Tình người nơi đảo xa

Trên hòn đảo xa xôi này, tình quân dân trở nên gắn bó, gần gũi hơn bao giờ hết. Tất cả đều quan tâm, chăm sóc nhau như người thân trong gia đình

Sau 3 hồi còi, con tàu HQ 97 rời cảng Cát Lái thành phố Hồ Chí Minh rẽ sóng ra khơi, vượt qua những con sóng bạc đầu, đưa chúng tôi cập âu cảng Đảo Song Tử Tây sau 51 giờ đồng hồ bồng bềnh trên biển. Những cái bắt tay xiết chặt, những lời hỏi thăm sức khỏe ân cần, những nụ cười rạng ngời trên từng khuôn mặt của các chiến sĩ và của cả người dân trên hòn đảo xinh đẹp này đã làm cho những cơn say sóng tan biến.

Trung tá Trịnh Xuân Tô, Chính trị viên, Phó trưởng đảo Song Tử Tây cho biết: “Đảo Song Tử Tây xa đất liền đến hơn 300 hải lý, do vậy ngoài sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, anh em phát huy tinh thần tự lực tự cường, luôn vượt chỉ tiêu trong tăng gia sản xuất, đàn heo, đàn bò phát triển tốt; gia súc, gia cầm, vườn rau xanh đủ cung cấp cho đời sống của anh em chiến sĩ trên đảo. Về đời sống tinh thần, chúng tôi có TV, có đầu karaoke, có sách báo đọc, nghiên cứu, nên anh em luôn được cập nhật thông tin như ở đất liền”.

Đảo Song Tử Tây thuộc xã đảo Song Tử, là một trong 3 xã, thị trấn của huyện đảo Trường Sa tỉnh Khánh Hòa. Đứng từ xa quan sát, đảo Song Tử Tây có hình quả bóng bầu dục, lòng trũng, xung quanh cao hơn so với mực nước biển từ 4- 6m. Nhìn đảo như một khu rừng thu nhỏ mọc lên giữa đại dương. Màu xanh của cỏ cây hòa quyện với màu xanh của biển cả, tạo nên một bức tranh màu xanh thật yên bình. Hình như biển cả đã bao dung, ưu ái ban tặng cho con người nơi đảo xa vị ngọt ngào, chân chất của đất liền, để bù lại cho những cơn sóng mạnh dội vào không ngớt.

Trung úy Nguyễn Hữu Thủy, phân đội bộ binh xe tăng, quê ở huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh so sánh: “So với cách đây 5 năm, bây giờ cuộc sống vật chất, tinh thần trên đảo ngày càng được nâng cao rõ rệt. Các cấp các ngành thường xuyên thăm hỏi động viên chiến sĩ trên đảo nên cảm thấy rất phấn khởi. Điều cảm nhận được rõ nhất là sự thay đổi về cảnh quan môi trường, có thêm các công trình hạ tầng, công trình năng lượng sạch. Tình quân dân thật gần gũi, gắn bó tạo cho mình cảm giác gần với đất liền, gần với quê hương hơn”.

Ra thăm đảo, chị Chu Thị Hanh, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Nam Định thốt lên: “Không tưởng tượng được đảo lại đẹp và xanh đến thế. Song Tử Tây quả thực là một hòn đảo tuyệt vời”.

Ở Song Tử Tây, những điều kiện phục vụ đời sống, sinh hoạt, đặc biệt là việc chăm sóc sức khỏe cho bộ đội, chiến sĩ và nhân dân trên đảo tương đối đầy đủ. Trò chuyện với chúng tôi, y sĩ Trần Duy Chinh, quê ở Nam Định, là cán bộ Bệnh viện 108 được điều động ra đảo Song Tử Tây công tác tâm sự: “Mình tự hào  được đứng trên đảo Song Tử Tây để bảo vệ sức khỏe bộ đội, ngư dân trên đảo. Mình là y sĩ nên trong quá trình điều trị đều phải tự lập. Ca nào khó thì có thể gọi điện về đất liền nhờ tham vấn về chuyên môn". Anh Chinh cho biết, y tế ở đảo có thể mổ các ca ruột thừa, chấn thương phần mềm. Mới đây các anh đã mổ thành công một ca ruột thừa khá nặng.

Bên cạnh các đơn vị quân đội, trên đảo còn có các hộ dân sinh sống, các công trình dân sự như: Chùa, Trạm khí tượng thủy văn Nam Trung bộ; Âu tàu với sức chứa hàng trăm tàu cá có công suất lớn. Đây là địa chỉ an toàn cho ngư dân đánh bắt xa bờ, bởi trên đảo còn có một trạm dịch vụ sửa chữa cung cấp dầu, nước ngọt cho tàu cá của ngư dân.

Chị Trương Thị Liền, quê ở tỉnh Khánh Hòa, theo chồng ra đảo sinh sống bằng nghề đánh bắt cá xa bờ, tâm sự: “Trên đảo, tình quân dân rất gắn bó, mọi người sống đoàn kết, thương yêu nhau. Vợ chồng em tự nguyện ra đảo để sinh sống và đánh bắt hải sản, trồng rau xanh cũng đầy đủ...”.

Chuẩn bị cho chương trình biểu diễn văn nghệ

Với đảo nhỏ xa xôi này, tình quân dân, tình người trở nên gắn bó, gần gũi hơn bao giờ hết. Tất cả đều quan tâm, chăm sóc lẫn nhau như những người thân trong một gia đình. Trung tá Trịnh Xuân Tô, Chính trị viên, Phó trưởng đảo Song Tử Tây cho biết: “Các đơn vị đều kết nghĩa với dân. Những ngày lễ, Tết, ngày 8/3, ngày 1/6, ngày thành lập Quân đội, ngày truyền thống đều có tổ chức giao lưu văn hóa, văn nghệ, các hoạt động thăm hỏi ốm đau. Không chỉ tạo được hình ảnh tốt với nhân dân trên đảo mà với ngư dân khi cập âu cảng Song Tử Tây, chúng tôi cũng giúp đỡ họ sửa chữa tàu thuyền nên được mọi người quý mến”.

Vì tình yêu biển cả và khát vọng tuổi trẻ, hầu hết những chàng trai tuổi đời còn rất trẻ ấy đã cống hiến tuổi xuân của mình để được chắc tay súng bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. Và họ đã, đang thực hiện và làm tốt sứ mệnh cao cả của mình theo lời Bác Hồ dạy:

Ngày trước, ta chỉ có đêm và rừng,
 Ngày nay, ta có ngày, có trời, có biển.
 Bờ biển ta dài và rộng, ta phải biết giữ gìn lấy nó”.

Chia tay những người lính đảo, chúng tôi mang theo tình cảm, sự khâm phục và nghị lực của những người lính bộ đội cụ Hồ nơi vùng biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên