Thanh tra ATTP: Có chuyện cán bộ “đi đêm” với cơ sở giết mổ
VOV.VN - Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, chỉ cần các bộ, ngành làm đúng chức năng của mình khi đó sẽ xuất hiện sự phối hợp một cách tự nhiên
An toàn thực phẩm (ATTP) là vấn đề liên quan đến sức khỏe con người. Thời gian qua, các cấp, các ngành, địa phương có nhiều cố gắng trong quản lý, bảo đảm ATTP. Công tác quản lý ATTP được giao cho 3 Bộ gồm: Bộ Y tế, Bộ Công thương, Bộ NN- PTNT.
Các bộ, cơ quan ngang bộ có trách nhiệm phối hợp thực hiện quản lý nhà nước về ATTP. Quy định là vậy nhưng các bộ, ngành, địa phương lại chưa có tiếng nói chung. Câu chuyện “1 tô bún 3 ngành quản lý” là điều có thật, cười ra nước mắt. Một số văn bản chồng chéo, vênh nhau dẫn đến việc triển khai ở cơ sở “rối như tơ vò”. Khi thực phẩm độc hại tràn lan thì các cơ quan chức năng tìm cách đổ lỗi cho nhau.
“Nhân dân vẫn phải tiêu dùng hàng ngày. Cơ quan nhà nước thì lúng túng. Tóm lại, chính sách của chúng ta cứ trói chặt chúng ta lại, làm không được. Một tô bún 3 sở quản lý. Bởi vì nhiều người quản lý quá cho nên chẳng ai quản lý cả. Phải có 1 ông lúc nào cũng phải lo lắng về vấn đề an toàn thực phẩm, phải nghĩ đến an toàn thực phẩm thì may ra chúng ta mới có kết quả” - Ông Đặng Việt Dũng, Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng bày tỏ thái độ khi nói về tình trạng thực phẩm độc hại đang vây quanh bữa ăn người dân.
Chỉ trong một tháng qua, thành phố Đà Nẵng liên tiếp phát hiện nhiều cơ sở chế biến, hộ kinh doanh sử dụng chất cấm Auramine 0, hay còn gọi là chất vàng ô thường dùng trong công nghiệp để nhuộm măng tươi, dưa cải. Nhiều người đặt câu hỏi, vì sao các cơ sở vi phạm chưa bị xử phạt?.
Ông Nguyễn Tứ, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý Chất lượng Nông - Lâm - Thủy sản, Sở NN- PTNT thành phố Đà Nẵng giải thích rằng, Trung tâm Kiểm nghiệm thuộc Sở KH-CN TP HCM, đơn vị kiểm nghiệm chất vàng ô trong măng tươi không được Bộ Y tế chỉ định kiểm nghiệm nên không đủ cơ sở pháp lý để xử phạt.
Ông Nguyễn Tứ, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý Chất lượng Nông - Lâm - Thủy sản TP Đà Nẵng cho biết, công tác quản lý ATTP rối như tơ vò. |
Theo ông Nguyễn Tứ, vẫn còn nhiều quy định “tréo ngoe” trong quản lý an toàn thực phẩm: “Theo quy định của tài chính vấn đề mua mẫu có giá trị từ 200 ngàn đồng trở lên phải có hóa đơn tài chính. Chúng tôi mua của nông dân làm gì mà có hóa đơn?. Cán bộ của chúng tôi sau khi mua mẫu phải đến Ủy ban xã mua hóa đơn và nộp tiền thuế. Tui thấy khó khăn vô cùng. Vấn đề nữa là hợp đồng kiểm nghiệm mẫu, giá trị 20 triệu đồng trở lên thì phải chào hàng cạnh tranh, phải tìm ít nhất 3 đơn vị kiểm nghiệm chào hàng để chọn 1 đơn vị thì làm gì mà có”.
Thực tế cho thấy, hiện vẫn còn nhiều vướng mắc trong công tác kiểm tra, xử lý vi phạm về ATTP. Độ “vênh” trong những quy định của các bộ, ngành hữu quan làm cho cán bộ cơ sở “tiến thoái lưỡng nan”.
Ông Phan Xuân Thảo, Chi cục trưởng Chi cục Thú y TP HCM chỉ rõ, trước đây, chất cấm được xác định dương tính trong nước tiểu của động vật bằng hoặc trên 2ppb (tức là hàm lượng chất cấm trên mẫu); thì nay, Bộ NN - PTNT lại tăng giới hạn này lên hơn gấp đôi, rất khó phát hiện dư lượng kháng sinh trong chăn nuôi: “Giữa Bộ Nông nghiệp và Bộ Y tế còn có những khoảng chênh. Đã là chất cấm rồi thì làm sao còn để tồn dư ngưỡng? Tham mưu để ra văn bản điều chỉnh Thông tư 57 từ Thông tư 01 thì lại cho phép tồn dư và nâng ngưỡng để chúng ta phát hiện. Hiện nay dư luận đặt ra, có phải anh có lợi ích gì trong này không? Cả năm 2015, lấy 159 mẫu thịt chỉ có 2 mẫu trên 5 ppb. Yêu cầu phát hiện trong thịt cao là rất khó. Các doanh nghiệp hiện nay đang có những biến tướng. Họ không sử dụng Salbutamol nữa, chuyển sang một loại khác. Như vậy, ngưỡng dương tính giả, âm tính giả là bao nhiêu? Chúng ta không làm rõ được vấn đề này. Nếu làm không rõ ràng thì trách nhiệm bồi thường về mặt vật chất rất lớn. Bây giờ dễ dàng nhất là đừng làm, nhưng nếu vậy lương tâm cắn rứt mà làm là đối diện với nguy cơ kiện thưa”.
Trong công tác thanh tra, không ít các quy định khi vận vào thực tế lại vướng. Cụ thể, Thanh tra chuyên ngành NN - PTNT khi tiến hành thanh tra phải thông báo và công bố nội dung thanh tra trước 5 ngày cho đối tượng được thanh tra. Do đó, các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm sẽ tẩu tán hàng hóa, trốn tránh hoặc che giấu. Không chỉ vướng ở những quy định mà ngay cả cán bộ làm công tác thanh tra, kiểm tra ATTP tại các địa phương cũng còn nhiều hạn chế về số lượng lẫn chất lượng.
Thực phẩm bẩn: “Con đường từ dạ dày đến nghĩa địa ngày càng ngắn”
Theo quy định của Luật Thanh tra người làm công tác thanh tra phải là cán bộ, công chức. Trong khi đó, cán bộ bảo vệ thực vật, thú y, khuyến nông ở cơ sở hầu hết là nhân viên hợp đồng, nhiều người chưa được đào tạo chuyên môn nên khi vào công việc thì lúng túng. Đó là chưa kể nội bộ Đoàn thanh tra có người “đi đêm” với chủ cơ sở để thông báo trước kế hoạch kiểm tra nên rất khó phát hiện sai phạm. Tại TP HCM, trong 3 tháng đầu năm nay, Chi cục Thú y Thành phố đã chi 11 triệu đồng để mua 20 nguồn tin.
Trong khi đó, chủ cơ sở sẵn sàng bỏ ra 10 triệu đồng để mua thông tin từ nội bộ Đoàn kiểm tra. Muốn phát hiện được sai phạm, theo ông Hà Văn Buôl, Chánh Thanh tra Sở NN - PTNT tỉnh Bạc Liêu, đôi khi phải “giương đông, kích tây”, nghĩa là đánh tráo địa điểm thanh tra mới bắt quả tang đối tượng vi phạm: “Khó khăn nhất là kiểm tra phát hiện hành vi vi phạm đưa nước vào heo rất khó, phải bắt quả tang. Khi vào được cơ sở giết mổ qua hàng rào bao vây, chủ hộ canh gác. Thậm chí, cán bộ thú y có dấu hiệu tiếp tay cho hành vi này. Tại vì thông tin bị lộ từ nội bộ Đoàn của chúng ta và từ cán bộ quản lý trong quá trình thực thi công vụ”.
Mới đây, tại Hội nghị Tổng kết công tác thanh tra chuyên ngành Nông nghiệp, ông Hà Công Tuấn, Thứ trưởng Bộ NN- PTNT bày tỏ lo ngại khi người tiêu dùng đang “lạc lối trong rừng hóa chất”. Riêng về thuốc và thức ăn cho thủy sản khoảng 10.000 loại, đó là chưa kể các loại hóa chất, thuốc thú y dùng cho chăn nuôi trên cạn. Ai mà nhớ nổi?
Theo Thứ trưởng Hà Công Tuấn, trong năm qua, cơ quan chức năng đã cấp Giấy chứng nhận cho hàng nghìn loại phân bón. Người dân mù tịt thông tin. Mặc dù liên bộ Y tế, NN- PTNT, Công thương đã thống nhất ban hành Thông tư liên tịch, hướng dẫn việc phân công, phối hợp quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm, nhưng khi triển khai ở cơ sở thì chưa chắc nhận được sự hợp tác của chính quyền địa phương.
Ông Hà Công Tuấn, Thứ trưởng Bộ NN- PTNT thừa nhận: “Chúng ta còn rất nhiều khó khăn, vướng mắc từ thể chế đến năng lực, đến nguồn lực, và chúng ta còn xa so với mong muốn của Đảng, Nhà nước, nhân dân giao cho chúng ta ở chức năng nhiệm vụ. Và còn xa mới đảm bảo được kỷ cương, pháp luật trong lĩnh vực nông nghiệp. Phải nhìn nhận rất thấu đáo chuyện này. Trong tình hình khó khăn như thế này, chúng ta thì phải tìm cách khắc phục để chuyển động thực sự trên thực tiễn, không thể nói mãi”.
Từ khi có Luật ATTP năm 2010, các bộ ngành đã thực hiện quản lý an toàn theo chuỗi đối với từng ngành hàng, khắc phục được tình trạng cắt lát, chồng chéo. Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật ngày càng nhiều. Tuy nhiên, một số văn bản hướng dẫn về ATTP vẫn còn vênh nhau dẫn đến việc thực thi nhiệm vụ gặp nhiều lúng túng. Nhiều địa phương chưa quan tâm và thiếu tập trung trong quản lý ATTP. Việc xử lý vi phạm cũng chưa nghiêm minh, chưa xem xét xử lý trách nhiệm của cán bộ, công chức sai phạm.
Ông Hà Công Tuấn, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT cho biết, người tiêu dùng đang " lạc lối trong rừng hóa chất". |
Ở Trung ương, bộ này đổ lỗi cho bộ kia. Ở địa phương, ngành này chỉ qua ngành nọ. Đây cũng là những nguyên nhân chủ yếu làm cho tình trạng vi phạm ATTP ngày càng diễn biến phức tạp, gây ra nhiều bức xúc trong xã hội.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, chỉ cần các bộ, ngành làm đúng chức năng của mình thì khi đó sẽ xuất hiện sự phối hợp một cách tự nhiên: “Phải khắc phục tình trạng cứ không làm được cái gì thì hoặc là đổ cho nhau, hoặc nói không phối hợp được, hoặc do vấn đề liên ngành. Thứ 2 tôi cho rằng quan trọng là mình phải vận động toàn xã hội và phải thấy mình không chỉ là chấp hành pháp luật mà là vấn đề đạo đức để không có vì mình hại người, và đấu tranh với những người ích kỷ hại nhân”.
Bảo đảm ATTP không chỉ là chấp hành pháp luật mà cao hơn nữa, đó còn là vấn đề đạo đức, trách nhiệm của mỗi người và toàn xã hội. Dân gian có câu: “Mua bầu xem cuống, mua muống xem lá, mua cá xem mang,...”. Những kinh nghiệm này xem ra không còn phù hợp với cuộc sống hiện tại, khi mà hóa chất có thể biến quả xanh thành trái chín mọng, biến thịt ôi thối thành sản phẩm đẹp mắt... Lúc này, người tiêu dùng chỉ biết đặt niềm tin vào lương tâm, trách nhiệm, đạo đức của nhà sản xuất, người cung cấp thực phẩm và sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan quản lý nhà nước để hướng đến một môi trường bảo đảm ATTP.
Chúng tôi sẽ trở lại vấn đề này trong chương trình ngày mai với bài cuối cùng của loạt phóng sự “Bất an thực phẩm độc hại”./.