Bác sĩ phi tang xác bệnh nhân từng viết những điều tốt đẹp

VOV.VN - Từ vụ vứt xác phi tang, chúng ta không được phép tạo ra quá nhiều chỗ ẩn náu cho những-điều-hướng-ác.

1. –“Trong tòa nhà này bỗng dưng có báo động cháy, chúng ta sẽ làm gì?”

-“Chạy!”

Đó là câu trả lời thường gặp khi người cán bộ tuyên truyền về phòng cháy chữa cháy (PCCC) hỏi thính giả của mình.

Câu trả lời sai. Trong 4 tiêu lệnh PCCC không có phương án chạy. Bạn phải báo động, cúp cầu dao điện nơi xảy cháy và dùng dụng cụ chữa cháy để dập tắt lửa. Sau đó mới gọi cho đội chữa cháy chuyên nghiệp qua điện thoại số 114. 3 phút đầu tiên của một đám cháy được gọi là thời điểm vàng vì lúc đó lửa có thể được dập tắt dễ dàng.

Nếu bạn làm sai qui trình gây ra hậu quả nghiêm trọng, bạn có thể bị truy tố trách nhiệm.

Thế đấy. Trong một số trường hợp không làm gì cũng là tiếp tay cho một tai họa.

2. Còn nhớ vụ cháy tòa nhà Trung tâm thương mại quốc tế (ITC) cách đây hơn 10 năm. Trong lúc hàn giàn đèn trên trần vũ trường Blue ở tầng 3, vảy xỉ nhiệt độ cao bắn vào lớp xốp cách âm gây cháy. Người thợ vì quá hoảng sợ đã bỏ chạy mà ngu dốt không báo cháy. Chỉ trong vòng vài chục phút, hỏa hoạn đã làm 60 người chết, 70 người bị thương. Thiệt hại hơn 32 tỷ đồng nào thấm vào đâu với những cơn hoảng loạn và đau đớn cao độ mà những nạn nhân và người nhà của họ phải trải qua.

Lâm Nghĩa Hòa, chủ của cơ sở cửa sắt thuê những người thợ này, đã bị kết án 7 năm tù giam, cao nhất trong số 11 bị cáo, do sử dụng thợ chưa qua đào tạo, không có phương án thi công an toàn, không giám sát kiểm tra công việc tại chỗ.  

Ra tù, ông Hòa quyết định đi học nghề lại từ đầu, ông hiểu vì không được học hành lại đi tuyển thợ cũng y như mình, «hai cái dốt cộng lại mà làm nên thảm họa». Ông bảo: «Qua biến cố lớn của cuộc đời mới biết tầm quan trọng của sự học. Có học sẽ biết rõ hơn những tương quan của công việc với xung quanh để làm tốt hơn và phòng ngừa sự cố”.

Trong nhiều trường hợp, sự ngu dốt, thiếu hiểu biết là nguyên nhân chính gây ra những thảm họa lớn.

Vậy với người có học, hiểu biết đầy mình thì sao ?

3. «Có những điều nếu như bạn không trải qua thì sẽ ko bao giờ có thể cảm nhận được giá trị thực của nó. Nhưng nếu cứ phải trải qua các điều đó thì là ko thể! Hãy luôn lắng nghe và suy nghĩ sàng lọc!»

Đây là lời tâm sự trên Facebook của một người có học vị và địa vị cao trong xã hội. Anh ta là bác sĩ của một bệnh viện lớn ở trung ương, được đào tạo bài bản cả trong và ngoài nước, con đường sự nghiệp đang thênh thang rộng mở khi anh ta sắp bảo vệ luận án tiến sĩ.

Càng ngày mình càng thấy con người ko thể thiếu tình yêu thương của những người xung quanh mình để phấn đấu và vượt lên mọi gian khó! Cái cốt yếu vẫn phải là yêu thương và tỉnh táo chọn những người ở bên cạnh mình!”

Nguyễn Mạnh Tường tại cơ quan công an (ảnh: Việt Đức)

Cốt yếu là yêu thương và tỉnh táo! Ai có thể nghĩ đó là những bộc bạch của bác sĩ Nguyễn Mạnh Tường, ông chủ thẩm mỹ viện Cát Tường-cơ sở hành nghề thẩm mỹ chui, người đang tâm vứt xác khách hàng để phi tang sau ca phẫu thuật thẩm mỹ khiến chị Lê Thị Thu Huyền thiệt mạng.

Đó là những dòng chia sẻ vài tháng trước khi Nguyễn Mạnh Tường mở thẩm mỹ viện Cát Tường, chính thức bước vào thương trường, nơi đối tượng của anh ta không gọi là bệnh nhân mà gọi là khách hàng. Lòng tham đã xóa mờ lời thề Hyppocrate, xóa nhòa lời dặn dò “Lương y như từ mẫu”.

Sắp sang năm mới rồi nhỉ!? Thời gian cứ trôi theo qui luật của nó, và nó cũng rất vô tình chẳng đợi ai bao giờ! Còn chúng ta có chờ... đợi gì đây????

Đó là dòng chia sẻ cuối cùng là ngày 22/01/2013. Vì sau đó chắc là anh ta bận rộn với dự án kiếm tiền từ thẩm mỹ viện Cát Tường. Giờ không biết anh ta đã đủ tỉnh táo để nhận ra điều gì đang đợi mình không?!

Trong trường hợp này thì lòng tham đã dẫn dụ cho ma đưa lối, quỷ đưa đường, đưa anh ta từ sai lầm này đến sai lầm khác. Một phút làm tiêu tan sự nghiệp, tạo một nỗi nhơ trong lịch sử ngành y nước nhà.

4. Trong một cơn ác mộng, tôi từng lỡ tay làm chết một người xa lạ rồi cũng loay hoay tìm cách phi tang trong cơn hoảng loạn tột độ. Cơn ác mộng ấy đã khiến tôi sợ hãi và day dứt nhiều ngày sau đó. Bởi nó rất thật, cứ như là nếu nó xảy ra tôi sẽ làm y như thế. Lúc đó tôi chỉ là một con bé sinh viên năm thứ 2 gần như ăn chay vì không muốn ăn thịt bất cứ con vật nào mình từng nuôi.

Tôi đã đi tìm và tham khảo triết lý về điều thiện và ác trong đạo Phật và một vài tôn giáo khác cũng như quan sát cuộc sống để tìm lời giải. Lời giải là hãy tránh xa những-điều-hướng-ác dù đó là những điều rất nhỏ trong cuộc sống.

Không có gì diễn ra một cách tự nhiên, cái gì cũng có nguồn gốc của nó. Đó là qui luật của nhân quả. Đôi khi ranh giới giữa điều thiện và điều ác thật mong manh…

5. Trở lại hai câu chuyện PCCC ban đầu, các dụng cụ chữa cháy kèm với nội qui và tiêu lệnh PCCC có ở khắp nơi trong các chung cư, cơ quan, nhà máy… nhưng mấy ai dừng lại đọc và ghi nhớ để rồi nếu có cháy là… chạy. Chạy thục mạng. Giẫm đạp lên nhau mà chạy.

Quen thói qua loa, cái gì cũng mang máng, hời hợt, học hành không đến nơi đến chốn, cẩu thả để rồi tưởng là gián tiếp nhưng lại là trực tiếp tiếp tay cho một tai họa. Như thế không phải là bạn đã làm điều xấu, điều ác rồi sao?!

Về vụ bác sỹ phi tang xác khách hàng, lúc đầu tôi phẫn nộ. Nhưng giờ tôi còn thấy thương hại, đau lòng và tiếc nuối. Dĩ nhiên kẻ thủ ác phải nhận sự trừng trị đích đáng của tòa án lương tâm và pháp lý.

Nhưng giá như Bệnh viện Bạch Mai quản lý tốt nhân viên của mình, giá như các cấp y tế và các nhà chức trách địa phương làm tròn trách nhiệm thanh kiểm tra, giá như các đơn vị truyền thông kỹ càng trong khâu nhận quảng cáo… thì đâu đến nỗi

Sự quan liêu và tắc trách tạo ra quá nhiều chỗ ẩn náu cho những-điều-hướng-ác.

Hãy áp dụng nguyên tắc “phòng cháy hơn chữa cháy” và nguyên tắc thời điểm vàng để dập tắt một đám cháy.

Bởi từ những sai lầm nhỏ khi tích lại sẽ gây hậu quả lớn.

Nhưng để không lặp lại sai lầm lại là chuyện không hề nhỏ./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Bác sĩ thẩm mỹ ném xác khách hàng xuống sông: Vô nhân tính!
Bác sĩ thẩm mỹ ném xác khách hàng xuống sông: Vô nhân tính!

VOV.VN - Có lẽ trong lịch sử ngành y, vụ bác sĩ đem xác nạn nhân đi phi tang một cách vô nhân tính như thế này chắc chỉ có một. 

Bác sĩ thẩm mỹ ném xác khách hàng xuống sông: Vô nhân tính!

Bác sĩ thẩm mỹ ném xác khách hàng xuống sông: Vô nhân tính!

VOV.VN - Có lẽ trong lịch sử ngành y, vụ bác sĩ đem xác nạn nhân đi phi tang một cách vô nhân tính như thế này chắc chỉ có một.