Sóng Đài toả khắp chốn biển Đông

Tiếng nói Việt Nam vươn xa trên biển khơi là minh chứng ước mong ngàn đời xưa ông cha ta mở mang bờ cõi và sự khẳng định tuyệt đối chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.

Từ tháng 8/2009, các chiến sỹ đang làm nhiệm vụ ở hải đảo xa xôi và những ngư dân hoạt động nghề cá trên biển Đông đã nghe rõ hơn các chương trình phát sóng của Đài Tiếng nói Việt Nam. Tiếng nói Việt Nam vươn xa trên biển khơi là minh chứng ước mong ngàn đời xưa ông cha ta mở mang bờ cõi và sự khẳng định tuyệt đối chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. Sóng Tiếng nói Việt Nam tỏa khắp chốn biển Đông, nối liền bến bờ vui giữa hải đảo và Đất Mẹ.

Tổ hợp máy phát sóng biển Đông được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng bấm nút chính thức đưa vào hoạt động ngày 29/8/2009

Giữa đại dương mênh mông, khi tia nắng đầu tiên của một ngày mới toả xuống lấp lánh trên biển cả, cũng là lúc nhạc hiệu “Đây là Tiếng nói Việt Nam” vang lên hào sảng. Lời Tổ quốc càng ấm lòng đối với những người con nơi xa hướng về Đất Mẹ. Trên từng thước đất, từng ngọn sóng của Tổ quốc đều có sóng của Đài Tiếng nói Việt Nam mang Lời Tổ quốc đến với mỗi nhà, với mỗi người và các chiến sỹ.

Đến thăm huyện đảo Trường Sa, biết chúng tôi là phóng viên Đài Tiếng nói Việt Nam, các cán bộ chiến sỹ chào đón thân tình cởi mở với nụ cười tươi rói, luôn dành tình cảm đặc biệt. Mặc dù huyện đảo Trường Sa có sóng điện thoại đi động và có thể nhắn tin, nhưng trên mỗi đầu giường của mọi người vẫn treo chiếc Radio. Đêm ở Trường Sa, chúng tôi nghe nhịp đập con tim của người lính hoà cùng âm thanh sóng biển dạt dào chan chứa và cả Tiếng nói Việt Nam thức cùng chiến sỹ. Trong không gian ấy, Tiếng nói Việt Nam phát lên âm thanh quen thuộc ở quê nhà, tiếng rừng xào xạc, tiếng gà gáy, điệu dân ca… và chất chứa cả tiếng lòng của người hậu phương như ngọn lửa toả ánh hồng xua tan nỗi nhớ nhà da diết.

Thượng tá Nguyễn Hồng Quân, Phó trưởng đoàn Trường Sa, gần 30 năm trong quân ngũ và cũng từng ấy năm ông gắn bó với Radio nghe Tiếng nói Việt Nam. Thượng tá Nguyễn Hồng Quân bày tỏ: “Tiếng nói Việt Nam” phủ sóng Biển Đông là một điều rất có ý nghĩa đối với quốc phòng an ninh biển đảo, giúp cán bộ chiến sỹ nghe được tin tức từ đất liền thân yêu và cập nhật được tình hình thời tiết, có ý nghĩa rất lớn trong việc hỗ trợ  cho công tác tìm kiếm cứu nạn trên biển.

Thượng tá Nguyễn Hồng Quân cho biết: “Sóng Đài TNVN vươn tới quần đảo Trường Sa là món ăn tinh thần đối với người lính, giúp cho họ gần gũi hơn với gia đình, quê hương và đất liền. Ở trong lịch học tập và công tác của chúng tôi đều có chương trình nghe và tiếp nhận sóng Đài TNVN. Cảm ơn cán bộ công nhân viên của Đài TNVN luôn luôn sát cánh với chúng tôi, giữ gìn biển đảo, thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc.”

Với sự kiện đưa tổ hợp máy phát sóng biển Đông chính thức hoạt động, sóng Tiếng nói Việt Nam đã rõ hơn, vươn xa hơn trên biển khơi, khẳng định chủ quyền quốc gia, góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ thông tin tuyên truyền đồng thời phục vụ hiệu quả công tác phòng tránh thiên tai, cứu hộ, cứu nạn, hạn chế thiệt hại về tính mạng và tài sản của ngư dân và các phương tiện hoạt động trên biển.

Thượng uý Nguyễn Hồng Quang, đảo trưởng đảo Cô Lin bày tỏ mong muốn: “Đài TNVN luôn là những người bạn thân thiết nhất đối với cán bộ, chiến sĩ trên quần đảo Trường Sa. Chúng tôi mong sắp tới Đài TNVN có thể tạo điều kiện cho người thân của chúng tôi nói trên Đài TNVN, để mỗi khi phát sóng chương trình, cán bộ chiến sĩ trên quần đảo Trường Sa được nghe giọng nói của người thân. Nơi đầu sóng ngọn gió của Tổ quốc, thường xuyên có những trận bão lớn, chúng tôi cũng mong muốn Đài TNVN tăng cường tần suất phát sóng để chúng tôi nắm được dự báo thời tiết biển, và có kế hoạch bố trí thực hiện nhiệm vụ tốt hơn”.

Giữa biển khơi chỉ có sóng và gió bão, người lính không đơn độc và "Tiếng nói Việt Nam" vang giữa biển khơi là Lời Tổ quốc, thành chỗ dựa tinh thần. Sóng của Đài Tiếng nói Việt Nam luôn ổn định, kể cả khi thời tiết xấu hay ảnh hưởng của bão, áp thấp nhiệt đới.

Trung uý Trần Văn Côn, Chính trị viên tàu Trường Sa 14 bày tỏ: “Năm 2009, mật độ thiên tai rất dày đặc với 11 cơn bão, chưa kể áp thấp nhiệt đới. Tuy nhiên nhờ thường xuyên cập nhập các bản tin dự báo thời tiết mà tàu của chúng tôi đã chủ động trú tránh, cơ động ra khỏi hướng di chuyển của bão một cách kịp thời. Tôi xin bày tỏ sự cảm ơn sâu sắc, đặc biệt là đối với các phóng viên, phát thanh viên, biên tập viên của Đài TNVN đã thường xuyên đưa tin và phản ánh các hoạt động của người lính biển”.

Biển đảo là một phần máu thịt của đất nước, nơi có hàng triệu ngư dân sống bằng nghề đánh bắt hải sản. Nhiều ngư dân ví sóng của Đài Tiếng nói Việt Nam như “ngọn hải đăng” càng tỏ sáng trong bão, cảnh báo ẩn họa thiên tai. Trên tất cả, những con người đang ngày đêm bám biển đều chung một ý nghĩa gìn giữ chủ quyền đất nước, gìn giữ di sản cha ông để lại.

Chủ tàu đánh cá QN 9625 Huỳnh Công Nhiệm khẳng định: “Những ngư dân đánh cá như chúng tôi thường nghe dự báo thời tiết của Đài TNVN. Năm ngoái, nhờ dự báo thời tiết của Đài TNVN mà chúng tôi đã phòng ngừa được thiệt hại xảy ra. Cảm ơn bản tin Đài TNVN đã đến kịp thời, giúp chúng tôi tránh được tai nạn xảy ra.”

"Tiếng nói Việt Nam" phủ sóng biển Đông là Lời Tổ quốc có trên từng ngọn sóng, từng con tàu, nhà giàn, đảo, bãi đá… tạo thành một sức mạnh toàn dân trong công cuộc phát triển kinh tế và gìn giữ chủ quyền./. 

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên