Chơi cờ bạc "cho vui" dịp Tết có vi phạm pháp luật?
VOV.VN - Dưới góc độ pháp lý, luật sư Nguyễn Ngọc Hùng cho rằng, đánh bạc trái phép là hành vi đánh bạc được thực hiện dưới bất kỳ hình thức nào với mục đích được thua bằng tiền hay hiện vật.
Cứ mỗi năm, vào thời điểm trước, trong và sau Tết Nguyên đán, tệ nạn cờ bạc gia tăng hoạt động. Tình trạng này xuất phát từ tâm lý vui chơi, giải trí và tìm kiếm vận may. Thêm vào đó, trong những ngày Tết đến, xuân về, nhiều người rảnh rỗi, tụ họp hoặc bạn bè gặp gỡ sau khi ăn uống, thường rủ nhau chơi vài ván bài, lắc bầu cua, lô tô…
Thực trạng này, được phản ánh từ con số thực tiễn do Thiếu tướng Đặng Hồng Đức, Chánh Văn phòng Bộ Công an cung cấp mới đây tại Hội nghị giao ban trực tuyến đầu Xuân đến công an các đơn vị, địa phương đánh giá tình hình, kết quả công tác bảo đảm an ninh trật tự Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 và triển khai nhiệm vụ công tác trọng tâm sau Tết.
Thiếu tướng Đặng Hồng Đức cho biết, trong dịp Tết, lực lượng công an toàn quốc đã khởi tố 507 vụ, 820 bị can, bắt 358 vụ, 1.252 đối tượng đánh bạc… Nguyên nhân do tính chất vui chơi là chính, thêm vào tâm lý ngày tết nhiều người tin rằng, các cơ quan nhà nước sẽ “ngó lơ”, không đặt nặng vấn đề xử lý.
Tuy nhiên, dưới góc độ pháp lý, luật sư Nguyễn Ngọc Hùng, trưởng văn phòng Luật Kết nối thông tin, đánh bạc trái phép là hành vi đánh bạc được thực hiện dưới bất kỳ hình thức nào với mục đích được thua bằng tiền hay hiện vật mà không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép hoặc được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép nhưng thực hiện không đúng với quy định trong giấy phép được cấp.
Đánh bạc trái phép có các hình thức: Mua các số lô, số đề; xóc đĩa, tá lả, tổ tôm, tú lơ khơ, tam cúc, 3 cây, tứ sắc, đỏ đen, cờ thế hoặc các hình thức khác mà được, thua bằng tiền, hiện vật; đánh bạc bằng máy, trò chơi điện tử trái phép; cá cược bằng tiền hoặc dưới các hình thức khác trong hoạt động thi đấu thể thao, vui chơi giải trí, các hoạt động khác; bán bảng đề, ấn phẩm khác cho việc đánh lô, đề…
Luật sư Hùng phân tích, theo quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017, nếu một người đánh bạc trái phép với giá trị tài sản đánh bạc là từ 5 triệu đồng trở lên hoặc dưới 5 triệu đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc hành vi quy định tại Điều 322 của Bộ luật này hoặc đã bị kết án về tội này hoặc tội quy định tại Điều 322 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội đánh bạc với mức hình phạt cao nhất lên đến 7 năm tù.
Nếu đánh bạc với giá trị tài sản dưới 5 triệu đồng thì cá nhân vi phạm sẽ bị xử phạt hành chính, với mức phạt từ 1 triệu đến 20 triệu được quy định tại Nghị định số 144/2021/NĐ-CP.
Bên cạnh đó, theo quy định tại Điều 322 Bộ luật Hình sự, hành vi tổ chức đánh bạc có thể bị xử lý với mức phạt cao nhất lên đến 10 năm tù. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 100 triệu đồng hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Theo luật sư Hùng, trong trường hợp những người có mặt trong sới bạc, không trực tiếp chơi bạc nhưng canh gác, chia bài hộ, cho mượn nhà,... thì vẫn bị coi là hành vi giúp sức cho hành vi đánh bạc.
"Nếu trường hợp sới bạc đủ dấu hiệu khởi tố vụ án hình sự về tội đánh bạc thì người giúp sức bị khởi tố bị can với vai trò là đồng phạm. Việc quyết định hình phạt trong trường hợp đồng phạm được quy định tại Điều 58 Bộ luật Hình sự, khi quyết định hình phạt đối với những người đồng phạm, Tòa án phải xét đến tính chất của đồng phạm, tính chất và mức độ tham gia phạm tội của từng người đồng phạm. Các tình tiết giảm nhẹ, tăng nặng hoặc loại trừ trách nhiệm hình sự thuộc người đồng phạm nào, thì chỉ áp dụng đối với người đó"- luật sư Hùng phân tích.
Theo vị luật sư này, trường hợp sới bạc chưa đủ yếu tố cấu thành tội phạm để bị khởi tố hình sự, các hành vi giúp sức cho sới bạc sẽ bị xử phạt hành chính như sau: Phạt tiền từ 2 triệu đồng đến 5 triệu đồng đối với một trong những hành vi sau đây: Nhận gửi tiền, cầm đồ, cho vay trái phép tại sòng bạc, nơi đánh bạc khác; Giúp sức, che giấu việc đánh bạc trái phép; Bảo vệ các điểm đánh bạc trái phép;...
Phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 10 triệu đồng đối với một trong những hành vi tổ chức đánh bạc sau đây: Dùng nhà, chỗ ở, phương tiện, địa điểm khác của mình hoặc do mình quản lý để chứa chấp việc đánh bạc; Đặt máy đánh bạc, trò chơi điện tử trái phép; Tổ chức hoạt động cá cược ăn tiền trái phép;...
"Từ những canh bạc thâu đêm, suốt sáng, những con bạc khi máu đỏ đen đã nổi lên thì có thể làm ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự tại địa phương và làm phát sinh hàng loạt các hành vi vi phạm pháp luật khác, thậm chí, có khi tan nát hạnh phúc của một gia đình"- luật sư Hùng nói.
Theo luật sư Hùng, tới đây, ở nhiều địa phương tiếp tục diễn ra lễ hội lớn. Các đối tượng cờ bạc chuyên nghiệp sẽ lợi dụng những hoạt động này để tổ chức sát phạt nhau. Vì vậy, mỗi người cần nâng cao ý thức tự chấp hành các quy định pháp luật liên quan đến tội phạm và tệ nạn cờ bạc, phải ý thức được hậu quả, tác hại của tệ nạn cờ bạc đối với bản thân, gia đình và xã hội; tuyệt đối không tham gia đánh bạc dưới mọi hình thức. Trường hợp phát hiện các ổ nhóm tổ chức đánh bạc, người dân cần kịp thời báo tin tố giác với cơ quan công an gần nhất để có biện pháp điều tra xử lý, góp phần bảo đảm an ninh, trật tự tại địa phương.