Người Nguồn “bưng cỗ Tết” báo hiếu cha mẹ đầu năm mới

VOV.VN - Giáp Tết Nguyên đán, người Nguồn ở huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình nấu mâm cơm dâng lên cha mẹ. Đây còn gọi là tục “bưng cỗ Tết dâng cha mẹ” đã có từ lâu đời còn được lưu giữ đến bây giờ ở huyện vùng cao Minh Hóa.

Cứ đến Tết Nguyên đán, người Nguồn ở Minh Hóa có một tục lệ rất độc đáo, đó là bưng cỗ Tết dâng ông bà, bố mẹ mời "ăn Tết trước". Hằng năm, cứ vào giữa tháng 11 âm lịch đến 25 tháng Chạp, gần 40 nghìn người Nguồn ở huyện miền núi Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình lại rộn ràng với cái Tết đặc biệt của mình, gọi là “Tết báo hiếu”.

Ngày giáp Tết, gia đình anh Đặng Quang Huy ở thôn Yên Phú, xã Trung Hóa, huyện Minh Hóa cùng các anh chị em trong gia đình tụ họp đông đủ, chuẩn bị mâm cơm cuối năm dâng lên cha mẹ.

Từ sáng sớm, các anh chị em, con cháu trong nhà phân công nhau ra chợ chọn tìm thực phẩm ngon mua về cùng nhau chế biến món ăn tươi ngon. Con cháu trong nhà sửa soạn mâm cơm là những món ăn từ sản vật địa phương, những món mà bố, mẹ ưa thích, thể hiện lòng thành kính của con cháu đối với ông bà, cha mẹ.

Anh Đặng Quang Huy tâm sự, mâm cỗ Tết dâng lên cha mẹ không nặng tính hình thức, điều quan trọng là tấm lòng của con cháu dâng lên các bậc sinh thành. Đây cũng là dịp để con cháu quây quần bên ông ba, cha mẹ, cùng ăn bữa cơm tất niên.

“Hàng năm, đại gia đình luôn tổ chức mâm cơm để báo hiếu cha mẹ, theo phong tục gọi là bưng cỗ Tết. Gia đình tổ chức dâng mâm cỗ, tặng quà cha mẹ để động viên các cụ trong năm mới. Đây là tinh thần, tấm lòng của con cái và là phong tục tập quán, truyền thống của bà con, địa phương, dòng họ để giáo dục con cái truyền thống báo hiếu từ dòng tộc, từ gia đình cho đến ra ngoài xã hội”.

Mâm cơm được bày dọn tươm tất, những người con phải biết chọn được những món cha, mẹ thích tỏ lòng báo hiếu với ước nguyện cha, mẹ sống lâu trăm tuổi, sum vầy bên con cháu.

Năm nay, đại gia đình anh Đặng Quang Huy rủ nhau về đông đủ, cùng sửa soạn mâm cỗ Tết dâng cha mẹ. Mâm cỗ có nhiều món ăn ngày Tết như cơm, xôi, cặp bánh chưng, 4 hoặc 6 chiếc bánh rò (bánh nếp gói lá dong rừng, hình vuông, không có nhân), 10 chiếc bánh ít, con gà luộc, nồi canh, thịt, cá kho... Tất cả đều là sản vật địa phương và những món đặc trưng của người Nguồn.

Có nơi, con cái tập trung ở nhà cha mẹ chuẩn bị nấu mâm cơm nhưng cũng có nơi con cái đã lập gia đình riêng, nấu mâm cơm tươm tất rồi xếp thành gánh, đưa đến nhà cha mẹ bày tỏ lòng biết ơn các bậc sinh thành.

Tục bưng cỗ Tết dâng cha mẹ đã có từ rất lâu ở huyện vùng cao Minh Hóa. Đây là nét văn hóa rất đặc sắc của người dân địa phương này. Hiện nay, tục này đang có những thay đổi, người con làm mâm cơm dâng lên cha mẹ, sau đó cũng làm lễ tất niên cho một năm cũ, đón chào năm mới. Tuy nhiên, cũng có gia đình vẫn giữ nguyên nét văn hóa cũ, từng người con làm mâm cơm để báo hiếu cha mẹ. 

Ông Đặng Minh Đường, ở thôn Yên Phú, xã Trung Hóa, huyện Minh Hóa kể rằng, tục bưng cỗ Tết báo hiếu cha mẹ có nhiều điển tích, tuy nhiên người dân vẫn truyền nhau rằng, xưa kia cuộc sống còn khó khăn, những người con hiếu thảo thường bẫy heo rừng, nấu thành món ăn dâng lên cha mẹ. Dần dần về sau, cứ dịp giáp Tết, con cháu thường làm cơm với những sản vật kiếm được, mời cha mẹ ăn Tết trước sau đó con cháu mới bắt đầu ăn Tết.

“Phong tục này ở địa phương đây có từ lâu đời rồi. Khi năm hết năm mới đến, con cháu làm một mâm cơm gọi là bưng đến cho cha mẹ, ông bà ăn. Hiện nay con cháu tập trung lại làm cơm cho cha mẹ, ông bà ăn tại nhà, quây quần cùng nhau và sau đó có gì cha mẹ, ông bà trao đổi với con cháu. Năm cũ qua, năm mới đến mọi nhà từng con cháu là phải phát huy tinh thần đoàn kết trong anh em, họ hàng”.

Người Nguồn ở Minh Hóa coi việc bưng cỗ Tết là bổn phận của con, cháu, chắt chít đối với ông bà, bố mẹ. Không riêng gì những người trẻ mà những người đã 60, 70 tuổi còn bố mẹ thì vẫn làm tròn việc bưng cỗ Tết. Những gia đình nhiều thế hệ, họ vừa nhận cỗ Tết từ con, cháu nhưng vừa bưng cỗ Tết dâng lên bậc sinh thành ra mình còn sống.

Bên mâm cỗ ngày Tết, nhiều thế hệ người Nguồn thường kể lại câu chuyện về tục bưng cỗ Tết báo hiếu cha mẹ. Chuyện kể rằng, ngày xưa có một gia đình tộc trưởng người Nguồn giàu có sinh được 2 người con trai. Người con trai út lớn lên có tính tự lập cao, tự lập gia đình nhưng không xin bất cứ điều gì mà chỉ xin nhận tình thương yêu từ bố mẹ. Cảm kích trước nghị lực và tính tự lập của người con trai út, vợ chồng người tộc trưởng đã cho gia đình anh lên núi cao để làm ăn.

Ở trên núi cao rừng thẳm, năm này qua tháng khác, vợ chồng người con trai út do bận làm ăn nên mối liên hệ giữa họ với gia đình cũng thưa dần. Nhiều năm sau đã ổn định cuộc sống, đến gần Tết Nguyên đán, vợ chồng anh con trai út làm mâm cỗ mang về để giỗ bố mẹ vì nghĩ rằng họ đã khuất núi. Nhưng khi về nhà thì vợ chồng người con mới ngỡ ngàng là bố mẹ của mình còn mạnh khỏe.

Thế là mâm cỗ được bày ra, trước là để chúc thọ bố mẹ, sau là bữa cơm gặp mặt gia đình qua nhiều năm xa cách. Từ đó hằng năm, cứ gần đến Tết Nguyên đán, vợ chồng người con trai này đều gánh mâm cỗ về mời bố mẹ.

Dân làng cảm kích trước tấm lòng hiếu thảo của vợ chồng người con trai út nên làm theo. Và từ đó, việc bưng cỗ Tết trở thành một phong tục truyền thống tốt đẹp trong cộng đồng người Nguồn ở Minh Hóa cho đến ngày nay. 

Ông Đinh Tiến Dũng, Phó Chủ tịch UBND huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình cho rằng, mâm cỗ bưng lên cha mẹ ngày giáp Tết là tập tục đẹp và hiện còn được lưu giữ là điều rất đáng quý.

“Tục bưng cỗ tết là nét văn hóa truyền thống có từ lâu trên địa bàn huyện Minh Hóa, thể hiện sự báo hiếu, tình cảm của con cái, các cháu đối với cha mẹ, ông bà. Đây cũng là dịp những người đi làm ăn xa có điều kiện sum vầy với gia đình, gắn chặt tình cảm với gia đình, xóm làng. Chính vì nét văn hóa rất độc đáo, rất ý nghĩa như vậy nên huyện luôn chỉ đạo tăng cường công tác tuyên truyền để giữ gìn, bảo tồn nét văn hóa rất ý nghĩa này và nhất là giáo dục thế hệ trẻ để giữ gìn, bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống rất tốt đẹp của quê hương”.

Tục bưng cỗ Tết báo hiếu là một nét văn hóa đẹp của người Nguồn ở huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình. Cuộc sống ngày càng văn minh có thể làm phai mờ những nét văn hóa xa xưa nhưng đối với người Nguồn, dù đi làm ăn xa hay ở gần, khi Tết đến, Xuân về, họ về đều nhớ về quê hương, nhớ gia đình, nhớ mâm cơm báo hiếu bậc sinh thành và là ngày sum vầy bên cha, mẹ, người thân.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Phố cổ Hà Nội nhộn nhịp người mua sắm, dạo chơi trong ngày 26 Tết
Phố cổ Hà Nội nhộn nhịp người mua sắm, dạo chơi trong ngày 26 Tết

VOV.VN - Hôm nay (25/1, tức 26 tháng Chạp) cũng là ngày nghỉ Tết đầu tiên trong kỷ nghỉ kéo dài 9 ngày. Người dân ở Thủ đô hối hả trang hoàng nhà cửa, mua sắm Tết.

Phố cổ Hà Nội nhộn nhịp người mua sắm, dạo chơi trong ngày 26 Tết

Phố cổ Hà Nội nhộn nhịp người mua sắm, dạo chơi trong ngày 26 Tết

VOV.VN - Hôm nay (25/1, tức 26 tháng Chạp) cũng là ngày nghỉ Tết đầu tiên trong kỷ nghỉ kéo dài 9 ngày. Người dân ở Thủ đô hối hả trang hoàng nhà cửa, mua sắm Tết.

Dùng “0 đồng” trao cơ hội đón Tết cho bệnh nhân nhồi máu cơ tim nguy kịch
Dùng “0 đồng” trao cơ hội đón Tết cho bệnh nhân nhồi máu cơ tim nguy kịch

VOV.VN - Ngày 22/1, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ cho biết các bác sĩ khoa Tim mạch can thiệp vừa cứu sống bệnh nhân nhồi máu cơ tim nguy kịch.

Dùng “0 đồng” trao cơ hội đón Tết cho bệnh nhân nhồi máu cơ tim nguy kịch

Dùng “0 đồng” trao cơ hội đón Tết cho bệnh nhân nhồi máu cơ tim nguy kịch

VOV.VN - Ngày 22/1, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ cho biết các bác sĩ khoa Tim mạch can thiệp vừa cứu sống bệnh nhân nhồi máu cơ tim nguy kịch.