Ba lần làm giấy khai tử cho con không được: Tận cùng của sự vô cảm!
VOV.VN - Bố khai tử cho con 3 lần không được. Cán bộ hộ tịch đã vô tình hay cố ý nhay lại nỗi đau của người cha mất con, một sự vô cảm không thể chấp nhận.
Cán bộ tư pháp - hộ tịch UBND Phường Tân Phước Khánh (thị xã Tân Uyên, tỉnh Bình Dương) từ chối cấp chứng tử cho cháu Trần Hoàng Yến (12 tuổi, ngụ Phường Tân Phước Khánh) tử vong do tai nạn giao thông, dù ông Trần Văn Hoàng - bố của cháu đã 3 lần mang đầy đủ giấy tờ của cơ quan chức năng cấp đến làm thủ tục khai tử.
Ông Trần Văn Hoàng 3 lần đi xin khai tử cho con mà không được (Ảnh: Lao Động) |
Sau khi thông tin được phản ánh, UBND Phường Tân Phước Khánh đã có thư xin lỗi và cấp giấy chứng tử cho gia đình cháu Yến. Hiện nay, UBND Thị xã Tân Uyên đang yêu cầu kiểm điểm trách nhiệm, xử lý thỏa đáng sai phạm của các cán bộ có liên quan. Ấy là chưa kể, dù sự việc xảy ra trong tháng 12/2018 nhưng thư xin lỗi của Chủ tịch UBND phường Tân Phước Khánh lại được ký từ tháng 11/2018. Chi tiết này lại cho thấy thêm sự cẩu thả của chính quyền địa phương sở tại.
Trước đó tại Hà Nội cũng từng có câu chuyện cán bộ hộ tịch làm khó người dân khi xin cấp giấy chứng tử khiến dư luận bức xúc.
Sở dĩ dư luận bức xúc vì quan niệm truyền thống của người Việt Nam “nghĩa tử là nghĩa tận”. Nghĩa là những gì làm cho ai đó đến lúc chết phải là tốt đẹp nhất, vì đó là việc làm cuối cùng mà tất cả người sống có liên quan dành cho người đã khuất.
Vậy nhưng, tại sao những người được ăn lương từ tiền thuế cho dân đóng góp, khi người dân rơi vào cảnh đau đớn nhất mà họ vẫn nghĩ ra cách để làm khó dân? Xét về tình người một cách đơn thuần thì đã chẳng ai làm thế, huống chi đó lại là hành động của công bộc của dân. Họ có phải là những cái máy đâu mà có thể trả đi trả lại một hồ sơ “chất chứa bao đau xót” như vậy? Với quyền phép trong tay, chỉ cần một cuộc điện thoại là họ đã hoàn toàn xác minh được hồ sơ của bé có hợp lệ hay không. Vậy mà người thân của cô bé 12 tuổi đã phải đi lại tới 3 lần cộng với sự lên tiếng của báo chí và chỉ đạo của Thủ tướng mới xong thủ tục với người trần.
Ở nhiều nước phát triển, khi sinh hoặc khi gia đình có người chết, người làm công tác hộ tịch phải tìm xuống tận nơi để làm giấy tờ, thủ tục cho dân. Nếu để lọt, sót thông tin của người nào thì vị công bộc đó “lãnh đủ”. Nhiều khi, cán bộ bị dân “hành”, bắt đi lại nhiều lần mới chịu hợp tác mà vẫn phải vui vẻ làm, vì đó là nhiệm vụ.
Cán bộ, công chức ở cấp xã, phường là những người sát dân, gần dân nhất, chưa kể nhiều khi còn là hàng xóm láng giềng của nhau. Công việc của họ phải dựa vào dân mới thuận lợi, vậy mà sao họ vẫn làm khó dân đến vậy? Có những việc họ biết rõ mười mươi bản chất và hoàn toàn có thể tạo điều kiện cho dân làm thủ tục, nhưng vì những hẹp hòi cá nhân hoặc lý do nào đó mà họ vẫn làm cho dân phải bức bối. Người dân muốn thực hiện nghĩa vụ, trách nhiệm theo đúng tinh thần thượng tôn pháp luật cũng khó khăn vô cùng. Có lẽ chúng ta còn phải sống chung với sự khó dễ của các cán bộ cơ sở dài dài nhưng hãy tuỳ việc mà làm khó dân chứ như trường hợp của cô bé xấu số 12 tuổi này thì đúng là cán bộ đã đạt tới mức tận cùng của sự vô cảm./.