“Hậu phương” ở nơi đầu con sóng

Vượt qua gần 400 hải lý, con tàu HQ 996 chở 62 hành khách đặc biệt - thân nhân của các chiến sĩ đang làm nhiệm vụ tại khu vực phía Nam quần đảo Trường Sa. Cuộc gặp gỡ của cha con, những người vợ trẻ với chồng làm nhiệm vụ nơi đảo xa… thật xúc động.

“Nơi anh đến là biển xa, nơi anh tới ngoài đảo xa

Từ mảnh đất quê ta giữa đại dươ­ng mang tình thươ­ng quê nhà

Đây Trường Sa, kia Hoàng Sa

Ngàn bão tố phong ba đã vượt qua v­ượt qua…”

Ba hồi còi tàu hú vang, tàu HQ 996 xuất phát từ cảng Cam Ranh lúc ráng chiều nhuộm đỏ một vùng biển. Sự có mặt của 62 vị khách đặc biệt trên tàu làm các thủy thủ rất vui. Họ là cha, mẹ, là vợ của đồng đội các anh đang làm nhiệm vụ ở quần đảo Trường Sa.

Sau bữa cơm tối, mọi người trong đoàn dù ở các tỉnh, thành phố khác nhau trên mọi miền đất nước cùng lên bong tàu, nói cười thân mật, ánh mắt hướng về phía đảo xa. Tất cả các thân nhân đều chung một tâm trạng nóng lòng muốn tới những điểm đảo thật nhanh để gặp người thân của mình.

Phạm Thị Thanh Xuân, cô gái trẻ nhất đoàn (24 tuổi), vợ của Trung úy Nguyễn Văn Hợi làm nhiệm vụ trên đảo Song Tử Tây, khuôn mặt rạng ngời, ánh mắt ngập niềm vui vì sắp được gặp chồng. Hai vợ chồng người lính trẻ cưới nhau được một tháng thì anh Hợi ra đảo, tới nay hơn một năm, Xuân chưa gặp được chồng.

Những ánh mắt ngóng về đảo xa

Kể về tình yêu với người lính đảo, Xuân tâm sự: tác phong của người lính đã gây ấn tượng đặc biệt với cô, đến nhà người yêu chơi, nhưng đúng 9 giờ là về để đi ngủ như trong đơn vị. Khi trên đảo chưa có sóng điện thoại, mỗi lần nhận thư của người yêu, Xuân thường nhận một phong bì thư với rất nhiều lá thư, giống tập nhật ký của người lính: “Cứ 2 tháng, thậm chí hơn, em mới nhận được thư anh ấy gửi về. Mỗi lần gửi về, anh ấy gửi cho em rất nhiều thư, mấy lá trong một cái phong bì. Anh ấy viết liên tục, mỗi ngày một ít, cứ như là nhật ký, đến đợt gửi, anh ấy gom lại gửi về thành ra rất nhiều thư. Cứ như thế, không biết tình cảm đến từ lúc nào, yêu anh từ lúc nào không biết”. 

Với cô giáo Đào Thị Thu Trang, vợ của Đại úy Hà Văn Kiên, Chính trị viên đảo chìm Len Đao, tình yêu với màu áo lính có từ khi còn nhỏ, khi ông, cha đều là những người lính chiến đấu bảo vệ quê hương. Cái Tết đầu tiên làm dâu, nhưng cô không có chồng bên cạnh. Qua những khó khăn cách trở về khoảng cách, Trang cũng như bao người vợ cán bộ, chiến sỹ khác trở thành “hậu phương vững chắc” cho người lính làm nhiệm vụ canh giữ biển trời quê hương, thay chồng báo hiếu với bố mẹ lúc đau ốm: “Cưới được 6 tháng, em có bầu thì mẹ chồng nằm viện. Biết tin, mỗi lá thư gửi về, anh đều động viên và đặt tin tưởng em có thể chăm sóc mẹ chồng, mặc dù không ít khó khăn. Thỉnh thoảng khi nghĩ lại, được sự tin tưởng của chồng, mình phải cố gắng nhiều”.

Niềm vui cặp vợ chồng sĩ quan trẻ

Vượt qua muôn trùng sóng, tàu HQ 996 cập bến 6 điểm đảo phía Bắc quần đảo Trường Sa. Giữa bát ngát một vùng trời biển, những người cha, người mẹ, người vợ với những vòng tay xiết chặt khi gặp gỡ người than đang làm nhiệm vụ ngoài đảo, tiếng nói cười vang cả cầu cảng lẫn những giọt nước mắt xúc động nghẹn ngào. Hơi ấm đất liền đã truyền ra đảo xa để những người con đất Việt kiên trung nơi đầu sóng ngọn gió.

Cao Trần Trung Hiếu làm nhiệm vụ trên đảo Nam Yết, sau khi gặp mẹ ra thăm, xúc động nói: “Được mẹ ra thăm, em rất vui mừng và sung sướng. Ở nơi tiền tiêu của Tổ quốc, được mẹ ra thăm thật vinh dự và tự hào, là nguồn động viên để em hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc”

Tối văn nghệ tại đảo Song Tử Tây, lời ca tiếng hát hoà quyện với tiếng sóng. Tình thân, tình hậu phương và trên tất cả là tình yêu Tổ quốc, nghĩa đồng bào sưởi ấm trái tim những người chiến sĩ trẻ. Chiến sĩ Võ Văn Hiển làm nhiệm vụ trên đảo Song Tử Tây dù không có người thân ra thăm nhưng vẫn cảm nhận được tình cảm ấm áp nơi đất liền. Võ Văn Hiển nói: “Tuy lần này không được đón người thân ra thăm, nhưng cảm xúc trong em là một người lính xa quê, làm nhiệm vụ xa đất liền, nhưng em vẫn cảm thấy rất hạnh phúc khi được đảo tạo điều kiện để gia đình ra thăm, đó là nguồn động viên rất lớn đối với người chiến sĩ bọn em xa quê ở đây”

“Tổ quốc nơi đầu sóng”, ở đó những người con đất Việt vẫn kiên trung đối mặt với sóng gió, ngày đêm giữ vững tay súng để canh giữ vùng trời biển, bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ. Tình nghĩa nơi hậu phương sưởi ấm lòng những người chiến sĩ đang làm nhiệm vụ thiêng liêng canh giữ biển trời Tổ quốc./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên