Ở nơi cờ Tổ quốc tung bay giữa trời và biển

Với những chiến sĩ sống ở nơi đầu sóng ngọn gió, nhiệm vụ thiêng liêng đang làm và tinh thần đồng đội đã trở thành sức mạnh, niềm vui và ý chí sắt đá giúp họ đẩy lùi mọi khó khăn, nguy hiểm.  

Hai mươi năm trước, ngày 5/7/1989, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng ra chỉ thị về việc xây dựng “Cụm kinh tế - khoa học dịch vụ” trên thềm lục địa phía Nam thuộc đặc khu Vũng Tàu - Côn Đảo (gọi tắt là DK1). Những người nhận lãnh sứ mệnh gian khó này là các cán bộ chiến sĩ hải quân xây dựng nhà giàn đầu tiên tại bãi đá ngầm Phúc Tần (Trạm Kinh tế - Khoa học - Dịch vụ Phúc Tần).

Hai mươi năm, bao chiến sĩ đã hy sinh tuổi xuân của mình cho sự bình yên của thềm lục địa phía Nam Tổ quốc. Để hiểu hơn về cuộc sống, công việc của các chiến sĩ Hải Quân nơi đầu sóng ngọn gió này, phóng viên VOV tại TP Hồ Chí Minh vừa có chuyến hành trình đến với DK1 và cảm nhận sâu sắc về nơi cờ Tổ quốc tung bay giữa trời biển mênh mông này.

Dù đã từng được nghe kể nhiều về những chiến sĩ Hải quân trẻ tuổi, yêu đời, mạnh mẽ và những gian khổ của các anh khi làm nhiệm vụ ở thềm lục địa phía Nam Tổ quốc, nhưng có đến tận nơi mới cảm nhận được. Từ phía xa hình ảnh lá cờ Tổ quốc đang tung bay trong gió trên nóc những nhà giàn, lúc ấy trong mỗi chúng tôi đều rưng rưng niềm tự hào. 

Cũng phải đến khi vượt qua những bậc cầu thang trơn trợt bởi sóng biển dập dềnh để đặt chân lên Trạm Kinh tế- Khoa học- Dịch vụ nhà giàn DK1/17, chúng tôi mới thực sự thấu hiểu những khó khăn, vất vả mà những người lính trẻ tuổi này đã trải qua.

Bốn bề là sóng, là biển, đồng nghĩa với sự thiếu thốn mọi thứ, từ thứ tối cần thiết như nước sinh hoạt đến những thứ thuộc về đời sống tinh thần như nghe radio, xem truyền hình, với những chiến sỹ này, nhiệm vụ thiêng liêng đang làm và tinh thần đồng đội đã trở thành sức mạnh, niềm vui và ý chí sắt đá, đủ để đẩy lùi mọi khó khăn, nguy hiểm.

Chuẩn úy Vũ Ngọc Mạnh, y sĩ nhà giàn DK1/17 chia sẻ: “Ở đây, tình cảm anh em rất đoàn kết, sống yêu thương nhau như một gia đình. Mỗi khi nhớ nhà thì mình cũng viết thư về động viên gia đình là vì tuổi trẻ đi để giữ gìn vùng biển thiêng liêng của Tổ quốc để bố mẹ mình ở nhà không lo lắng gì để mình quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ”.

Trên bốn trụ sắt ấy, nhà giàn đã đứng vững bao năm qua, những chiến sỹ hải quân đã chống chọi với thời tiết khắc nghiệt, với những trận bão lớn, với những giờ phút mà sự sống và cái chết chỉ cách nhau trong gang tấc. Hai tháng một lần, báo chí và thư từ của đất liền gửi ra mới cập nhà giàn. Tất cả thông tin, từ niềm vui của những anh lần đầu được làm bố đến tình cảm của mọi người gửi toàn nhà giàn, đều được các anh cùng chia sẻ.

Niềm vui như được nhân lên, nỗi buồn cũng được san ra thành sự an ủi. Có anh lính còn rất trẻ nhưng đã nhiều tháng liền, nhiều năm liền lênh đênh với biển trời, chưa kịp có cho mình một mối tình. Thiếu úy Lê Văn Sản, quê Hải Phòng đã bảy năm gắn bó với nhà giàn tâm sự: “Khi nghe tin được về thì  ai cũng có cảm xúc rất là vui nhưng về bờ thì lại nhớ ngoài biển. Ngoài đây, anh em thỉnh thoảng viết thư từ cho nhau, hỏi thăm. Dù không cùng quê, nhưng trong bờ nghe tin ai lấy vợ, kể cả quê xa cũng vào hết”.

Giờ nghỉ, giữa những lá thư nhà, những bài báo, trang tạp chí, các anh còn tìm niềm vui trong việc chăm sóc những luống rau mồng tơi, cải trời hay cây chanh vừa bói quả… đang xanh tốt cùng nắng và sóng biển. Các anh kể, có lúc, đất trồng rau bị thấm nước biển mặn chát, phải đem đất ra rửa sạch bằng nước ngọt, phơi khô để dùng tiếp. Nhìn những khay rau này mới thấy hết sự kỳ công của lính biển và sức sống mãnh liệt của cây cỏ từ đất liền mang ra. Với các anh, rau không chỉ là thực phẩm cần thiết, mà còn là một phần của đất liền, thấy rau, thấy cây, như thấy một phần của mảnh vườn  quê nhà vậy.

Bất chấp tất cả, họ, những  chiến sĩ hải quân cùng nhà giàn của mình vẫn đứng đó, hiên ngang, chắc tay súng, ngày đêm canh giữ thềm lục địa và biển, đảo của tổ quốc. Đa số họ tuổi đời còn rất trẻ nhưng đều bày tỏ lòng nhiệt huyết, niềm tự hào khi được tiếp nối những thành tích, sự cống hiến, hy sinh của các thế hệ cán bộ chiến sĩ hải quân giữ thềm lục địa Nam tổ quốc trong suốt 20 năm qua.          

Thượng úy Lê văn Khải, chính trị viên DK1/16 khẳng định: “Để xứng đáng với niềm tin yêu của Đảng và nhân dân cả nước, chúng tôi xin hứa xây dựng bản lĩnh chính trị vững vàng, trung thành tuyệt đối với Đảng, với Tổ quốc với nhân dân. Đề cao tinh thần trách nhiệm, khắc phục khó khăn và vượt qua mọi khó khăn gian khổ, sẵn sàng nhận nhiệm vụ và sẵn sàng chiến đấu hi sinh với tinh thần còn người còn nhà giàn, còn biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc”.

Khu vực DK1 là vùng biển nằm trên thềm lục địa phía Nam Tổ quốc, án ngữ đường hàng hải quốc tế từ Đông Bắc Á xuống Đông Nam Á, trên tuyến hàng hải chính qua biển Đông. Đây cũng là khu vực có nhiều tiềm năng về kinh tế biển và có vai trò rất quan trọng trong quản lý, bảo vệ chủ quyền vùng biển, nên vùng biển DK1 hết sức quan trọng với công cuộc bảo vệ cũng như phát triển kinh tế biển của nước ta. Các vị trí chốt giữ ở DK1 là những vọng gác tiền tiêu, canh giữ và bảo vệ chủ quyền thềm lục địa phía Nam Tổ quốc. Và mỗi chiến sỹ hải quân đang là một phần của vị trí thiêng liêng đó./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên