Bảo đảm an toàn cho tàu và ngư dân khai thác hải sản trên biển

Theo số liệu thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Định, toàn tỉnh có trên 9.200 tàu gắn máy với trên 48.000 ngư dân đánh bắt hải sản.

Trong đó, có hơn 3.800 tàu và 28.000 ngư dân đánh bắt hải sản ở những vùng xa bờ.

Năm 2009, sản lượng khai thác hải sản của tỉnh ước đạt trên 129.083 tấn, tăng 8,6% so với cùng kỳ, trong đó sản lượng hải sản đánh bắt xa bờ chiếm 84,3 % và tăng 7,8 % so với cùng kỳ năm 2008. Tuy nhiên, năm 2009 tỉnh Bình Định có 137 phương tiện bị chìm, trong đó có 70 phương tiện tàu thuyền bị hư hỏng nặng do bão số 9 và 11 vừa qua. Vì vậy, công tác bảo đảm an toàn tàu thuyền và ngư dân đi khai thác hải sản trên biển, nhất là trong mùa mưa bão là một vấn đề cần được quan tâm đúng mức.

Nghề khai thác hải sản của tỉnh Bình Định vẫn mang đậm nét là nghề cá nhân dân. Sản xuất nhỏ lẻ, phân tán với qui mô hộ gia đình là chính phần lớn hộ ngư dân còn nghèo, trình độ văn hoá thấp, ý thức trách nhiệm chưa cao, nên đã gây không ít khó khăn cho công tác quản lý, chỉ đạo đánh bắt và theo dõi ngư trường hoạt động trên biển.

Theo ông Võ Thành Tiên, Giám đốc sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Định: Để đảm bảo an toàn cho tàu thuyền và ngư dân đánh bắt hải sản trên biển, nhất là ở những ngư trường xa bờ trong thời tiết xấu và mùa mưa bão, trước hết là làm tốt công tác kiểm tra trang bị an toàn cho tàu thuyền và ngư dân trước khi ra khơi.

Bắt buộc tất cả các tàu thuyền hoạt động trên biển đều có giấy phép hành nghề, trang bị kỹ thuật, máy móc, thông tin liên lạc, đăng ký và khai báo tần số liên lạc, thời gian và ngư trường đang hoạt động cho cơ quan quản lý thuỷ sản, chính quyền địa phương và đồn biên phòng sở tại biết. Đối với tàu đánh bắt xa bờ phải được trang bị máy thông tin liên lạc tầm xa và phải liên lạc 2 chiều với cơ quan chức năng trên bờ, giữ thông tin liên lạc thông suốt để kịp thời xử lý mọi tình huống bất cập xẩy ra.

Tổ chức hệ thống thông tin liên lạc quản lý tàu thuyền hoạt động trên biển, trước mắt điều tra các loại máy thông tin liên lạc trên tàu cá, tần số liên lạc, số điện thoại của các chủ tàu, các tổng đài liên lạc hiện có, trong ngư dân và đầu tư trang bị tổng đài cho lực lượng tìm kiếm cứu nạn của sở Thuỷ sản, Bộ đội biên phòng và các địa phương có ngư dân hành nghề trên biển. Tổ chức tốt công tác quản lý đăng kiểm, đăng ký tàu thuyền và thuyền viên, nhất là loại tàu có công suất từ 20 CV trở lên.

Đồng thời hướng dẫn ngư dân, tần số liên lạc và thời gian phát thông báo bão của các đài Duyên hải và tần số của các đơn vị tìm kiếm cứu nạn . Tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục ngư dân tự giác chấp hành các qui định bảo đảm an toàn trên biển. Ngành từng bước phát triển mô hình “tổ  đội" tàu đánh bắt xã bờ, để có điều kiện hỗ trợ nhau trong qua trình khai thác, bảo quản sản phẩm sau thu hoạch, phòng chống thiên tai và kịp thời ứng phó nhau khi gặp rủi ro tai nạn trên biển. Mặt khác, ngành xây dựng qui chế phối hợp đồng bộ giữa các ngành, các cấp chính quyền địa phương và các đơn vị làm nhiệm vụ phòng chống lụt bão- tìm kiếm cứu nạn và thiết lập hệ thống thông tin liên lạc giữa Ban chỉ huy từ Trung ương đến địa phương cơ sở, để phối hợp khi có tình huống xấu xảy ra./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên