châu Á tại Việt Nam nhận định.
Xác định tội phạm buôn bán phụ nữ, trẻ em là một loại tội phạm nguy hiểm, gây nguy hại cho trật tự an toàn xã hội, ảnh hưởng tiêu cực đến thuần phong mỹ tục, đạo đức và lối sống của nhân dân, Thủ tướng Chính phủ đã ra quyết định tiến hành Chương trình 130/CP nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của các cấp, ngành, các tổ chức xã hội và toàn thể nhân dân trong cuộc chiến phòng, chống tội phạm buôn bán người.

Hội Liên hiệp phụ nữ, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Nông dân, lực lượng Công an, Biên phòng đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền cộng đồng; lồng ghép Chương trình 130/CP với nhiệm vụ chính trị và phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo bằng những hình thức và biện pháp đa dạng phong phú với phương châm “phòng ngừa là cơ bản, hướng về cơ sở, phát huy vai trò cấp ủy, chính quyền, đoàn thể xã hội ở phường, xã, thôn, bản”.
5 năm qua, đã có gần 500.000 đợt tuyên truyền cho 18 triệu người tham dự; khoảng 600.000 học viên được tham gia các lớp tập huấn về công tác phòng chống nạn buôn bán người. Bên cạnh đó, hoạt động đấu tranh, trấn áp tội phạm buôn bán phụ nữ, trẻ em cũng được các ban, ngành chức năng đẩy mạnh.
Từ 2004 đến nay, các tổ chức này đã giải cứu 1.238 nạn nhân và tiếp nhận 2.936 nạn nhân của các vụ buôn bán phụ nữ, trẻ em trở về. Trong số các nạn nhân trở về có 80% được tiếp cận các dịch vụ tư vấn tâm lý, cung cấp thông tin, chính sách hỗ trợ; 30% nhận được kinh phí tái hòa nhập cộng đồng và hỗ trợ học nghề từ nguồn ngân sách Nhà nước.

Theo Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng, trước tình hình hoạt động tội phạm buôn bán người ngày càng diễn ra phức tạp, xu hướng tăng, quốc tế hóa, Việt Nam cần có những nỗ lực cao hơn nữa, thể hiện quyết tâm chính trị mạnh mẽ hơn nữa.

Các cấp ủy, bộ, ngành, địa phương cần nhận thức rõ công tác phòng chống buôn bán phụ nữ, trẻ em là nhiệm vụ chính trị, kinh tế xã hội quan trọng, tăng cường công tác phối hợp, thực hiện đồng bộ các giải pháp trong công tác phòng chống tội phạm buôn người để tạo nên sức mạnh tổng hợp của toàn xã hội ngăn chặn, đẩy lùi và xóa bỏ nạn buôn bán người ra khỏi xã hội./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên