Thúc đẩy hợp tác quốc tế về biển đến năm 2020

Đây là một trong những đề án nằm trong đề án lớn "Hợp tác quốc tế về biển đến năm 2020" đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, với Quyết định số 80/2008/QĐ-TTG ngày 13/6/2008.

Ngày 30/3, tại Hà Nội, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam (Bộ Tài nguyên và Môi trường) tổ chức hội thảo "Hợp tác quốc tế trong điều tra, khảo sát khoa học trên thềm lục địa và hai khu vực quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam."

Các đại biểu cho rằng, vấn đề hợp tác quốc tế về điều tra, khảo sát khoa học trên thềm lục địa và hai khu vực quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam là cơ hội tăng cường hiểu biết lẫn nhau, trao đổi kinh nghiệm, thông tin, kỹ thuật và công nghệ trong lĩnh vực khoa học biển giữa các quốc gia trong khu vực và quốc tế nhằm hỗ trợ các hoạt động phát triển kinh tế biển, tạo ra cơ sở khoa học cần thiết cho việc đấu tranh khẳng định chủ quyền của Việt Nam trên biển.

Theo Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam, việc hợp tác quốc tế về điều tra nghiên cứu khoa học công nghệ biển nhằm tiếp cận và sử dụng các thiết bị công nghệ hiện đại trên thế giới, tăng cường năng lực và kỹ năng cho đội ngũ cán bộ khoa học Việt Nam trong lĩnh vực điều tra khảo sát biển, góp phần nâng cao chất lượng điều tra cơ bản về tài nguyên môi trường biển của Việt Nam.

Để đáp ứng tốt hơn những nhu cầu về mục tiêu phát triển kinh tế biển bền vững và nhiệm vụ đảm bảo an ninh, quốc phòng, nhất là trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế và những thách thức to lớn do biến đổi khí hậu và mực nước biển dâng, Việt Nam cần tăng cường hợp tác quốc tế về điều tra nghiên cứu khoa học công nghệ biển.

Theo ngành chức năng, trong giai đoạn vừa qua, nhiệm vụ, nội dung công tác điều tra biển Việt Nam chỉ được đề ra và tổ chức thực hiện theo yêu cầu nhất thời của từng giai đoạn, phục vụ cho các chuyên đề nghiên cứu khác nhau mà chưa theo một quy hoạch tổng thể, do đó kết quả chưa đáp ứng được yêu cầu trước mắt và lâu dài./.
Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên