Trung Quốc sẽ thua nếu giải thích rõ ràng các yêu sách về Biển Đông
VOV.VN - Học giả Đan Mạch cho rằng nếu Trung Quốc giải thích rõ ràng yêu sách của mình thì họ sẽ thua cuộc mà Trung Quốc lại không muốn thua cuộc.
Như tin đã đưa, Hội thảo quốc tế lần thứ 7 về Biển Đông với chủ đề “Biển Đông: Hợp tác vì an ninh và phát triển khu vực” khai mạc ngày 23/11 tại TP Vũng Tàu (tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu). Hội thảo năm nay thu hút sự đông đảo sự tham gia của gần 200 đại biểu đến từ nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có 140 người là các học giải trong nước và nước ngoài.
Đây là cơ hội tốt để các bên trao đổi thông tin, đánh giá về những diễn biến gần đây và những hệ lụy ở khu vực Biển Đông đồng thời thảo luận khả năng thúc đẩy hợp tác trong khu vực.
Trong ngày 23/11, tại Hội thảo “Biển Đông: Hợp tác vì an ninh và phát triển khu vực” diễn ra 3 phiên thảo luận. Phiên thứ nhất có chủ đề “Tình hình thế giới và tác động đến Biển Đông”. Phiên thứ 2 là về “Những diễn biến gần đây trên Biển Đông” và tại Phiên thứ 3, các đại biểu thảo luận về “Quan hệ nước lớn trên Biển Đông”.
Các đại biểu trong nước và quốc tế tham dự hội thảo |
Tại hội thảo, các đại biểu rất quan tâm tới những động thái của Trung Quốc tại Biển Đông thời gian gần đây. Giáo sư Liselotte Ogaard thuộc Học viện Quốc phòng Hoàng gia Đan Mạch nhận định, chính sách đối ngoại hiện nay của Trung Quốc xuất phát từ nhu cầu ngăn chặn và hợp pháp hóa. Cụ thể, trong vấn đề Biển Đông, Trung Quốc đang cố gắng cân bằng giữa các biện pháp ngăn chặn và chứng minh cho lập luận của họ về tính lịch sử và kiểm soát hữu hiệu thông qua các cách diễn giải mang tính pháp lý về luật quốc tế ở Biển Đông nhằm thay đổi trật tự thế giới theo cách thức phù hợp với lợi ích của Trung Quốc. Và ngay cả cách Trung Quốc mập mờ về các yêu sách của họ tại Biển Đông cũng nằm trong ý đồ này.
“Bởi vì Trung Quốc lo ngại khi họ giải thích rõ ràng yêu sách của mình thì họ sẽ thua cuộc mà Trung Quốc thì lại không muốn thua cuộc. Họ muốn gia tăng ảnh hưởng, muốn xây thêm nhiều công trình, xây căn cứ. Trung Quốc cũng không muốn xảy ra đụng độ quân sự tại Biển Đông song căng thẳng tại khu vực này sẽ tiếp tục giữ ở mức cao. Chúng ta cũng không thể đoán sắp tới Trung Quốc sẽ làm những gì và việc này ảnh hưởng không tốt đến sự ổn định và tạo ra những vấn đề mất an ninh đối với khu vực”, Giáo sư Liselotte Ogaard nhận định.
Giải quyết vấn đề Biển Đông phải trên cơ sở luật pháp quốc tế
Tại Hội thảo và các cuộc thảo luận ngoài lề, các đại biểu cũng rất quan tâm tới hoạt động xây dựng và cải tạo của Trung Quốc tại Biển Đông. Bà Rukmani Gupta, chuyên gia phân tích cao cấp về Châu Á-Thái Bình Dương của Tuần san Quốc phòng IHS Jane’s Defence Weekly, tuần san đã đăng nhiều hình ảnh về việc Trung Quốc xây dựng tại Biển Đông cho biết, hoạt động xây dựng, cải tạo đất tại Biển Đông đang cho phép các bên tăng cường sự hiện diện trong khu vực và tái khẳng định các yêu sách của mình.
Bà Rukmani cũng nhắc lại rằng, điều 60 Công ước của LHQ về Luật Biển 1982 khẳng định, các công trình cải tạo không được hưởng quy chế đảo và không thể tạo ra ảnh hưởng đến việc phân định ranh giới lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế hoặc thềm lục địa.
Cũng về vấn đề này, Giáo sư Robert Volterra, đối tác công ty luật Volterra Fietta có trụ sở tại Anh cho rằng: “Có hai vấn đề liên quan đến việc Trung Quốc cải tạo đất tại Biển Đông. Thứ nhất, những thực thể mà Trung Quốc tiến hành cải tạo là những thực thể đang có tranh chấp về chủ quyền. Vì thế, một quốc gia tiến hành cải tạo đất tại nơi đang có tranh chấp chủ quyền rõ ràng là hành động khiêu khích. Điều thứ hai, việc xây dựng, cải tạo đất không ảnh hưởng đến việc xác định tính chất pháp lý của thực thể”.
Một vấn đề đáng chú ý nữa được các học giải thảo luận đó là vai trò của các nước lớn trong việc giải quyết tranh chấp tại Biển Đông. Ông Brahma Chellaney, Giáo sư nghiên cứu chiến lược thuộc Trung tâm nghiên cứu chính sách có trụ sở tại New Dehli của Ấn Độ đã gửi đi một thông điệp rất rõ ràng rằng: Biển Đông không chỉ là câu chuyện của những nước xung quanh vùng biển này mà nó đồng thời rất quan trọng đối với các quốc gia ngoài khu vực.
Bởi nó không chỉ ảnh hưởng tới các hoạt động thương mại và lợi ích năng lượng của những nước này mà còn bởi những gì xảy ra ở đây sẽ ảnh hưởng tới cán cân quyền lực ở Châu Á và an ninh biển toàn cầu. Trên thực tế là không nơi nào đối mặt với nhiều thách thức như ở Biển Đông.
Hiện nay, các cường quốc trong và ngoài khu vực đang cạnh tranh quyền tiếp cận, quyền kiểm soát, tầm ảnh hưởng và lợi thế tương đối ở khu vực. Trên thực tế, một cuộc chơi lớn đang diễn ra ở Biển Đông. Trong bối cảnh đó, theo Tiến sỹ Patrick Cronin, Cố vấn và Giám đốc cấp cao Chương trình An ninh châu Á-Thái Bình Dương, thuộc Trung tâm an ninh Mỹ mới cho rằng, sự tham gia của Mỹ sẽ thúc đẩy các bên tham gia cuộc chơi một các công bằng.
“An ninh không thể được đảm bảo khi một nước lớn, là Trung Quốc thay đổi hiện trạng bằng cách thay đổi trên thực địa, xây dựng đảo nhân tạo, sử dụng luật nội địa và lực lượng chức năng để đâm vào các tàu cá, bắt nạt các nước nhỏ hơn. Vì thế, Mỹ có vai trò đứng ra và nói rằng Trung Quốc và tất cả các quốc gia cần phải tham gia cuộc chơi một cách công bằng”.
Hôm nay (24/11), Hội thảo sẽ tiếp tục diễn ra với 4 phiên thảo luận về tranh chấp tại Biển Đông trên khía cạnh pháp lý, về triển vọng hợp tác trong tương lai và về những tình huống giả định trong việc giải quyết, phân định và hợp tác tại Biển Đông./.