Những người xây đảo Trường Sa:

Kỳ 1: Nhiệm vụ đặc biệt đêm Giao thừa

Đêm Giao thừa Tết Mậu Thìn (1988), mệnh lệnh khẩn cấp từ Bộ Tư lệnh Quân chủng Hải quân: Đoàn M31 Công binh Hải quân huy động một lực lượng hành quân ra Trường Sa xây dựng đảo

Để có quần đảo Trường Sa hiên ngang, vững chãi giữa biển Đông như ngày nay, cách đây 23 năm về trước, những người lính Đoàn M31 Công binh Hải quân đã vượt sóng ra Trường Sa với sứ mệnh mới - xây dựng đảo.

Mục tiêu xây dựng Trường Sa mạnh về phòng thủ, là trung tâm văn hóa xã hội của quân và dân huyện đảo có ý nghĩa chính trị đặc biệt quan trọng trong chiến lược bảo vệ Tổ quốc từ hướng biển. Điều này cũng khẳng định với thế giới rằng, quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa là của Việt Nam.

Chia tay trước giờ ra Trường Sa xây đảo của chiến sĩ đoàn M31 Công binh Hải quân

Trước yêu cầu khách quan về nhà ở và hệ thống phòng thủ bảo vệ đảo, Bộ Quốc phòng đã giao nhiệm vụ cho Bộ Tư lệnh Hải quân tiến hành khảo sát xây dựng các nhà kiên cố trên quần đảo Trường Sa. Việc xây dựng phải bảo đảm 2 yếu tố cơ bản: Là nơi phòng thủ kiên cố, có tầm quan sát rộng, tiện cho cơ động sẵn sàng chiến đấu và tránh nắng nóng; tránh ẩm thấp do nước biển mặn, đón được hướng gió, bảo đảm mọi sinh hoạt công tác, huấn luyện, vui chơi của bộ đội.

Anh phải đi vì Tổ quốc đang cần

Thượng tá Nguyễn Viết Nhất, Chính ủy Đoàn M31 Công binh Hải quân đón chúng tôi trước cổng. Sau những cái bắt tay siết chặt, ông không kể về những thành tích hay những tấm Huân, Huy chương treo kín phòng Hồ Chí Minh, mà kể về những ngày đầu tiên ông chỉ huy bộ đội ra Trường Sa xây đảo.

“Ngày đó đi Trường Sa đồng nghĩa với sự hy sinh không hẹn ngày về, song tình yêu Tổ quốc đã thúc giục chúng tôi. Hai tiếng Trường Sa thiêng liêng vô cùng. Biết ra đi có thể sẽ hy sinh, nhưng mọi người đều sẵn sàng vì Tổ quốc đang cần. Sau những tấm Huân, Huy chương, bằng khen, giấy khen đang được treo trang trọng ở đây là mồ hôi, xương máu của nhiều thế hệ cán bộ chiến sĩ trong những ngày đầu đem đá từ đất liền ra xây dựng đảo”, Thượng tá Nguyễn Viết Nhất tâm sự.

Đảo Đá Lớn ngày đầu giải phóng. (Ảnh tư liệu chụp lại từ bảo tàng Hải quân).

Đêm Giao thừa Tết Mậu Thìn (tức ngày 16/2/1988), mệnh lệnh khẩn cấp từ Bộ Tư lệnh Quân chủng Hải quân: Đoàn M31 Công binh Hải quân có nhiệm vụ chỉ huy một lực lượng bộ đội hành quân ra Trường Sa tiếp tục xây dựng đảo. Lực lượng trực tiếp đi xây dựng đảo lúc đó là một phân đội được điều từ Đoàn M47 đóng quân ở Quảng Ninh vào Cam Ranh tỉnh Phú Khánh (nay là tỉnh Khánh Hòa).

Đêm 30 Tết, trời rét căm căm. Thay vì quây quần bên nồi bánh chưng chờ đón Giao thừa như mọi người, Đại úy Nguyễn Viết Nhất cùng đồng đội triệu tập cuộc họp khẩn cấp, quán triệt nhiệm vụ, chuẩn bị cơ sở vật chất và sẵn sàng đi đảo. Cán bộ chủ chốt của đơn vị đêm 30 Tết tỏa xuống các gia đình quân nhân quanh khu vực đóng quân chúc Tết, nhưng thực chất là nắm tình hình, động viên tư tưởng bộ đội để sáng mùng 1 Tết xuất phát vào Cam Ranh. Ôm vợ con trong vòng tay lúc pháo Giao thừa râm ran nổ, Nhất nói: “Anh đi công tác xa, em cố gắng chăm con. Anh phải đi vì Tổ quốc đang cần”. Nhất hôn lên khóe mắt vợ. Những giọt nước mắt chia ly mặn chát.

“Chúng ta xin thề trước hương hồn của tổ tiên, trước hương hồn của các cán bộ, chiến sĩ đã hy sinh vì Tổ quốc. Xin hứa với đồng bào cả nước, xin nhắn nhủ với các thế hệ mai sau: Quyết tâm bảo vệ bằng được Tổ quốc thân yêu, bảo vệ bằng được Quần đảo Trường Sa - một phần lãnh thổ và lãnh hải thiêng liêng của Tổ quốc thân yêu của chúng ta”,  Đại tướng Lê Đức Anh.

Sáng mùng 1 Tết Mậu Thìn, xe của Đoàn M31 đến từng nhà đón cán bộ và hành trình vào cảng Cam Ranh (Khánh Hòa). Tại đây bộ đội được học tập chính trị, bồi dưỡng tinh thần yêu nước, xác định ý chí quyết tâm, chấp nhận gian khổ và sẵn sàng đi đảo. Ngày 15/3/1988, phân đội đầu tiên của Đoàn M31 Công binh Hải quân hành trình ra Trường Sa. Chuyến tàu đầu tiên ấy chở 70 cán bộ, chiến sĩ. Họ ra đi với quyết tâm cháy bỏng, phải xây dựng bằng được ở biển Đông cột mốc chủ quyền của Tổ quốc. Lúc đó Nguyễn Viết Nhất tròn 28 tuổi, là đảng viên trẻ của đơn vị.

Những “Loa thành” trên sóng

Chiếc tàu mang ký hiệu LTU có trọng tải 40 tấn chở đầy ắp đá, xi măng, sắt thép cùng 70 cán bộ chiến sĩ xuất phát lúc nửa đêm. Ra khỏi cảng Cam Ranh, sóng nổi lên dữ dội. Hầu hết các chiến sĩ đều say sóng. Tàu LTU là dạng tàu “há mồm” thiết kế chuyên chở hang, không có phòng ngủ, tất cả cán bộ chiến sĩ phải “tùy địa hình ứng biến”. Người mắc võng ngủ ngoài lan can, người ngủ trên Đài chỉ huy, người ngủ dưới hầm hàng.

Trên trời nắng như thiêu như đốt, dưới biển sóng ầm ầm dữ dội. Mặc cho nắng, sóng gió, những người lính công binh vẫn vững vàng ý chí vượt sóng. Ai cũng mong nhanh đến Trường Sa để đặt lên bãi đá ngầm viên đá đầu tiên.

Trường Sa ngày ấy không có cầu cảng như bây giờ, việc vận chuyển đá, sắt thép, vật liệu xây dựng vào đảo vô cùng gian khổ. Tất cả đều dùng đến sức người. Tàu LTU neo cách đảo Đá Lớn chừng 3km. Vật liệu được bốc xuống xuồng để các chiến sĩ đẩy vào đảo hoặc buộc dây vào xuồng kéo trên sóng. Nếu thủy triều xuống thấp, vật liệu được chuyển vào đảo theo kiểu chuyền tay nhau. Thủy triều lên ngang bụng thì ôm đá ngầm trong nước, vật lộn với sóng lừng. Có chiến sĩ vác đá lội gần vào đảo thì gặp sóng lừng, cả đá lẫn người chìm nghỉm dưới biển. Hàng nghìn viên đá lớn nhỏ, hàng chục tấn sắt, hàng trăm tấn xi măng đã được bàn tay chiến sĩ hải quân Đoàn M31 chuyển vào đảo an toàn bằng cách đó.

Như một sự diệu kỳ, giữa nắng gió Trường Sa khắc nghiệt, không phương tiện hiện đại, chỉ 12 ngày đêm, 70 cán bộ chiến sĩ đã xây xong một ngôi nhà trên đảo Đá Lớn theo tiêu chuẩn cấp 3. Đây là ngôi nhà kiên cố đầu tiên trên quần đảo Trường Sa tính đến thời điểm ấy.

Một góc đảo Trường Sa lớn hôm nay

Khi nói về chuyến tàu đầu tiên đem đá từ đất liền ra xây đảo, Đại tá Vũ Tiến Quỳnh, hiện là Chỉ huy trưởng Đoàn M31 Công binh Hải quân chia sẻ: “Ngôi nhà kiên cố đầu tiên xây dựng trên đảo Đá Lớn năm ấy không chỉ khẳng định ý chí làm chủ biển đảo Tổ quốc của bộ đội Hải quân Việt Nam, sức mạnh tinh thần tự vệ biển đảo, mà còn là bằng chứng công bố với thế giới rằng, quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa là của Việt Nam, việc xây dựng bảo vệ quần đảo của mình là sứ mệnh của quân và dân Việt Nam chứ không phải là ai khác”.

Sau ngôi nhà cấp 3 đầu tiên hoàn thành ở đảo Đá Lớn, những người lính Đoàn M31 lại tiếp tục nhận nhiệm vụ mới. Từ năm 1989, cán bộ chiến sĩ các đơn vị Đoàn M31, Trung đoàn 83 tiếp tục cắm mốc và xây dựng nhà ở các đảo Cô Lin, Len Đao, Gạc Ma, Sinh Tồn, Nam Yết… Để có mỗi ngôi nhà xây dựng trên đảo và được cắm lá cờ đỏ sao vàng, các chiến sĩ Công binh Hải quân đã đổ nhiều mồ hôi, nước mắt và máu, nhiều cán bộ chiến sĩ đã anh dũng ngã xuống để những ngôi nhà mãi mãi trường tồn.

Cho đến hôm nay, lời thề của nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh tại quần đảo Trường Sa ngày 7/5/1988 vẫn vang vọng mãi trong tim những người giữ biển./.

Kỳ 2: Chống chọi giữa đại dương

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên