Cá nóc: Món ăn chết người
VOV.VN - Cảnh báo người dân ở các vùng biển, đảo của tỉnh Quảng Ngãi vẫn sử dụng cá nóc làm thực phẩm.
Thêm một vụ ngộ độc cá nóc nghiêm trọng xảy ra rạng sáng 2/8, tại huyện đảo Lý Sơn khiến 5 người phải nhập viện cấp cứu. Đây không phải là trường hợp đầu tiên bị ngộ độc cá nóc ở tỉnh Quảng Ngãi mà rất nhiều người phải “bỏ mạng” vì món ăn này. Tuy nhiên, người dân ở các vùng biển, đảo của tỉnh Quảng Ngãi vẫn sử dụng cá nóc làm thực phẩm.
Thịt cá nóc chưa độc tố tetrodotoxins gây ra liệt cơ hô hấp, gây chậm nhịp tim.
Khoảng 2 giờ sáng 2/8, 5 người dân ở xã An Hải, huyện Lý Sơn được người nhà đưa đi cấp cứu tại Trung tâm Y tế Quân dân y huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi. Cả 5 bệnh nhân đều được xác định bị ngộ độc do ăn cá nóc. Trước đó, khoảng 18 giờ ngày 1/8, 1 nhóm gồm 7 người dân ở xã An Hải, huyện Lý Sơn ra biển bắt được con cá nóc, mang đến nhà của ông Trương Đình Thành, 40 tuổi ở Đội 16, xã An Hải, huyện Lý Sơn cùng nhau uống rượu với cá nóc.
Rạng sáng hôm sau thì 5 người gồm Đinh Công Hoàng, 37 tuổi; Dương Hồng Phát, 52 tuổi; Đặng Văn Kiệt, 41 tuổi; Trương Đình Phú, 43 tuổi và Trần Văn Diệt, 46 tuổi có triệu chứng ngộ độc thần kinh, tê rần đầu chân tay, lơ mơ, buồn nôn. Hai người cùng ăn cá nóc trong nhóm là Trương Đình Thành, 40 tuổi và Trương Văn Thịnh, 34 tuổi do ăn ít nên chỉ bị ngộ độc nhẹ, điều trị tại nhà.
Riêng bệnh nhân Trần Văn Diệt do ngộ độc quá nặng, có biểu hiện lơ mơ, cao huyết áp, rối loạn tiểu tiện nên được các bác sĩ và gia đình chuyển vào đất liền cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ngãi.
Bác sĩ Phan Đình Xuân, Trung tâm Y tế Quân dân y Lý Sơn cho biết: “Tiếp nhận bệnh nhân đầu tiên họ vô mình, họ khai với mình là tê tay, tê chân và tê môi. Khi kiểm tra mạch nhanh huyết áp cao cho nên người rất mệt. Chúng tôi xử lý, làm hạ huyết áp và đến thời điểm bây giờ thì bệnh nhân tương đối ổn định”.
Độc tố có trong cá nóc có thành phần chủ yếu là tetrodotoxins, một nhóm độc tố thần kinh cực kỳ nguy hiểm, tỷ lệ gây tử vong khá cao.
Độc tố này là hợp chất có tính bền nhiệt, không bị phân hủy trong quá trình nấu chín, đặc biệt là chưa có thuốc giải đặc hiệu cho các trường hợp bị ngộ độc cá nóc. Do vậy, ngành y tế và chính quyền địa phương tỉnh Quảng Ngãi thường tuyên truyền cho người dân không nên ăn cá nóc để tránh bị ngộ độc. Thế nhưng vẫn còn rất nhiều người chủ quan làm thịt cá nóc để ăn, gây ra nhiều vụ ngộ độc, trong đó có những vụ ngộ độc cá nóc dẫn đến chết người.
Bác sĩ Lê Nguyễn Thanh Hằng, Khoa Hồi sức tích cực chống độc, Bệnh viện Đa khoa Quảng Ngãi nói: “Khi mà mình ăn cá nóc thì độc tố của nó là tetrodotoxins sẽ gây ra liệt cơ hô hấp, gây chậm nhịp tim.Điều trị hiện tại chưa có thuốc giải độc, chỉ điều trị triệu chứng thôi.
Ví dụ như bệnh nhân suy hô hấp thì hỗ trợ thở. Bệnh nhân có nhịp tim chậm, suy tuần hoàn sẽ hỗ trợ về tim. Nguy hiểm nhất là khi ăn cái này nhiều mà độc chất nặng, lại ở xa bệnh viện, trung tâm y tế rất dễ dẫn tới tử vong”.
Hàng ngày, ở các xã vùng biển của tỉnh Quảng Ngãi, cá nóc vẫn được thu mua, vận chuyển đi tiêu thụ. Không ai có thể biết, những con cá nóc này sẽ còn gây họa cho bao nhiêu người khi mà thói quen ăn cá nóc vẫn còn, nhất là người dân ở vùng biển./.