Kỷ niệm 35 năm Ngày giải phóng Quần đảo Trường Sa

Giải phóng Quần đảo Trường Sa là một mốc son khẳng định sự trưởng thành và lớn mạnh của Hải quân nhân dân Việt Nam.

Ngày 27/4, tại đảo Song Tử Tây, quân và dân huyện đảo Trường Sa tổ chức kỷ niệm 35 năm giải phóng toàn bộ Quần đảo (29/4/1975-29/4/2010). Dự lễ có bà Nguyễn Thị Thanh Hoà, Uỷ viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam; ông Võ Lâm Phi, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Khánh Hoà, Chuẩn đô đốc Nguyễn Văn Ninh, Phó Tư lệnh Quân chủng Hải Quân Việt Nam và đại diện các Bộ, ban, ngành cùng đông đảo cán bộ, chiến sĩ và nhân dân xã Song Tử Tây.

Cách đây 35 năm, sau chiến thắng vang dội ở mặt trận Buôn Mê Thuột, Huế, Đà Nẵng, Khánh Hoà và một số tỉnh khác, vào rạng sáng ngày 14/4/1975, quân chủng Hải quân đã sử dụng lực lượng tàu hải quân của Lữ đoàn M25 chở bộ đội đặc công hải quân bí mật đổ bộ giải phóng đảo Song Tử Tây. Sau 30 phút chiến đấu, Hải quân nhân dân Việt Nam đã hoàn toàn làm chủ đảo Song Tử Tây. Từ đây, hệ thống phòng thủ của địch trên quần đảo Trường Sa bị suy yếu nghiêm trọng. Lực lượng hải quân nhân dân Việt Nam tiếp tục triển khai lực lượng lần lượt giải phóng các đảo Sơn Ca, Nam Yết, Sinh Tồn và đến 9 giờ ngày 29/4/1975 giải phóng đảo Trường Sa.

Phát biểu tại buổi lễ kỷ niệm, ông Võ Lâm Phi, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Khánh Hoà nói: “Chúng tôi đến đây với niềm cảm xúc rất sâu đậm. Sau 35 năm kể từ ngày giải phóng huyện đảo cho đến nay, công sức của đảng viên, cán bộ và đặc biệt là của nhân dân trên huyện đảo đã xây dựng lên một huyện đảo đẹp, xanh hơn, có sức sống mãnh liệt hơn. Có thể nói, đây là vinh dự lớn đối với chúng tôi khi được tham dự buổi lễ với những giờ phút thiêng liêng này”.

Giải phóng Quần đảo Trường Sa là một mốc son khẳng định sự trưởng thành và lớn mạnh của Hải quân nhân dân Việt Nam, tinh thần khắc phục khó khăn, tự lực tự cường, ý chí quyết đánh và sự độc lập tác chiến trên biển của các lực lượng quân chủng hải quân, đặc biệt là bộ đội đặc công hải quân.

Trở lại đảo Song Tử Tây sau 35 năm ngày giải phóng, Đại tá Nguyễn Ngọc Quế, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, người trực tiếp chỉ huy lực lượng đổ bộ đánh chiếm đảo như được trở về nhà. Đại tá Nguyễn Ngọc Quế nói: “Đảo chính là vị trí hết sức quan trọng, bất khả xâm phạm, đồng thời chỗ dựa cho bà con đánh bắt cá. Đảo được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, triệu triệu trái tim hướng về đảo, cho nên mọi người ở đất liền ra đảo rất cảm động”.

Trạm xá trên đảo

Trường Sa giờ đây có nhiều thay đổi. Các đảo nổi đều có các bệnh xá được trang bị tương đối hiện đại với đội ngũ y, bác sĩ có trình độ chuyên môn cao, chăm sóc sức khoẻ cho quân, dân trên đảo và ngư dân đánh bắt, khai thác hải sản trên vùng biển quần đảo Trường Sa. Nhà cửa được xây dựng khang trang, kiên cố. Hệ thống điện gió và mặt trời ở các đảo đáp ứng được nhu cầu về điện của người dân.

Chị Huỳnh Thị Thanh Thương, người dân đảo Song Tử Tây tâm sự: “Lần đầu tiên dự buổi lễ như thế này, tôi rất xúc động. Khi ra sinh sống tại đảo, tôi cố gắng góp công sức xây dựng quê hương để không phụ  sự quan tâm của mọi người với Trường Sa”.

Cơ sở hạ tầng ngày một khang trang hơn

35 năm phát triển đủ để chứng minh sự vững bước đi lên của xã Song Tử Tây nói riêng và huyện Trường Sa nói chung. Đời sống của quân và dân trên các đảo phát triển toàn diện. Sự quan tâm của các cấp chính quyền và nhân dân cả nước, cũng như sự nỗ lực vượt lên khó khăn của quân và dân trên các đảo đã đưa Trường Sa gần hơn với đất mẹ thân yêu./.
Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên