Hội thảo quốc tế về tính pháp lý sau phán quyết của Tòa trọng tài
VOV.VN - GS Mai Hồng Quỳ cho rằng, biện pháp sử dụng Toà trọng tài là một trong những lựa chọn được các quốc gia có những tranh chấp về biển hết sức quan tâm.
Sáng nay (23/7), Hội thảo quốc tế “Những vấn đề pháp lý liên quan đến phán quyết của Toà trọng tài thành lập theo Phụ lục VII Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982” do Trường Đại học Luật TPHCM phối hợp với Hội Luật gia Việt Nam tổ chức đã diễn ra tại Hội trường Thống Nhất, TPHCM. Hội thảo thu hút hơn 200 đại biểu là chuyên gia nghiên cứu về Luật quốc tế, Luật biển trong và ngoài nước tham gia.
Đại biểu trong và ngoài nước tham dự hội thảo. |
Trong buổi sáng nay, hội thảo tiến hành phiên thảo luận, đánh giá về các biện pháp tư pháp giải quyết tranh chấp về Biển Đông dựa trên Luật Biển năm 1982 và các công ước quốc tế.
Các tham luận được trình bày tại hội thảo nhấn mạnh, về phương diện quốc tế, phán quyết của Toà trọng tài đối với vụ kiện của Philippines với Trung Quốc có ý nghĩa chính trị, pháp lý, ảnh hưởng và tác động rất lớn đến quan hệ quốc tế, nhất là các quốc gia trong khu vực biển Đông. Việc làm sáng tỏ các vấn đề pháp lý này là rất cần thiết đối với Việt Nam, cũng như các quốc gia trong khu vực.
Các đại biểu cũng tập trung làm rõ mối quan hệ giữa Toà trọng tài thường trực La Hay (gọi tắt là PCA) với Toà trọng tài được thành lập theo Phụ lục VII của UNCLOS.
Trọng tài chính thức giải quyết vụ kiện của Philippines với Trung Quốc không phải là PCA, mà là Toà trọng tài được thành lập theo Phụ lục VII của UNCLOS. Toà đã phán quyết cuối cùng về vụ kiện này với 5 nội dung, trong đó, cho rằng Trung Quốc đã vi phạm quyền chủ quyền của Philippines trong vùng đặc quyền kinh tế của nước này bằng việc can thiệp vào hoạt động đánh cá và thăm dò dầu khí của Philippines, xây dựng đảo nhân tạo và không ngăn chặn ngư dân Trung Quốc đánh bắt trong khu vực.
Toà trọng tài cũng kết luận, trong phạm vi quyền lịch sử của Trung Quốc đối với các nguồn tài nguyên trong các vùng biển ở biển Đông, Trung Quốc không có bất kỳ bằng chứng nào cho thấy về mặt lịch sử đã một mình thực hiện việc kiểm soát vùng nước này cũng như tài nguyên tại đây.
GS.TS Mai Hồng Quỳ, Hiệu trưởng Trường Đại học Luật TPHCM, Trưởng Ban tổ chức hội thảo cho biết, Luật Biển năm 1982 đã dành 27 trong 320 điều và 4 trong số 9 phụ lục quy định chi tiết các biện pháp giải quyết tranh chấp bằng chính trị - ngoại giao và biện pháp tài phán. Như vậy, các quy định về giải quyết tranh chấp của UNCLOS 1982 là cơ sở pháp lý quan trọng nhất để các quốc gia vận dụng để giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hoà bình.
Giáo sư Mai Hồng Quỳ cũng cho rằng, việc nghiên cứu các biện pháp về tư pháp theo quy định của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển và đặc biệt là biện pháp sử dụng Toà trọng tài được thành lập theo Phụ lục VII của Công ước Liên Hợp Quốc là một trong những lựa chọn hiện nay được các quốc gia có những tranh chấp về biển hết sức quan tâm. Đặc biệt, sau sự kiện ngày 12/7/2016, Toà trọng tài được thành lập theo Phụ lục VII này đã ra phán quyết về vụ kiện giữa Philippines và Trung Quốc./.
Việt Nam kêu gọi các bên kiềm chế sau phán quyết của PCA