Quốc gia biển phải có thương hiệu biển

Cần xây dựng logo cho thương hiệu biển chung và xây dựng giấy chứng chỉ xanh cho những vùng biển, những doanh nghiệp và cho những ngành hoạt động trên biển, bảo đảm vấn đề tài nguyên môi trường, theo hướng phát triển bền vững.

Hiện nay, các hệ sinh thái biển đang bị suy thoái nhanh. Diện tích rừng ngập mặn giảm mạnh trong vòng 30 năm qua. Chất lượng nước biển đang có xu hướng suy giảm, nhiều vùng biển bị ô nhiễm nặng... Đây là vấn đề đáng báo động cho nguồn tiềm năng biển Việt Nam. Vậy làm thế nào để tận dụng tối đa và hiệu quả những lợi thế của biển, phóng viên VOV phỏng vấn Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Chu Hồi, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam.

PV: Thưa ông, hiện nay, công tác quy hoạch và khai thác đang là lỗ hổng trong việc tận dụng tài nguyên biển ở nước ta. Ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?

Ông Nguyễn Chu Hồi: Hiện trạng của Việt Nam hiện nay là chúng ta đang khai thác những tài nguyên đã biết. Việc khai thác ấy chưa thực sự bền vững và hiệu quả. Bởi chúng ta vẫn còn những dạng tài nguyên chưa biết tới, cần phải tìm kiếm, thăm dò để đánh giá, để đưa vào các kế hoạch phát triển kinh tế biển của đất nước trong thời gian tới.

Nguyên nhân chính của tình trạng này là tiềm lực của ta còn yếu và thiếu. Muốn ra biển phải có khoa học công nghệ biển hiện đại và mạnh. Chúng ta có một vùng biển rộng, bờ biển dài, có truyền thống về biển nhưng chúng ta chưa có nghề biển đúng nghĩa, chưa trở thành một quốc gia hàng hải, mặc dù tiềm năng rất lớn. Chính vì vậy, đến giờ phút này, chúng ta vẫn khai thác biển bằng những công nghệ lạc hậu.

Thứ hai là nhận thức, chúng ta chỉ tập trung vào việc khai thác những tài nguyên vật chất nhìn thấy như dầu khí, thuỷ sản… nhưng chưa nhận thức được những giá trị chức năng của các hệ sinh thái, những giá trị phi vật thể của các không gian biển, hay tiềm năng vị thế của biển, vị trí địa lý. Những nguồn tài nguyên này có thể mang lại hiệu quả kinh tế lớn hơn rất nhiều lần so với các tài nguyên vật chất khác.

PV: Biển Việt Nam đang phải đối mặt với tình trạng nguồn thải từ đất liền ngày càng lớn, sự cố môi trường trên biển xảy ra thường xuyên, làm biển ở nhiều nơi bị ô nhiễm suy thoái, có nơi đã đến mức báo động, vậy theo ông chúng ta phải làm gì để khắc phục và hạn chế tình trạng này?

Ông Nguyễn Chu Hồi: Mức độ ô nhiễm của  biển Việt Nam ngày càng tăng. Tình trạng này cũng gắn với sự gia tăng các hoạt động phát triển về kinh tế xã hội ven biển trên các đảo hay trên mặt biển. Những hoạt động trong lĩnh vực chính như: dầu khí, hàng hải, du lịch đặc biệt là nghề cá và những hoạt động dịch vụ khác, những vấn đề an ninh chủ quyền, vấn đề xâm phạm của các tàu thuyền ngoại lai… đóng góp không ít tác nhân gây ô nhiễm.

Điển hình như vụ tàu thuyền nước ngoài trở 18 thùng phuy 200 có chứa chất cianua, chất gây mê. Khi chúng ta bắt được chỉ còn hơn 1 thùng, như vậy mười mấy thùng kia họ đã đổ xuống vùng biển nước ta và các nước láng giềng.

Hiện nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang xây dựng chiến lược xử lý chất thải và phải hình thành một hệ thống pháp luật mang tính tổng hợp và liên ngành. Đặc biệt, chúng ta phải có công cụ mới. Đó là quy hoạch để sử dụng không gian biển như quy hoạch sử dụng đất trên đất liền để phân bổ các không gian biển, ven biển vùng nước lợ cũng như các giá trị tài nguyên đi kèm cho các ngành trong từng giai đoạn phát triển, đồng thời tiến hành các công cụ pháp lý để kiểm soát việc thực hiện kiểu quy hoạch này.

PV: Thời gian tới, chúng ra sẽ phải làm gì để phát huy tiềm năng của kinh tế biển và phát triển tốt kinh tế biển, thưa ông?

Ông Nguyễn Chu Hồi: Trước tiên, chúng ta phải có một chiến lược đúng. Muốn kinh tế biển phát triển, chúng ta phải bắt đầu từ kinh tế duyên hải. Chúng ta phải xác định đúng, trúng, đâu là vùng động lực phát triển kinh tế biển, phải tổ chức lại kinh tế biển trên mối quan hệ lấy kinh tế làm trục chính để giải quyết các mối quan hệ giữa kinh tế và an ninh quốc phòng, giữa kinh tế với tài nguyên biển và ven biển, giữa kinh tế với môi trường biển ven biển và hải đảo, kinh tế và các vấn đề xã hội phải gắn kết với nhau.

Hiện nay, Tổng cục Biển và Hải đảo đang tiến hành quy hoạch sử dụng không gian biển, hay nói cách khác là quy hoạch sử dụng biển đảo giống như sử dụng đất để làm căn cứ cho các ngành kinh tế biển điều chỉnh lại bình đồ phát triển kinh tế của mình trong thời gian tới.

Thứ hai, quốc gia biển phải có thương hiệu biển. Thương hiệu biển là thương hiệu nền kinh tế, thương hiệu cho các doanh nghiệp, thương hiệu cho các mặt hàng sản xuất từ biển.

Để làm tốt thương hiệu biển, chúng tôi đã nghĩ đến việc xây dựng logo cho thương hiệu biển chung và xây dựng giấy chứng chỉ xanh cho những vùng biển, những doanh nghiệp và cho những ngành hoạt động trên biển bảo đảm vấn đề tài nguyên môi trường, theo hướng phát triển bền vững.

Khi đã có công dân biển, đã có thương hiệu biển và đã có quy hoạch tốt về không gian thì chúng ta phải tiến hành kiểm tra giám sát, thực thi luật có hiệu quả trên biển để thực hiện thành công mục tiêu biến tài nguyên biển thành tài sản.

PV: Xin cám ơn ông!/.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên