Vừa nói đã quên có thể là dấu hiệu của hội chứng sa sút trí tuệ
VOV.VN - Theo chuyên gia y tế, suy giảm trí nhớ gần "vừa nói đã quên" là một trong những dấu hiệu của sa sút trí tuệ. Nếu không được điều trị, bệnh sẽ tiến triển và dẫn đến sự suy giảm nặng nề về chất lượng sống của người bệnh.
Sa sút trí tuệ là hội chứng suy giảm một hoặc nhiều chức năng nhận thức. Đây là một bệnh lý mạn tính và tiến triển với những biểu hiện rối loạn nhận thức, ngôn ngữ, khả năng hoạt động, nhận biết.
Ở nước ta, tỷ lệ mắc hội chứng sa sút trí tuệ là gần 8% trong tổng số bệnh nhân được khám và điều trị. Ước tính, cứ sau mỗi 20 năm, số người mắc hội chứng sa sút trí tuệ lại tăng gấp đôi.
Theo Bác sỹ CKII Nguyễn Thị Thanh Bình, Khoa Thần kinh và bệnh Alzheimer - Bệnh viện Lão khoa Trung ương, bệnh đang có xu hướng trẻ hóa. Có những trường hợp 40-50 tuổi đã mắc bệnh.
Cơ chế gây bệnh ở người cao tuổi được xác định là do thoái hóa, hoặc mắc các bệnh lý mạn tính khác như: tai biến mạch máu não, mắc bệnh parkison, hoặc có khối u. Ngoài ra, những người có những rối loạn chuyển hóa như mắc tiểu đường, mỡ máu, thiếu các vitamin như B12, thiếu máu… cũng có khả năng mắc hội chứng sa sút trí tuệ.
Ngoài ra, với nhóm trẻ tuổi thì nguyên nhân gây bệnh phổ biết là do áp lực công việc, tình trạng mất ngủ kéo dài, trầm cảm hoặc là mắc Alzheimer giai đoạn sớm.
Bác sỹ CKII Nguyễn Thị Thanh Bình lưu ý, có một giai đoạn chuyển tiếp giữa bình thường và bệnh lý mà mọi người cần nhận thức. Đó là khi có một hoặc nhiều triệu chứng rối loạn trí nhớ, ngôn ngữ, định hướng hay tư duy nhưng không ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày thì mọi người cần phải đi khám. Bởi nếu điều trị được nguyên nhân gây bệnh, những triệu chứng này sẽ hết và không chuyển lên giai đoạn bệnh lý.
Tuy nhiên, đến khi thành bệnh thì các rối loạn sẽ trở nên rõ nét hơn với 3 giai đoạn. Giai đoạn nhẹ là giảm trí nhớ với đặc trưng là giảm trí nhơ gần, khó tìm từ để diễn đạt, mất tập trung, giảm chú ý, mất định hướng, không nhận ra tên người quen cũ. Người bệnh cũng có thể gặp khó khăn trong sinh hoạt hàng ngày như là lịch uống thuốc.
Giai đoạn trung bình, các rối loạn chức năng ảnh hưởng rõ rệt hơn, người bệnh mất định hướng nhiều hơn, khó khăn trong việc đi từ phòng này sang phòng kia, không nhận ra tên người thân của mình, việc thực hiện theo mệnh lệnh chậm chạp hơn và có thể sai. Triệu chứng bệnh này còn có thể kèm theo cả hành vi như hoang tưởng, bị hại, luôn sợ người khác đầu đầu, làm hại mình, hoặc nhìn thấy hình ảnh, sự vật không có thật. Giai đoạn này người bệnh cũng thay đổi tính cách, dễ cáu gắt, mất kiên nhẫn và hay nói nặng lời.
Khi bệnh đã tiến triển ở giai đoạn này, gia đình cần hỗ trợ nhiều hơn, có chỉ dẫn cụ thể về đi lại và các hoạt động sinh hoạt hàng ngày.
Giai đoạn 3 là giai đoạn bệnh nặng, các chức năng nhận thức suy giảm hoàn toàn. Người bệnh hoàn toàn không nhận thức được cả con cháu, người thân trong gia đình. Người bệnh có triệu chứng loạn thần nặng, la hét, kích động, mất nhịp sinh học- ngày ngủ, đêm thức và có các hành vi tâm thần nặng nề. Lúc này, người bệnh phụ thuộc hoàn toàn vào người chăm sóc.
Có thể nói, hội chứng sa sút trí tuệ nếu không được chăm sóc và điều trị kịp thời sẽ làm suy giảm chất lượng sống của người bệnh, tạo gánh nặng cho cả gia đình khi bệnh ở giai đoạn nặng. Vì thế, sa sút trí tuệ không nên được xem là một dạng suy giảm trí nhớ thông thường, mà khi có dấu hiệu, người dân cần tầm soát để sớm phát hiện bệnh và quản lý các triệu chứng, cũng như điều trị các bệnh là nguyên gây sa sút trí tuệ.
Cụ thể, bác sỹ Nguyễn Thị Thanh Bình nêu ra các biện pháp điều trị, đó là: đối với nguyên nhân thoái hóa, hiện không có biện pháp điều trị đặc hiệu nhưng có thể sử dụng thuốc để điều trị triệu chứng. Chẳng hạn, với biểu hiện rối loạn hành vi sẽ có thuốc làm chậm quá trình này. Hoặc đối với rối loạn trí nhớ thì có thể sử dụng thuốc “đánh” vào cơ chế gây bệnh alzheimer. Còn khi bệnh nhân nặng mắc các rối loạn hành vì thì sẽ có những nhóm thuốc an thần kinh để giảm triệu chứng của người bệnh.
Với các nguyên nhân gây bệnh là do tai biến, chuyển hóa, căng thẳng, mất ngủ thì sẽ điều trị cải thiện những bệnh lý này. Theo bác sỹ Bình, việc điều trị này là hết sức quan trọng giúp người bệnh cân bằng được cảm xúc, trình trạng nhận thức, tăng khả năng tập trung, duy trì nhận thức bình thường. Cùng với đó là chế độ dinh dưỡng, tập luyện cũng hết sức quan trọng với người mắc hội chứng sa sút trí tuệ./.