Xuân này con không về!

Qua Đài Tiếng nói Việt Nam, em muốn gửi lời nhắn tới bố mẹ và bạn gái: “Bố mẹ ơi, là người lính đang làm nhiệm vụ, nên con không về quê ăn Tết, chúc bố mẹ một năm mới dồi dào sức khoẻ, hạnh phúc; mong em yêu luôn nhớ về anh…”.

19h, lệnh xuất phát từ Đại tá Bùi Văn Tám - Phó Chính ủy Hải quân vùng C được truyền đi, tàu HQ 628 nhổ neo, rùng mình, hướng ra biển lớn.

Chỉ sau ít phút, qua ô cửa hẹp từ CLB chiến sĩ, thành phố Đà Nẵng náo nhiệt với rực rỡ ánh đèn đã lùi xa, chỉ còn là quầng sáng mờ nhạt. Mưa bắt đầu rơi, gió cũng đã thổi mạnh, biển mênh mông một màu xám xịt và những con sóng cũng đã bắt đầu chồm lên, dữ dằn. Thay vì sự háo hức, phấn khích ban đầu, chỉ sau vài cú lắc mạnh của tàu, gương mặt của gần 20 anh em phóng viên báo chí bắt đầu dại đi, và chúng tôi bắt đầu say sóng.

Dù anh Phan Tiến Dũng - phóng viên báo Quân đội Nhân dân thường trú tại miền Trung, người dày dặn kinh nghiệm đi công tác biển, đảo đã truyền đạt những kỹ năng để giảm say sóng nhưng rồi chỉ sau 30 phút đầu tiên, tất cả chúng tôi, từ các chị em cho đến những thanh niên sung sức nhất đã lả người đi, nhiều chị em bắt đầu nôn thốc tháo… Một đêm thật dài...

Cồn cỏ - Đảo đẹp tuyệt vời!

Sau hơn 15 giờ, chậm hơn dự kiến 4 tiếng, từ boong tàu, Cồn Cỏ đã hiện ra như một chiến hạm xanh khổng lồ giữa biển khơi. Sự mệt nhoài sau một đêm say sóng dường như tan biến khi chúng tôi được đặt chân lên hòn đảo 2 lần đón nhận danh hiệu Anh hùng.

Bồn chồn không khác gì chúng tôi sau mấy ngày công tác xa đảo, ông Lê Quang Lanh - Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện đảo Cồn Cỏ cũng rưng rưng cảm xúc nhớ đảo xanh: “30 năm trước nhớ người yêu thế nào thì nay nhớ đảo như vậy. Đảo chúng tôi đẹp lắm chị ơi, xanh tuyệt vời. Chúng tôi giữ được trên 70% rừng nguyên sinh; 50% san hô. Chỉ một thời gian nữa thôi Cồn Cỏ sẽ là điểm đến… Ít phút nữa lên đảo chị sẽ tự cảm nhận...

“Đảo đẹp tuyệt vời” như lời của người đứng đầu huyện đảo. Chúa xuân đã khoác cho đảo một màu xanh tươi trẻ. Xen lẫn màu xanh ngút ngát của những rừng phong ba là những bông lau phất phơ trong gió sớm, những đóa hoa xuyến chi, xấu hổ cũng cháy hết mình dâng hiến mùa xuân cho đảo xa.

Đón chúng tôi trong những bàn tay xiết chặt, các chiến sĩ ở trạm 540 tiểu đoàn 351 cho biết cái Tết ở đảo đã thật đủ đầy. Là người có nhiều cái Tết ở lại với đảo, theo Trung uý Nguyễn Ngọc Thái - Trạm phó Trạm 540, để anh em có cái Tết thật đủ ý nghĩa, bên cạnh những món quà đầy ắp tình cảm từ đất liền thì lính đảo cũng không thiếu những bài hát, lời ca và cả phong trào thể thao trong 3 ngày Tết thật khí thế.

Với binh nhất Tôn Đức Đoàn (ở xã Vượng Lộc, huyện Can Lộc tỉnh Hà Tĩnh), đây là cái Tết xa nhà đầu tiên. Khó nói hết cảm xúc nhớ nhà, nhớ người yêu trong cái tết giữa biển khơi vời vợi, nhưng nụ cười thật tươi của người lính trẻ đã cho thấy sự rắn giỏi, chín chắn. “Cũng có chút buồn nhưng em đã xác định tư tưởng rồi. Bên em còn có đồng đội, anh em. Các anh động viên rất nhiều nên thấy Tết ở đảo cũng vui…Qua làn sóng Đài Tiếng nói Việt Nam, em muốn gửi lời nhắn tới bố mẹ và bạn gái: “Bố mẹ ơi, là người lính đang làm nhiệm vụ, nên con không về quê ăn Tết, chúc bố mẹ một năm mới dồi dào sức khoẻ, hạnh phúc; mong em yêu luôn nhớ về anh…”.

Năm nay là cái Tết đầu tiên mà người dân và các chiến sĩ trên đảo đã có thể thắp lên những bóng điện sáng thay vì nến và đèn dầu. Với nguồn điện dù mới chỉ đáp ứng được 1/3 thời gian trong ngày, nhưng nó cũng đã làm vang lên những âm thanh sôi đông từ bộ giàn được đoàn công tác Hải quân vùng C vất vả mang vác trong cả chuyến đi.

Lúc này thì người công dân số 1 của đảo, ông Lê Quang Lanh đã có thể yên tâm về một cái Tết đầy đủ và cất cao bài “đảo ca” của mình: “Tết ở đây đầy đủ lắm rồi. Có 2 con bò, lợn, đà điểu…Ở đảo, chúng tôi ăn Tết chung, chẳng ở đâu có. Giao thừa đi 1 vòng là đã thăm và chúc Tết hết lượt… vui lắm chị ơi… Cồn Cỏ có con cá đua là con cua đá…”.

Chia tay chúng tôi, những chiến sĩ hải quân bịn rịn trao những sản vật của “nhà trồng được”. Từ những quả bàng vuông lạ mắt, những quả bí ngô vẫn đang còn xanh, những giống cây mới ở đảo và cả những bông hoa hiếm hoi  tặng riêng những cô gái.

Tâm tình người lính biển

Sau mấy giờ ngắn ngủi, chúng tôi lại vội vã lên tàu. Biển lúc này thật dịu êm, mênh mang một màu xanh lam thăm thẳm. Nơi boong tàu, tôi bắt gặp ánh nhìn xa xăm của anh Vũ Đình Diên - Chính trị viên tàu HQ 628. Quê anh ở Thái Bình, và hậu phương cũng ở đó. Gần 20 năm trong quân ngũ, lênh đênh với sóng nước, mây trời, đây là năm thứ bao nhiêu ăn Tết xa nhà, anh cũng không nhớ nữa, chỉ thấy đọng lại sâu nhất là nỗi buồn nao nao, bởi mỗi lần về anh hăm hở xoè tay hướng về phía cậu bé, đáp lại là ánh mắt sợ sệt rồi oà khóc.

Rồi chỉ sau vài chục ngày phép, khi con trẻ vừa kịp quen, khi niềm vui được con chuyển hướng gọi từ “chú” thành bố chưa được bao nhiêu thì lại là lúc anh phải bịn rịn chia tay vợ con lên đường. Thoáng ưu tư như tan biến khi anh Diên nói về những chiến công mà con tàu 15 năm tuổi đã lập được trong những năm qua. Phần thưởng lớn nhất đó là Huân chương chiến công hạng 3 do Đảng và Nhà nước trao tặng. Niềm vui của người chính trị viên dạn dày sương gió còn là những chuyến đi đầy ý nghĩa, mang Tết, đưa xuân đến với những chiến sĩ ở đảo Cồn Cỏ và Lý Sơn. “Là người lính, không có vinh dự nào bằng khi thời điểm giao thời, được cầm súng giữ yên đất trời Tổ quốc. Ai cũng có gia đình, vợ con, cũng đều nhớ nhưng lúc nào cũng đặt nhiệm vụ lên hàng đầu. Mình phải xác định từ trước nên vợ con cũng quen rồi”, anh Diên nói.

Với Thiếu tá Phạm Văn Khương, máy trưởng tàu HQ 628, 9 năm công tác trên tàu cũng là bằng ấy năm quen với những nhiệm vụ đột xuất vào những thời điểm chuyển giao năm cũ, mới của mùa xuân: “Đi biển là nhiệm vụ thường xuyên, cứ nhận lệnh là chúng tôi lên đường. Mấy năm gần đây, gần đến giao thừa thì báo động đi biển. Ăn Tết trên biển chúng tôi không buồn, chúng tôi cũng có niềm vui từ đồng đội xung quanh. Cũng theo truyền thống có bánh chưng, có khẩu hiệu chúc mừng năm mới, có băng đĩa để anh em hát. Ngày 30 Tết, chúng tôi thịt lợn, bó giò, cũng vui như trong đất liền…”.

45 ngày lênh đênh trên biển, thời gian như đứng yên giữa mênh mông biển trời, nhưng cái Tết và mùa xuân không vì thế mà bớt đi ý nghĩa… Những câu chuyện, những tâm sự, nỗi niềm của những người lính hải quân hàng tối trên những khoang tàu cứ thế len lén đi vào giấc ngủ của tôi, chập chờn như những cánh sóng.

Đảo là nhà, biển là quê hương

5h sáng, khi ánh bình minh cuối đông vừa ló rạng, thấm đẫm mùi đại dương và gió biển mênh mông, trước mắt chúng tôi đảo Lý Sơn mờ tỏ trong màn sương sớm. Khi chiếc tàu chung chuyển cập cảng cá Lý Sơn cũng là lúc tàu thuyền cập bến mang theo những sản vật mặn mòi từ biển cả.

Điểm đến đầu tiên, đồn biên phòng 328. Không khí Tết, hương vị xuân ở đây đã ngập tràn. Cùng với sắc vàng của hoa mai, sắc đỏ của những băng zôn, còn có màu xanh của lá dong biêng biếc. Trao tặng những món quà từ đất liền, Đại tá Lê Thanh Vân - Phó chỉ huy trưởng quân sự vùng 3 hải quân không quên gửi những lời chúc tốt đẹp nhất tới những người lính biên phòng.

“Đảo là nhà, biển là quê hương, màn hiện sóng là chiến trường” - trên thùng xe tải, phương tiện duy nhất để chở các phóng viên tác nghiệp, một chiến sĩ trẻ hải quân cho chúng tôi một “định nghĩa” ngắn gọn về đời lính biển.

Trạm radaz 550 nằm cheo leo trên đỉnh núi Thới Lới, ngọn núi cao nhất của huyện đảo Lý Sơn (độ cao 169m so với mặt nước biển), mặt quay hướng Tây Bắc như hứng trọn sự hào sảng của gió, của nắng và cả sự cuồng phong của biển cả, mưa dông.

4 tháng đã trôi qua, kể từ khi cơn bão số 9 tràn về, những rặng phi lao gãy gập, những cây dừa gãy ngọn, xoè tán lá xác xơ giờ đã bắt đầu lên những mầm xanh, báo hiệu một sự hồi sinh mạnh mẽ. Mùa xuân đến, cùng với những cánh én về chao liệng, những bức thư, bưu ảnh từ đất liền gói trọn những nhớ nhung da diết thì với trạm radaz 550, Tết năm nay thật là đặc biệt khi được đón một nàng dâu mới rất xinh lên thăm trạm mùa xuân này. “Vợ chồng cưới nhau xong rồi anh đi luôn. Giáp Tết anh bận nên mình ra ngoài này thăm, tranh thủ hưởng tuần trăng mật luôn… Thấy các anh ở ngoài này vất vả mà thương…”, chị Trần Thị Thu Thiêm, vợ của Thượng uý Nguyễn Duy Cảnh bẽn lẽn nói.

Gọi là tuần trăng mật nhưng Thiêm lúc nào cũng bận bịu, lo toan chẳng khác gì những cô dâu mới về nhà chồng. Khi thì nhặt rau, bóc hành với những chú lính trẻ; lúc xắn tay vào bếp chuẩn bị bữa cơm, lúc khác lại thấy Thiêm nhanh tay bê những chồng bát cao ngất ngưởng đi rửa. Một tuần trăng mật thật vất vả nhưng gương mặt đẹp như hoa của cô luôn lấp lánh nụ cười.

Với Thượng Uý Nguyễn Hữu Cảnh, khi được bình bầu là người hạnh phúc nhất của năm thì quả là niềm vui thật khó nói ra thành lời: “Không gì tả hết niềm vui chị ạ, đó cũng là thành công của công tác “dân vận”. Là vợ lính, có lẽ “luyện” rồi nên khi thấy ai làm gì cô ấy cũng tích cực tham gia. Rất hãnh diện và hài lòng…Tết này vui hơn…”.

Lính đảo đón Tết

Một mai, khi người vợ trẻ trở với đất mẹ Quảng Trị, sự chia ly chắc hẳn sẽ làm nỗi nhớ của người lính trẻ thêm quay quắt. “Anh cứ yên tâm làm nhiệm vụ, ở nhà đã có em lo cho 2 mẹ già. Chúc anh và các anh em một cái tết thật vui vẻ… Dù anh không ở gần nhưng vẫn luôn hướng về em, về đất liền…” Lời nhắn nhủ yêu thương của người đi, kẻ ở như động viên họ thêm vững bước trên đường đời.

Chiều buông, những con sóng xô trời chiều đi vào bóng tối để vầng trăng đêm rằm thêm lung linh. Giữa bát ngát gió trăng, giữa mênh mông sóng biển ở đỉnh núi Thới Lới, cuộc giao lưu giữa lính đảo với đất liền, với những nhà báo vui đến chao nghiêng đất trời.

Những lời hát vút lên, những nhành hoa giấy tím tím, xinh xinh trao nhau như thay lời muốn nói. Cuộc giao lưu đã kéo dài hơn dự kiến. Nói lời chia tay rồi mà cả người về, kẻ ở cứ bịn rịn, lưu luyến khôn nguôi. 21h30, chia tay các anh trong dạt dào sóng vỗ, tôi chợt nhớ lời của một bài hát “Có những chàng trai,  vì quá yêu biển khơi, lòng thênh thang, tựa như những áng mây trôi…”. Vâng, vì tình yêu với biển, mà trên hết là tình yêu với quê hương, đất nước xuân này các anh sẽ không về… ./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên